(CMO) Cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số (CÐS) đang tạo ra hiệu ứng lan toả, mang lại chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ đảng, chính quyền tại Cà Mau; hình thành văn hoá công vụ và nền hành chính công vụ hiện đại, phục vụ Nhân dân. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai, nhất là ở những địa bàn nông thôn, các công việc này còn gặp một số khó khăn. Trong đó, việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về CCHC và CÐS còn nhiều hạn chế.
Cao điểm chiến dịch 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên địa bàn tỉnh Cà Mau” là quyết tâm chính trị lớn của địa phương trong việc tạo ra bước ngoặt mới cả trong nhận thức và hành động về CCHC gắn với CÐS. Hiệu ứng và kết quả thực tế là rõ ràng, đầy tích cực. Song, như mọi công việc khác, chỉ quyết tâm thôi chưa đủ.
Thành viên tổ hỗ trợ, giúp đỡ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại UBND xã Hồ Thị Kỷ đồng thời là công chức, cán bộ trực tiếp giải quyết TTHC cho người dân. |
Ông Nguyễn Việt Bắc, Phó chủ tịch UBND xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, cho biết: “Chủ trương về CCHC và CÐS là đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển, được xã hội ủng hộ, đang được đồng loạt triển khai trong toàn hệ thống chính trị, mang lại hiệu quả, hiệu ứng lớn. Tuy nhiên, xã Hồ Thị Kỷ cũng như những địa phương khác, quá trình triển khai gặp khó khăn, nếu không giải quyết kịp thời, triệt để, có thể ảnh hưởng đến kết quả, kỳ vọng chung”.
Từ thực tế địa phương, ông Bắc chia sẻ: “CCHC là công việc không mới, CÐS cũng không thể không tiến hành, tuy nhiên khi bước vào cao điểm quyết liệt, một số cán bộ, công chức về kỹ năng, trình độ chưa theo kịp nhiệm vụ. Bên cạnh đó, việc trang bị máy móc, đường truyền, cơ sở vật chất hiện tại của địa phương cũng là hạn chế trong việc vận hành, triển khai, phát huy kết quả theo yêu cầu của chủ trương chung”.
Dẫn ra công việc tại địa phương, ông Bắc cho biết: “Như lĩnh vực tư pháp, hộ tịch, khối lượng hồ sơ rất lớn, trong khi đó máy móc trục trặc, nhân lực ít, dẫn đến việc số hoá toàn bộ không đạt kế hoạch đề ra”.
Còn đối với sự ủng hộ, hưởng ứng của người dân, theo ông Bắc: “Bà con ai cũng phấn khởi, rất đồng lòng thực hiện”. Thế nhưng, đối với những người lớn tuổi, những hộ khó khăn, công việc này không hề dễ dàng. Hiện nay, một số người dân vẫn còn bỡ ngỡ khi được tiếp cận, hỗ trợ sử dụng các ứng dụng DVCTT.
Một số người dân khi cần giải quyết TTHC vẫn giữ thói quen nộp và nhận giấy tờ bằng cách thủ công viết tay, trực tiếp. (Ảnh: Công dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại UBND xã Hồ Thị Kỷ).
Theo ông Ðinh Văn Sáu, công chức phụ trách bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại UBND xã Hồ Thị Kỷ, những khó khăn cụ thể là: "Một số bà con sử dụng sim điện thoại không chính chủ, thậm chí không có điện thoại; một số khác còn mơ hồ về chủ trương chung của tỉnh, chỉ khi có công việc đến UBND mới được thông tin, vận động thực hiện nên cần phải có thời gian tiếp nhận. Nhưng khó nhất vẫn là việc trả phí theo hình thức trực tuyến, hầu hết bà con đều chưa làm được”.
Tại UBND xã Hồ Thị Kỷ, một tổ thường trực làm công tác hỗ trợ, giúp đỡ người dân sử dụng DVCTT được thành lập, nhưng thành viên của tổ này cũng chính là các công chức, cán bộ trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho bà con. Chính vì điều này mà áp lực công việc không hề nhỏ. Trong giai đoạn này, công chức, cán bộ ở bộ phận một cửa UBND xã Hồ Thị Kỷ hoạt động hết công suất, nhưng vẫn khó có thể đáp ứng tối ưu các yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Bên cạnh đa phần bà con đồng thuận, tiếp nhận thì một số ít khác vì lý do riêng tỏ ra chưa mặn mà với những giá trị, lợi ích và ý nghĩa khi tiếp cận, sử dụng hình thức DVCTT. “Nhận thức, thói quen của người dân vẫn là vấn đề mấu chốt. Vấn đề này không thể thay đổi ngay lập tức mà phải cần quá trình. Làm sao để CCHC, CÐS mang lại sự tiện dụng, quyền lợi thiết thân cho người dân, để bà con nhìn thấy được, cảm nhận được trực tiếp mới là giải pháp lâu dài”, ông Bắc phân tích.
Công chức bộ phận một cửa UBND xã Hồ Thị Kỷ vẫn phải giải quyết TTHC cho người dân trực tiếp theo yêu cầu.
Với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau, nhất là ở địa bàn nông thôn, CCHC và CÐS dù đang rốt ráo triển khai, nhưng kết quả mang lại chỉ là bước đầu, là nền tảng cho những chuyển biến mạnh hơn, toàn diện hơn, thực chất hơn về lâu dài. Trước tiên, phải giải quyết cho bằng được bài toán về nhận thức thông qua thông tin, truyền thông bằng nhiều kênh, nhiều cách; càng sâu rộng, càng cụ thể, trực diện thì càng hiệu quả. Ðội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin - truyền thông cho các công việc này ở các cấp, các ngành cần được nâng chất đồng bộ. Bởi CCHC và CÐS, dù có rất nhiều ưu điểm nhưng nếu chỉ nghẽn ở một khâu, một bộ phận thì sẽ kéo theo sự trì trệ của cả hệ thống.
Tỉnh Cà Mau đã đề ra nhiệm vụ đưa công tác truyền thông về CCHC và CÐS lên tầm mức mới, làm rõ hơn nữa, sâu sắc hơn nữa mục đích, ý nghĩa của công việc này đến từng người dân. Ðây là công việc không của riêng ai, cần có sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất trong cả nhận thức và hành động của toàn xã hội. Trong tổ chức thực hiện, từng địa phương cần bám sát vào điều kiện thực tế, không chỉ làm theo kiểu phong trào, cao điểm là dừng, là xong. Quan trọng là phải làm sao hiện thực hoá, cụ thể hoá những chủ trương này thành thói quen, nếp nghĩ, nhu cầu trực tiếp trong công việc hàng ngày của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cao hơn là từ các công việc ấy mang lại kết quả thực chất, được người dân nhìn thấy, hiểu rõ, cùng đồng thuận thực hiện theo.
Ðiều tối quan trọng, mục tiêu cao nhất, ý nghĩa cao nhất của CCHC và CÐS phải được quán triệt, xác định là vì lợi ích của Nhân dân./.
Hải Nguyên