Sáng 26/9, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm đến kiểm tra công tác thi công Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau (tại gói thầu XL03, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Đây là hạng mục thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.
Đoạn cao tốc trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đến nay, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư với tuyến chính đạt 99%, tuyến nối đạt trên 93% so với kế hoạch đề ra; trong khi đó việc triển khai xây dựng đang diễn ra khá chậm do nhiều nguyên nhân, nhất là về phần đường.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng tuyến chính được 71,9/73,2km (đạt 98%), thực tế thi công khoảng 68,4/71,9km tuyến cao tốc (đạt 95% mặt bằng được bàn giao).
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nghe chủ đầu tư thông tin về tiến độ dự án tại vị trí kiểm tra công trường thuộc huyện Thới Bình.
Các vị trí chưa thi công được do mặt bằng chưa liên tục, còn nhiều vị trí “xôi đỗ”, có các đoạn chưa thi công; vướng các hộ dân, nhà cửa chưa di dời tại các cầu lớn; thi công di dời hạ tầng còn chậm. Có 2.043 hộ dân ảnh hưởng, đến nay đã bàn giao được 1.991 hộ (đạt 97%), vướng 52 hộ. Nguyên nhân chủ yếu là yêu cầu về nâng giá bồi thường, đất còn tranh chấp, khiếu nại, chờ mương dẫn nước nuôi trồng thuỷ sản…
Đối với 3 gói thầu xây lắp, luỹ kế sản lượng đến nay đạt 1.106,64/11.957,91 tỷ đồng, đạt 9,3% giá trị hợp đồng (chậm 10% so với kế hoạch đăng ký). Vốn đã giải ngân lũy kế từ đầu dự án đến nay là 3.941,83/5.342,57 tỷ đồng (đạt 75%).
Tuyến cao tốc nối vào tuyến Xuyên Á (huyện Thới Bình), sau đó đi vào tuyến nối dài kết nối vào Quốc lộ 1 tại xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước (đối diện tuyến tránh Quốc lộ 1).
Theo ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, đến nay, dự án mới chỉ tiếp nhận được 0,481 triệu m3 cát từ nguồn tăng công suất các địa phương đã bố trí, trong khi nhu cầu cát đắp nền đường cho dự án là rất lớn. "Ban đã huy động 89 mũi thi công, 268 máy móc, thiết bị và 739 nhân sự để đẩy nhanh tiến độ dự án", ông Tuân cho hay.
Do thiếu nguồn cát nên nhiều đoạn thuộc dự án tuyến cao tốc Hậu Giang - Cà Mau đang chậm tiến độ.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đề nghị các nhà thầu phải huy động bổ sung máy móc, thiết bị, nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. "Nhà thầu đứng đầu liên danh phải có trách nhiệm chỉ đạo điều hành chung, thường xuyên theo dõi chặt chẽ, đôn đốc các nhà thầu trong liên danh nâng cao tinh thần, trách nhiệm, khẩn trương thi công, đưa dự án về đích đúng tiến độ và kế hoạch đã đề ra", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm yêu cầu.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cũng lưu ý kế hoạch thi công cần điều chỉnh linh hoạt, bảo đảm phù hợp với thực tế. Cần có kế hoạch thi công bù, không để tình trạng chậm kéo dài. Đồng thời, yêu cầu Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận phải chủ động điều phối công việc, chỉ đạo tổ chức thi công phải bảo đảm tính khoa học, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà thầu.
"Đối với các nhà thầu chậm trễ, không có giải pháp khắc phục, cần kiên quyết xử lý theo quy định hợp đồng", Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.
Cầu vượt kênh xáng Lương Thế Trân thuộc tuyến nối dài kết nối Quốc lộ 1 đang được triển khai thi công.
Cao tốc đoạn Hậu Giang - Cà Mau (dài 73km) là một trong 3 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có nhiều gói thầu xây lắp nhất (3 gói thầu) do Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, với kinh phí đầu tư là 17.152 tỷ đồng, sử dụng ngân sách Nhà nước.
Quy mô dự án với 4 làn xe, rộng 17m, sau đó nâng lên 24,75m; tốc độ thiết kế 80-100km/h, được khởi công ngày 1/1/2023, dự kiến hoàn thành vào năm 2025./.
Trần Nguyên