(CMO) Cà Mau là tỉnh có điều kiện tự nhiên đặc biệt, trong đó tiêu biểu nhất là bờ biển dài, hệ thống sông ngòi chằng chịt, nền đất yếu lại thấp…, do đó, rất dễ bị tổn thương trên phạm vi rộng trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu (BÐKH). Ðể công tác phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả cao, nhất là có đủ nguồn lực để chủ động triển khai nhiệm vụ “phòng là chính”, tỉnh đang cần cơ chế chính sách đặc thù.
Hơn 10 năm qua, dưới tác động của BÐKH làm nước biển dâng, cùng với tình trạng sụp lún đất và các hình thái thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ sông, bờ biển của Cà Mau bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Một con số khiến ai nghe qua cũng thấy xót xa là tình trạng sạt lở bờ biển đã làm mất đất và rừng phòng hộ với diện tích khoảng 5.250 ha, tức tương đương với diện tích bình quân một xã của tỉnh hiện nay. Không chỉ mất đất, mất rừng mà sạt lở còn phá huỷ nhiều công trình hạ tầng, nhà cửa, tài sản của người dân...
Qua rà soát cho thấy, hiện sạt lở bờ biển và bờ sông trên địa bàn tỉnh đang diễn ra với tốc độ rất nghiêm trọng. Cụ thể, bờ biển có khoảng 31 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, các đoạn bờ biển này có tốc độ sạt lở hàng năm bình quân từ 25-50 m, đặc biệt có những nơi lên đến 80 m. Ngoài ra, tổng chiều dài các đoạn sạt lở nguy hiểm khoảng 58 km, với tốc độ sạt lở hằng năm bình quân từ 20-40 m. Trong khu vực kênh rạch, toàn tỉnh hiện có trên 120 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, khoảng 305 km trong tình trạng sạt lở nguy hiểm và có nguy cơ sạt lở.
Tốc độ sạt lở rất nghiêm trọng là vậy nhưng nguồn kinh phí để triển khai giải pháp, công trình bảo vệ vượt ngoài khả năng ngân sách của tỉnh.
Thời gian qua, nhiều giải pháp công trình chống sạt lở đã được tỉnh thí nghiệm nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất.
Theo ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển mà tỉnh đầu tư trong những năm qua đã mang lại kết quả rõ rệt. Các công trình này làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000 ha rừng phòng hộ. Mặt khác, các công trình kè bờ sông, cửa biển không chỉ khắc phục được tình trạng sạt lở, mà còn sắp xếp, chỉnh trang lại mỹ quan, trật tự xây dựng công trình, nhà ở ven sông phù hợp với BÐKH và tình hình diễn biến sạt lở. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn chế nên việc triển khai các công trình phòng chống sạt lở luôn trong tình trạng bị động.
Chưa thể chủ động và xử lý dứt điểm những khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, tức nguy cơ thiệt hại hiện nay là rất lớn. Không chỉ vậy, nếu để xảy ra thiệt hại thì việc khắc phục càng trở nên khó khăn hơn. Việc phải thường xuyên tập trung đối phó với tình huống khẩn cấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khác, nguy cơ “tụt hậu” của nền kinh tế so với các tỉnh trong khu vực và cả nước có thể xảy ra.
Khu vực Đá Bạc là một trong những đoạn đang trong tình trạng sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Trước điều kiện tự nhiên khá đặc biệt và những ảnh hưởng của BÐKH, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, kiến nghị, Chính phủ sớm cho tỉnh áp dụng một số cơ chế đặc thù trong thực hiện các công trình phục vụ nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Cụ thể, xem xét áp dụng cơ chế đặc thù cho Cà Mau thực hiện vay lại vốn ODA với tỷ lệ 10% theo quy định tại Khoản 4, Ðiều 1, Nghị định số 79/2021/NÐ-CP, ngày 16/8/2021.
