(CMO) Để sản phẩm đặc trưng của địa phương được công nhận sản phẩm OCOP, chủ thể phải hoàn thành bộ thủ tục hành chính hơn 10 loại giấy tờ có liên quan, với nhiều nội dung quan trọng cần được bảo mật.
Trong đó có hoá đơn đầu vào hoặc hợp đồng mua nguyên liệu chế biến sản phẩm OCOP. Đây được xem là thông tin cá nhân cần được bảo mật trong quá trình tham gia sản phẩm OCOP, phòng ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của chủ thể.
Nông dân Cái Nước thu hoạch bồn bồn. |
Để công nhận sản phẩm OCOP, các chủ thể tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm phải hoàn thành bộ thủ tục hành chính, với nhiều loại hồ sơ, giấy tờ chứng minh sản phẩm đặc trưng của địa phương. Trong đó có nội dung chứng minh nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu đầu vào bằng hoá đơn hoặc hợp đồng thu mua nguyên liệu giữa chủ thể với tổ chức, cá nhân cung cấp nguyên liệu. Tuy đây là việc làm thường xuyên của các chủ thể, nhưng khi tiến hành kiểm tra, thẩm định và công nhận sản phẩm OCOP cấp huyện, các chủ thể hết sức băn khoăn về nội dung thủ tục này. Họ cho rằng hoá đơn đầu vào, hoặc hợp đồng thu mua nguyên liệu chế biến sản phẩm OCOP có nhiều nội dung quan trọng cần được bảo mật, như địa chỉ cung cấp nguyên liệu, đơn giá, số lượng nguyên liệu... Đây được xem là thông tin cá nhân của chủ thể cần được bảo mật, phòng ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh mua bán.
Bồn bồn tham gia sản phẩm OCOP. |
Chủ thể nước mắm Diệu Hương (xã Hưng Mỹ) giả định, trường hợp hoá đơn đầu vào hoặc hợp đồng thu mua nguyên liệu làm nước mắm bị rò rỉ ra bên ngoài, không may gặp đối tượng cạnh tranh không lành mạnh, tìm đến địa chỉ cung cấp nguyên liệu của chủ thể mua nguyên liệu với giá cao, trong khi giá mặt hàng nước mắn thành phẩm bán ra thị trường không thay đổi. Nếu không tăng giá thu mua nguyên liệu sẽ không có nguyên liệu chế biến nước mắm, còn tăng giá thu mua nguyên liệu bằng hoặc cao hơn với đối tượng đang cạnh tranh không lành mạnh, khi chế biến thành phẩm bán ra thị trường sẽ rất khó tiêu thụ, do giá thành sản phẩm tăng cao. Còn đối với Hợp tác xã bồn bồn Đông Hưng (xã Tân Hưng Đông) đang tham gia sản phẩm dưa bồn bồn OCOP, mặc dù nguyên liệu chế biến sản phẩm bồn bồn được ký kết với xã viên trên cơ sở thuận mua vừa bán, nhưng trong quá trình tham gia sản phẩm OCOP, chủ thể phải chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đầu vào bằng hoá đơn đầu vào, hoặc hợp đồng mua nguyên liệu, luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cạnh tranh không lành mạnh, khi sản phẩm dưa bồn bồn được công nhận là sản phẩm OCOP của địa phương.
Về vấn đề này, các chủ thể tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm cho rằng, việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu đầu vào chế biến sản phẩm OCOP, chỉ cần tổ chức, cá nhân cung cấp nguyên liệu xác nhận là có thể đảm bảo; không nên bắt buộc các chủ thể cung cấp hoá đơn đầu vào, hoặc hợp đồng mua nguyên liệu.
Để bảo vệ quyền lợi các chủ thể trong quá tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, cũng như sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, vấn đề bảo mật thông tin cá nhân của chủ thể hết sức cần thiết, phòng ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể./.
Việt Tiến