(CMO) Chiều 16/3, phát biểu kết luận Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 Bộ trưởng Bộ Công thương và Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Các vấn đề có liên quan khi các bộ trưởng đã hứa thì cần thực hiện đúng lời hứa, không quên lời đã hứa đối với người dân”.
“Vấn đề cân đối xăng, dầu, bảo đảm an ninh năng lượng là rất quan trọng do đó việc phải đẩy mạnh năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước là cấp bách hiện nay. Song song đó các cơ quan quản lý cũng cần hoàn thiện đề án chiến lược về dự trữ nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước ổn định. Nếu giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục có những biến động thì cần phải áp dụng biện pháp cấp bách để cứu nền kinh tế, hỗ trợ người dân”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề về đất đai, Chủ tịch Quốc hội phát biểu, cần tăng cường trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân. Đồng thời kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp. Vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 cũng như vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương... cần được thực hiện rốt ráo, triệt để.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: baochinhphu.vn |
Đẩy mạnh năng lực sản xuất, hoàn thiện chiến lược dự trữ xăng, dầu
Trong phiên chất vấn sáng 16/3, có 39 ý kiến chất vấn của các đại biểu đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực công thương: tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; việc thực hiện các Nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hoá trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản.
Theo đó, các đại biểu đặt câu hỏi về giải pháp trước mắt cũng nhưng lâu dài bảo đảm việc xuất nhập khẩu hàng hoá, nhất là nông sản khu vực ĐBSCL; giải pháp bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước; nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu; ngăn chặn tình trạng buôn lậu, găm hàng, tăng giá đối với thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19.
Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt; đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh dự Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại điểm cầu tỉnh Cà Mau. |
Trả lời đại biểu về vấn đề ùn ứ nông sản, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nguyên nhân là do Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid nên việc xuất khẩu nông sản gặp khó khăn. Bên cạnh đó, là do thương nhân Việt Nam quen xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, khi chính sách phía bạn thay đổi nên gặp khó.
“Nếu cứ làm theo cách cũ. Có gì làm nấy. Có gì bán nấy sẽ bị động. Ngành nông nghiệp cần có kế hoạch sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu từng thị trường”, ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh. Do đó, trước mắt, tinh thần là “tắc đâu thì phải thông đấy”, Bộ Công thương đã phối hợp với phía Trung Quốc bàn bạc các biện pháp tháo gỡ, tạo lập các vùng xanh an toàn để xuất khẩu, đơn giản hoá quy trình thủ tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hoá...
Bên cạnh đó, về lâu dài, phải tập trung chuyển từ xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch. Hiện tiêu chuẩn, tiêu chí để xuất hàng tiểu ngạch, chính ngạch qua biên giới đã được Bộ Công thương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Bộ Công thương cùng Bộ N&PTNT cần có trách nhiệm xây dựng đề án để chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch qua biên giới.
Về giải pháp căn cơ để bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp cũng như bảo đảm an ninh kinh tế đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Diễn biến xăng dầu thế giới vừa qua cho thấy nếu không có một chiến lược, giải pháp căn cơ thì trong tương lai, mặt hàng này còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, trước hết phải đẩy mạnh năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa khai thác, vừa chế biến xăng dầu; các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cũng cần hoàn thiện đề án chiến lược về dự trữ.
Đối với vấn đề chất vấn “có hay không chuyện găm xăng dầu từ các doanh nghiệp phân phối, các đầu mối? Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, qua thanh tra 16.800 cửa hàng bán lẻ thì chỉ có 211 cửa hàng đóng cửa, trong đó phần lớn đóng cửa do sự cố kỹ thuật. Còn những nơi không có hàng thì theo Bộ trưởng, chủ yếu do nhận nguồn hàng từ Nhà máy Nghi Sơn. Do đơn vị này dừng đột ngột nên ảnh hưởng.
Bộ cũng đã đã tiến hành thanh tra đồng bộ 33 doanh nghiệp đầu mối. Hiện đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên vẫn chưa có dữ liệu đầy đủ nên chưa thể báo cáo cụ thể. "Nếu doanh nghiệp vi phạm dứt khoát sẽ xử lý theo quy định pháp luật, cao nhất có thể rút giấy phép, đình chỉ kinh doanh", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc cung ứng, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Cà Mau. |
Ngăn chặn trục lợi trong đấu giá đất
Trong buổi chiều 16/3, đại biểu tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà liên quan đến nhóm vấn đề về công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; xử lý chất thải công nghiệp, chất thải y tế.
Trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp ngăn chặn tình trạng “bắt tay ngầm” trong đấu giá đất; “thổi” giá đất để trục lợi cá nhân, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận thực tế không chỉ có hiện tượng thổi giá còn có hiện tượng móc ngoặc, dìm giá, làm nhiễu loạn thị trường, gây ra nhiều hệ luỵ. Nguyên nhân là do pháp luật liên quan đến đấu giá đất còn chưa chặt chẽ; chế tài đối với người cố tình đẩy giá cao rồi bỏ cọc chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, các công cụ pháp luật để ngăn chặn tình trạng quân xanh, quân đỏ, móc ngoặc hoặc đe doạ người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất cũng chưa chặt chẽ, thậm chí có sơ hở.
Vấn đề xử lý chất thải công nghiệp, chất thải y tế, sinh hoạt cũng được nhiều đại biểu chất vấn.
Tình trạng thu gom, xử lý rác thải ở các địa phương vẫn còn nhiều bất cập, gây ô nhiễm môi trường, mất vẻ mỹ quan đô thị. |
Theo đó, về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của F0, ông Hà khẳng định, dù Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương đều đã có hướng dẫn rất cụ thể nhưng thực tế chưa được quan tâm đúng mức: “Trên thực tế, hiện công tác phân loại, xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm tại nhà có F0 điều trị vẫn chưa được người dân thực hiện nghiêm túc. Điều này tạo nguy cơ lây nhiễm rất cao đối với công nhân vệ sinh môi trường cũng như khả năng bùng phát dịch trên diện rộng”.
Đối với việc xử lý xả thải, Tư lệnh ngành tài nguyên - môi trường khẳng định, tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung tiếp tục tăng. Đối với các nhà máy hoạt động ngoài các khu công nghiệp, về cơ bản đã được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải, khí thải đều được đầu tư hệ thống phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quá trình vận hành thử nghiệm, vận hành chính thức…/.
Thanh Phương