Với tổng số 12 chi hội cùng 1.511 hội viên, những năm qua, phong trào phụ nữ thi đua sản xuất của chị em phụ nữ xã Tân Hưng, huyện Cái Nước phát triển mạnh mẽ, tạo nhiều cơ hội việc làm, ổn định kinh tế gia đình, góp phần xây dựng và phát triển quê hương.
Với tổng số 12 chi hội cùng 1.511 hội viên, những năm qua, phong trào phụ nữ thi đua sản xuất của chị em phụ nữ xã Tân Hưng, huyện Cái Nước phát triển mạnh mẽ, tạo nhiều cơ hội việc làm, ổn định kinh tế gia đình, góp phần xây dựng và phát triển quê hương.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hưng, huyện Cái Nước Lưu Thị Lan Thanh cho biết: “Những năm qua, phong trào phụ nữ của xã được củng cố và đi vào hoạt động, chị em tham gia tích cực. Ðó là yếu tố rất quan trọng để phong trào phát triển bền vững”.
Tổ hợp tác làm lưới ở ấp Tân Biên tạo nhiều cơ hội việc làm cho chị em phụ nữ. |
Phát triển và phổ biến nhất trong phong trào phụ nữ của xã là 2 mô hình làm lưới và lú bát quái. Chị Thanh cho biết, trong tổng số 12 chi hội của xã có đến 80% chi hội có tổ hợp tác làm lưới, làm lú. Còn lại các chi hội ở vùng sâu không tham gia tổ hợp tác thì đa số đều có công việc lựa tôm cho những vựa tôm ở địa phương.
Ấp Tân Biên, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước là một trong những ấp có mô hình làm lưới phát triển. Ðược thành lập đã 8 năm nay, lúc đầu số hội viên tham gia còn ít, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây mô hình ngày càng thu hút nhiều chị em hơn. Hiện tại tổ hợp tác làm lưới của Chi hội Phụ nữ ấp Tân Biên có 21 hội viên. Công việc làm lưới không mấy khó khăn, các công đoạn như luồn lưới, bắt lưới và làm chì đều đơn giản. Thu nhập của lao động theo sản phẩm, tuỳ tay nghề nhanh hay chậm. Với đầu ra ổn định từ các chợ đầu mối, trung bình mỗi chị thu nhập khoảng 3 triệu đồng một tháng.
Công việc đơn giản, ổn định này là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình trên địa bàn ấp Tân Biên. Chị Lê Thị Riêng chia sẻ: “Gia đình tôi chỉ có 2 công đất sản xuất, vì vậy nghề làm lưới là thu nhập chính đã hơn 7 năm nay. Trung bình mỗi tháng trừ chi phí, vợ chồng tôi thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng. Nhờ có công việc ổn định mà kinh tế gia đình giảm khó khăn, 2 con tôi có điều kiện đi học. Nếu có vốn, gia đình tôi sẽ mở rộng sản xuất”.
Bên cạnh tổ hợp tác làm lưới, tổ hợp tác làm lú bát quái của chị em phụ nữ ấp Phong Lưu, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước cũng đang tạo nhiều công ăn việc làm cho chị em phụ nữ, góp phần giúp nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế. Tuy mới thành lập hơn 6 tháng nay nhưng tổ hợp tác đã thu hút 15 hội viên tham gia, mỗi cái lú gia công chị em được trả công 15.000 đồng.
Chị Huỳnh Thị Duyên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Phong Lưu, xã Tân Hưng, nhận xét: “Tổ hợp tác làm lú là mô hình hoạt động hiệu quả, thu nhập theo sản phẩm của từng người, nếu làm nhanh một người có thể thu nhập hơn 100.000 đồng/ngày. Trong thời gian tới, chi hội sẽ cố gắng nhân rộng để ngày càng có nhiều chị em phụ nữ kiếm thêm thu nhập”.
Hoạt động của tổ hợp tác góp phần ổn định đời sống kinh tế, nâng cao tinh thần đoàn kết của chị em trong chi hội. Chia sẻ về công việc làm lú hiện tại, chị Hồ Kim Nhớ, ấp Phong Lưu, xã Tân Hưng, tâm sự: “Tham gia tổ hợp tác làm lú được 6 tháng, đời sống kinh tế gia đình tôi đã cải thiện hơn. Trung bình mỗi tháng tôi được hơn 2 triệu đồng, vừa phụ giúp tiền sinh hoạt trong gia đình, vừa lo cho các con đi học. Nhận thấy hiệu quả từ công việc này, chồng tôi và các con đều cùng làm lúc rảnh rỗi”.
Chị Lưu Thị Lan Thanh bày tỏ: “Hội phụ nữ xã rất mong tỉnh sẽ có những chương trình, lớp tập huấn về kỹ thuật để ngày càng có nhiều mô hình, tổ hợp tác sản xuất được thành lập, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho chị em nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa”.
Việc lao động đi làm ngoài tỉnh hiện nay là xu hướng chung của bà con ở vùng nông thôn, nhưng cũng để lại nhiều hệ luỵ đáng suy ngẫm. Nhờ phong trào phụ nữ thi đua sản xuất phát triển, chị em có được công ăn việc làm tại nhà, vừa có thời gian chăm sóc gia đình, vừa phát triển kinh tế, không phải đi xa vất vả. Ðó là một trong những mục tiêu mà Hội Phụ nữ Tân Hưng đã và đang cố gắng hướng tới./.
Bài và ảnh: Ðào Kim Chi