Tết là ngày khởi đầu cho một năm mới - một năm với tràn đầy hy vọng và những ước mơ đang đến. Bầu không khí của ngày Tết Việt lúc nào cũng vui, cũng thanh bình và không kém phần nhẹ nhàng, quyến rũ. Với thiên nhiên là ngàn hoa bừng nở, với con người là những nụ cười tươi trên môi.
Tết là ngày khởi đầu cho một năm mới - một năm với tràn đầy hy vọng và những ước mơ đang đến. Bầu không khí của ngày Tết Việt lúc nào cũng vui, cũng thanh bình và không kém phần nhẹ nhàng, quyến rũ. Với thiên nhiên là ngàn hoa bừng nở, với con người là những nụ cười tươi trên môi.
Từ lâu nay vẫn thế, những gì khó khăn, vất vả, không hoàn hảo của năm cũ được gác sang một bên hay thanh toán hết, để cùng chào đón một năm mới, mùa xuân mới với muôn vàn hạnh phúc. Trong sự hoà hợp thiêng liêng của trời và đất, cả của lòng người, cùng với tấm lòng tưởng nhớ tổ tiên, ngày Tết là ngày hội thăng hoa của người Việt Nam, là ngày hội của con người hoà hợp với cộng đồng, nó mang đậm nét văn hoá dân tộc sâu sắc và độc đáo.
Chưa đến Tết, nhưng sự chuẩn bị cho ngày Tết thì đã có từ trước đó vài ba tháng. Các nhà xuất bản thì tất bật lo biên soạn những cuốn lịch mới; các sân bay, nhà ga, bến xe, tàu lo chuyện bán vé Tết cho hành khách. Ngày Tết càng đến gần thì mấy tiếng về quê ăn Tết nghe thật cảm động, thật quen thuộc. Mọi người ai cũng rôm rả hỏi nhau khi nào về quê ăn Tết hay đại loại như có về quê ăn Tết không?
Những câu hỏi ấy nghe sao thật vui, thật nôn nao. Những người làm ăn xa, những người Việt Nam ở nước ngoài đều thấy lòng mình náo nức nhớ về quê hương và cả cái Tết quê mình. Những người đã xa nhà, xa quê hương, trong giấc mơ của mình thường vẫn thấy hiện lên mái nhà xưa, con đường đê nhỏ, cái cổng làng hay hàng dừa ven sông, những con đò nhỏ và tất nhiên có cả nhánh mai, nhánh đào.
Người Việt Nam quan điểm, Tết dù sao chăng nữa cũng phải về quê hương, vì về quê ăn Tết là về với ông bà, cha mẹ, về với những kỷ niệm ngày xưa thơ bé, về với mảnh đất nơi “chôn nhau cắt rốn”. Nói cách khác, ngày Tết Việt Nam là ngày của sự đoàn viên. Người Việt Nam ta quý nhau vì một chữ tình, tình làng nghĩa xóm, tình cảm anh em, gia đình, họ hàng, bạn bè.
Trong ý niệm người Việt Nam, ai cũng muốn ngày Tết đem đến mọi sự tốt lành. Người ta chọn người khoẻ mạnh, tài giỏi để xông nhà. Không cứ phải là người lớn, trẻ em cũng được, nhưng phải là những chú bé ngoan ngoãn, thông minh. Rồi giao thừa đi hái lộc, một cành mai nhỏ mang về nhà với sự cầu mong năm mới an lành, phước lộc. Trên bàn thờ tổ tiên lúc nào cũng đầy ắp trái cây, bánh mứt và hương khói nghi ngút tạo cảm giác thật ấm áp, thiêng liêng.
Nhưng không phải chỉ có cái đẹp của hình thức, ngày Tết Việt Nam còn coi trọng vẻ đẹp của tâm hồn, vẻ đẹp của cội nguồn. Kiêng nói gở, những lời nói cục cằn, kiêng cãi nhau. Lời nói tử tế là điệu nhạc và ngày đầu năm gặp người ăn nói tử tế, dịu dàng như gặp may mắn cả năm.
Cuộc sống xã hội hiện tại vốn không bình yên và trong cuộc mưu sinh có sự vấp ngã, thậm chí là xung đột là điều tất yếu. Nhưng bước sang năm mới, con người như muốn quên đi tất cả những điều đó, để đón chào những điều tốt đẹp hơn. Ngày Tết con người muốn được gần gũi nhau hơn, tình làng nghĩa xóm và lòng người như cũng rộng mở hơn, to lớn hơn./.
Triệu Hoàng