ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 6-12-24 08:44:54
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cách vắt sữa và bảo quản sữa mẹ

Báo Cà Mau Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà các bà mẹ không thể trực tiếp cho con bú, nên vắt sữa là giải pháp tốt nhất.

Theo các bác sĩ chuyên môn, nên vắt sữa khi không có điều kiện gần con, cho con bú vì nếu sữa không được vắt ra thì sẽ bị cạn dần. Vắt sữa giúp bạn dễ chịu, đỡ bị hiện tượng cương bầu vú. Như thế, bé cũng có thể uống sữa mẹ trong một thời gian cần thiết, nhất là 6 tháng đầu đời.

Dụng cụ bảo quản sữa phải được vệ sinh và ghi rõ ngày vắt sữa để kiểm soát hạn dùng.

Bác sĩ Quách Thị Ngọc Trinh, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trung tâm Y tế huyện Thới Bình, chia sẻ: “Trước khi vắt sữa các bà mẹ nên chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ đựng sữa. Rửa các loại dụng cụ này bằng xà phòng và nước sạch. Sau đó, dùng nước sôi trụng qua trong vài phút để tiệt trùng. Với bầu vú, mẹ hãy làm mềm bằng cách lau khăn ấm và mát xa nhẹ nhàng cả hai bên để việc vắt sữa dễ dàng hơn.

Trong khi vắt sữa, bà mẹ từ từ nâng bầu vú bằng một tay, mát xa từ trên bầu vú xuống núm vú. Sau đó xoa xung quanh kể cả phía dưới bầu vú. Tiếp tục ấn nhẹ vào vùng quầng vú bằng ngón cái và ngón trỏ rồi dùng 2 ngón tay bóp vào nhau và ấn ngược lại để sữa chảy ra. Nên vắt một bên tối thiểu 3-5 phút cho tới khi thấy sữa chảy chậm lại thì chuyển sang bên kia, sau đó vắt cả 2 bên cho cân bằng”.

Ngoài cách vắt sữa bằng tay, mẹ cũng có thể sử dụng các dụng cụ bơm hút sữa tiện lợi và dễ dàng hơn. Trước tiên cũng phải làm mềm bầu vú và phải tiệt trùng dụng cụ bơm hút trước khi hút sữa, sau đó mới sử dụng.

Nhân viên y tế hướng dẫn các bà mẹ cách bảo quản sữa đúng cách.

Sữa sau khi vắt ra cần được bảo quản trong bình thuỷ tinh, bình nhựa đậy kín hoặc sử dụng túi đựng chuyên dụng. Chỉ nên để 60-120 ml, vừa đủ cho 1 lần ăn của bé để tránh lãng phí và đảm bảo vệ sinh. Để an toàn, nhớ ghi rõ ngày vắt sữa ngoài bình, túi đựng để kiểm soát hạn dùng.

“Việc rã đông sữa mẹ không đúng cách trước hết sẽ làm mất nhiều chất dinh dưỡng quý giá có trong sữa mẹ, nặng hơn có thể làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá của trẻ”, Bác sĩ Trinh thông tin.

Rã đông sữa mẹ đúng cách với sữa được bảo quản trong tủ đá là bỏ túi sữa xuống ngăn mát từ hôm trước rồi để qua đêm cho sữa tan đá. Khi sữa đã tan đá hoàn toàn, mẹ dùng tay lắc nhẹ cho lớp sữa béo và lớp sữa trong hoà vào với nhau. Tiếp đó, mẹ ngâm túi sữa vào nước ấm 40 độ C, không được để nhiệt độ cao hơn. Nếu có máy hâm sữa thì càng tốt. Đến khi thấy sữa ấm đều thì cho bé bú.

Rã đông với sữa trong ngăn mát: Sữa mẹ bảo quản trong ngăn mát chỉ có hạn sử dụng 48 giờ đồng hồ, qua thời gian này, tuyệt đối không hâm nóng lại cho bé bú. Rã đông sữa mẹ đúng cách trong trường hợp này đơn giản hơn nhiều so với sữa được bảo quản trong ngăn đá. Mẹ chỉ cần mang túi sữa ngâm vào nước ấm 40 độ C đến khi sữa ấm đều là bé có thể sử dụng được. Nếu bé uống không hết thì bỏ đi, không cho bé sử dụng lại.

Chất béo trong sữa sẽ tạo thành một lớp mỏng trên bề mặt. Do đó, khi làm ấm sữa, mẹ nên lắc đều để tái phân bố lại lớp chất béo này. Lò vi sóng có thể làm huỷ hoại đi các chất kháng thể chống nhiễm trùng trong sữa mẹ. Vì vậy, các bà mẹ không nên sử dụng lò vi sóng để làm ấm sữa.