Theo quy định tại Khoản 3, Ðiều 1, Nghị định 79, Cà Mau là tỉnh thuộc nhóm phải vay lại đến 30% đối với vốn vay ODA. Dự án đầu tư thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến phòng, chống thiên tai là những dự án không trực tiếp tạo ra nguồn thu cho địa phương. Mặt khác, do đặc thù địa hình của tỉnh rất dễ bị tổn thương trên phạm vi rộng do BÐKH nên nhu cầu nguồn vốn đầu tư rất lớn, vượt xa khả năng cân đối ngân sách của địa phương.
Cơ chế đặc thù để xã hội hoá trong đầu tư công trình chống sạt lở là nhu cầu cấp thiết hiện nay của tỉnh. Thực tế trước đây tỉnh đã thí điểm đầu tư theo hình thức hợp đồng BT theo quy định của Nghị định 63/2018/NÐ-CP. Tức giao cho doanh nghiệp làm một đoạn bờ kè phục vụ du lịch, hiện nay khu vực này được bảo vệ tốt. Tuy nhiên, hiện nay Luật Ðầu tư theo phương thức đối tác công tư của Quốc hội không còn hình thức đầu tư BT.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho biết thêm, đã qua có nhiều nhà đầu tư đề xuất xã hội hoá việc đầu tư công trình chống sạt lở bờ biển theo hướng BT. Cụ thể, sau khi đầu tư xây dựng công trình kè phá sóng phía ngoài bờ biển, cho phép doanh nghiệp sử dụng một phần diện tích đất bên trong kè hoặc hoán đổi với diện tích đất ở vị trí khác để thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội khác như năng lượng tái tạo ven biển; cảng cá, bến cá, dịch vụ hạ tầng nghề cá tại các cửa biển; dự án sắp xếp dân cư ven biển, ven sông; dự án phát triển dịch vụ du lịch...
Cà Mau đang tranh thủ nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng công trình chống sạt lở đoạn đê biển Tây khu vực Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.
Theo thống kê, năm 2020, diện tích đất rừng phòng hộ ven biển tỉnh hiện khoảng 31.907 ha. Phần đất và rừng này phải mất hàng trăm năm mới hình thành, tuy nhiên, sạt lở đã làm mất đất, rừng phòng hộ bình quân mỗi năm khoảng 400 ha. Như vậy, nếu không có giải pháp bảo vệ hiệu quả dễ dàng tính được đến năm 2025 diện tích rừng phòng hộ ven biển còn lại khoảng 29.900 ha và đến năm 2030 là khoảng 27.900 ha. Tuy nhiên, Trung ương phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất theo Quyết định số 326/QÐ-TTg giao đất rừng phòng hộ cho tỉnh đến năm 2025 là 31.234 ha, đến năm 2030 là 30.753 ha. Ðây là nhiệm vụ vô cùng khó trong điều kiện thực tế sạt lở như hiện nay.
Trước thực trạng sạt lở phức tạp, trên diện rộng như hiện nay, nhu cầu vốn để triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống sạt lở trên địa bàn tỉnh rất lớn. Theo thống kê, nhu cầu trước mắt nếu đầu tư xây dựng 89 km kè bảo vệ các đoạn bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm phải cần đến khoảng 3.400 tỷ đồng. Ngoài ra, 47 km bờ sông nơi dân cư tập trung nhưng đang trong tình trạng sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm để bảo vệ cũng cần phải có kinh phí trên 3.770 tỷ đồng.
Song song đó, hiện có 33 tuyến sông, kênh rạch cần xây dựng công trình chỉnh trị dòng sông nhằm kiểm soát dòng chảy, mực nước, vận tốc, nhằm giảm thiểu xói lở cũng phải cần nguồn kinh phí khoảng 1.086 tỷ đồng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn khoảng 1.387 hộ dân đang sinh sống trong các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm có nhu cầu di dời, sắp xếp tái định cư tương đương khoảng 7 khu tái định cư, tức cần có nguồn kinh phí hơn 349 tỷ để đầu tư xây dựng.
Có thể thấy nhu cầu vốn để đầu tư các công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh là vô cùng lớn, cần có sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp. Tuy nhiên, để huy động và phát huy tối đa nguồn lực này cần có cơ chế chính sách đặc thù./.
Nguyễn Phú