Một số mẹ có hàm lượng lipase (một loại men tiêu hoá chất béo) trong sữa cao, khi rã đông sẽ khiến sữa có mùi vị của xà phòng, nhiều bé không muốn uống. Trong trường hợp này, mẹ có thể đun nhẹ sữa ở 80-82oC để làm mất lipase. Sau đó làm lạnh nhanh và bảo quản sữa lại trong tủ lạnh.

Thời gian bảo quản được khuyến nghị là rất quan trọng, cần tuân theo để có chất lượng sữa tốt nhất. (Ảnh: Internet).

Nghiên cứu cũng cho thấy, sữa mẹ bảo quản dù trong ngăn mát hay ngăn đông tủ lạnh càng lâu thì lượng vitamin C bị mất đi càng nhiều. Một lưu ý quan trọng khác mẹ cần biết là sữa mẹ sẽ thay đổi để đáp ứng nhu cầu của trẻ.

Sữa mẹ vắt ra khi trẻ ở giai đoạn sơ sinh sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ khi được vài tháng tuổi. Ngoài ra, hướng dẫn bảo quản sữa mẹ có thể khác nhau trong trường hợp trẻ sinh non hoặc trẻ mắc bệnh lý cần nhập viện chăm sóc đặc biệt. Do đó, người mẹ cần tìm hiểu kỹ và thực hành đúng các nguyên tắc vắt sữa và bảo quản sữa để bé có bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và đủ chất./.

Huyền Trân

 

 

 

 

Phòng tránh bệnh ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là một trong những bệnh thường gặp ở vùng đầu, mặt, cổ, ở cả nam và nữ giới. Bệnh thường không có dấu hiệu rõ ràng nên âm thầm di căn đến nhiều bộ phận khác, thường khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy, việc tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng tránh ung thư tuyến giáp rất quan trọng, giúp chúng ta chủ động ngăn ngừa căn bệnh này.

Tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại

Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh sau khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình dịch bệnh dại ở động vật trên địa bàn tỉnh.

Mít tinh Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS

Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh: “Sau gần 35 năm triển khai thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực, thu hút sự quan tâm của các tổ chức trong và ngoài nước, trở thành một trong những điểm sáng về phòng, chống HIV/AIDS tại khu vực và toàn cầu”.

Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

Sáng 28/11, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm với các điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước. PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, chủ trì hội nghị.

Nâng cao kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá

Để đẩy mạnh công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, ngày 28/11, Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) và Sở Y tế tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị tập huấn phòng, chống tác hại của thuốc lá tại tỉnh Cà Mau.

Những loại thực phẩm có lợi cho sự phát triển trí não của trẻ nhỏ

Thực phẩm không chỉ là món ăn để no và nuôi sống cơ thể hằng ngày của mỗi con người, mà đối với trẻ nhỏ, nhiều loại thực phẩm còn có giá trị dinh dưỡng rất cao, giúp cho trẻ được phát triển một cách toàn diện cả về thể chất lẫn trí não.

Các nhóm đối tượng có nguy cơ cao  mắc ung thư tuyến tuỵ

Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) cho biết, ung thư tuyến tuỵ nói riêng và căn bệnh ung thư nói chung đã trở thành là nỗi lo của rất nhiều hộ gia đình, bởi ngoài việc phải chi phí cao cho công tác điều trị, thì việc kéo dài thời gian sống của bệnh nhân cũng rất khó. Trong đó, ung thư tuyến tuỵ được xem là vô cùng nguy hiểm và luôn có tiên lượng xấu.

Biện pháp phòng bệnh tim mạch hiệu quả

Bệnh tim mạch (bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, suy tim...) là căn bệnh nguy hiểm, nếu không phát hiện kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Bệnh đang có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây với tỷ lệ tử vong cao. Do đó, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh tim mạch là vấn đề hết sức cần thiết.

Lợi ích điều trị ung thư tại tuyến tỉnh

Từ năm 2016, Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh. Theo đó, thời gian qua, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Ða khoa tỉnh được đầu tư nhiều trang thiết bị, cũng như nguồn nhân lực để thực hiện điều trị các bệnh lý về ung thư. Ðiều này đem lại hiệu quả điều trị cũng như giảm chi phí cho bệnh nhân và người nhà, nhất là đối với bệnh nhân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Cẩn trọng với dị vật tai mũi họng ở trẻ nhỏ

Mắc dị vật tai mũi họng (TMH) thường gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất là trẻ em. Ðặc biệt, trẻ em hay tinh nghịch, hiếu động, thích khám phá thế giới xung quanh nên thường có thói quen nhét vật lạ vào mũi, tai, hay ngậm các vật nhỏ vào miệng, dễ sặc vào phổi... Một số trường hợp do bất cẩn trong chế biến thức ăn, trẻ dễ bị hóc xương. Dị vật TMH ở trẻ em nếu không được phát hiện, chẩn đoán và xử trí kịp thời sẽ gây các biến chứng khôn lường.