Cà Mau có Nhà Xuất bản Phương Ðông, nhà xuất bản duy nhất ở ÐBSCL, với trên dưới 400 tên sách và trên dưới 1 triệu xuất bản phẩm mỗi năm. Ðây là đơn vị luôn giành một tỷ lệ sách viết về Cà Mau, sách của tác giả Cà Mau (như: Lịch sử truyền thống, Văn học, Nghệ thuật). Mảng sách này học sinh, sinh viên, cán bộ nghiên cứu, bạn đọc tìm đọc nhiều. Sách khoa học phổ thông, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất được bạn đọc nông dân, nông thôn quan tâm.
Cà Mau có Nhà Xuất bản Phương Ðông, nhà xuất bản duy nhất ở ÐBSCL, với trên dưới 400 tên sách và trên dưới 1 triệu xuất bản phẩm mỗi năm. Ðây là đơn vị luôn giành một tỷ lệ sách viết về Cà Mau, sách của tác giả Cà Mau (như: Lịch sử truyền thống, Văn học, Nghệ thuật). Mảng sách này học sinh, sinh viên, cán bộ nghiên cứu, bạn đọc tìm đọc nhiều. Sách khoa học phổ thông, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất được bạn đọc nông dân, nông thôn quan tâm.
Tuy nhiên, lĩnh vực phát hành sách ở tỉnh Cà Mau thì còn nhiều hạn chế. Khảo sát sơ bộ cho thấy số quầy sách báo, hiệu sách, nhà sách ở TP Cà Mau ít, chiếm tỷ lệ rất nhỏ (chỉ đếm trên đầu ngón tay) so với số lượng cửa tiệm ăn uống, giải khát, quán nhậu. Ở tất cả các thị trấn của 8 huyện hiện nay không có cửa hàng sách, chỉ có lẻ tẻ 1-2 quầy sách, báo, văn hoá phẩm, tiệm cho thuê sách, với số đầu sách và lượng sách rất nghèo nàn. Ở cấp xã phần lớn không có quầy/tiệm sách, báo.
Một số ấn phẩm sách xuất bản của địa phương tỉnh Cà Mau. |
Một số doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đã mở chi nhánh phát hành sách ở TP Cà Mau với những nhà sách tương đối quy mô, bề thế như: Nhà sách FAHASA Cà Mau (Công ty CP Phát hành sách TP Hồ Chí Minh); Nhà sách Việt Văn (Công ty TNHH Việt Văn - TP Hồ Chí Minh). Doanh nghiệp địa phương có cửa hàng sách của Công ty Sách - Thiết bị Cà Mau (đường Lê Lợi) và Nhà sách Cà Mau của Công ty Thương nghiệp Cà Mau (vừa giải thể năm 2014). Ngoài ra, còn có Nhà sách Minh Trí (đường Nguyễn Hữu Lễ), Nhà sách Sinh Viên (đường Trần Hưng Ðạo)… Tổng số ấn phẩm bán ra của các nhà sách trên khoảng trên dưới 100.000 bản/năm.
Còn công tác phát hành sách ở các huyện chủ yếu là sách giáo khoa theo hệ thống đại lý phân phối của Công ty TNHH Sách - Thiết bị Cà Mau. Tổng số sách giáo khoa phát hành cho học sinh các cấp học phổ thông trong toàn tỉnh trên dưới 2.800.000 bản/năm. Như vậy, bình quân số sách/đầu người của Cà Mau xấp xỉ 2,3 cuốn/người/năm (chủ yếu là sách giáo khoa cho học sinh).
Tỷ lệ trên thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu quốc gia. Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 24/8/2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản có đề ra chỉ tiêu, nhiệm vụ “Ðến năm 2010, phấn đấu đưa sách về đến cấp huyện và đưa sách đến phần lớn các xã để đạt chỉ tiêu 6 bản sách/người/năm. Tập trung củng cố và phát triển hệ thống thư viện, các loại phòng đọc, trước hết ở cơ sở”. Như vậy, cả 2 tiêu chí về mạng lưới phát hành ở cơ sở và số bản sách/đầu người của Cà Mau đều đang ở điểm xuất phát rất thấp.
Hiện toàn tỉnh có 43 điểm bưu điện văn hoá xã cùng hệ thống phòng đọc, tủ sách trong các trường học và cơ quan Nhà nước, đồn biên phòng và tại một số chùa Khmer… duy trì hoạt động. Mỗi năm Thư viện tỉnh luân chuyển hơn 45.000 lượt sách cho các thư viện, phòng đọc cơ sở. Ðó là sự cố gắng của Thư viện tỉnh và hệ thống thư viện, phòng đọc công cộng. Tuy nhiên, con số trên chưa nói lên được nhiều điều so với nhu cầu về công tác phát hành đến người đọc, nhất là bạn đọc ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ven biển.
Tham khảo ý kiến từ cơ sở, cho thấy 100% Phòng Văn hoá - Thông tin huyện trong tỉnh cho rằng nên thành lập nhà sách trung tâm cấp huyện. Có như vậy mới góp phần nâng cao được tỷ lệ sách/đầu người của Cà Mau.
Trong chuyến khảo sát gần đây nhất (năm 2014), Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, in, phát hành (Cục Xuất bản) Nguyễn Ngọc Bảo và đoàn cán bộ cùng đi đã có chủ ý chọn đầu tư xây dựng nhà sách tại thị trấn Năm Căn và thị trấn Sông Ðốc, theo hướng vốn xây dựng cơ bản do Trung ương hỗ trợ, vốn đối ứng của địa phương là mặt bằng xây dựng. Theo ông Hoàng Hải Long, Chánh Văn phòng Cục Xuất bản thì Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình dự án đầu tư xây dựng nhà sách cho một số huyện ở vùng nông thôn, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, trong đó có Cà Mau nhưng hiện dự án đang chờ Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Năm Căn và Sông Ðốc của tỉnh Cà Mau đang chuẩn bị thành lập thị xã, việc xây dựng nhà sách trung tâm càng trở thành nhu cầu cần thiết. Trong khi chờ văn bản thông báo chính thức của Bộ Thông tin và Truyền thông, Năm Căn và Sông Ðốc nên chủ động quy hoạch mặt bằng xây dựng nhà sách. Vì trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá thể thao của đô thị cấp 4 như Năm Căn, Sông Ðốc không thể thiếu trung tâm sách hoặc nhà sách trung tâm xứng tầm của 1 thị xã. Không những vậy, nhà sách trung tâm còn có thể đảm nhận việc tiếp nhận, phân phối các nguồn sách lưu chiểu của Cục Xuất bản, sách tài trợ của Chính phủ và các tổ chức khác đến vùng sâu, vùng xa.
Khi phố chợ đông vui nhộn nhịp, sầm uất hàng hoá thì khách du lịch cảm nhận được đời sống kinh tế phát triển của địa phương và người dân sở tại. Khi đường phố rộng thoáng, sạch đẹp thì biểu lộ được nếp sống văn minh, trật tự đô thị. Số lượng thư viện, phòng đọc, nhà sách, đại lý sách báo và bạn đọc cũng thể hiện về trình độ dân trí (cho dù ngày nay sách, báo điện tử đang có xu hướng lấn át phương thức đọc truyền thống). Mới đây, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định chọn ngày 21/4 hằng năm là ngày Sách Việt Nam để tôn vinh, nâng cao văn hoá đọc. Việc phát triển nhà sách trung tâm ở huyện lỵ, thị xã và thực hiện nội dung Chỉ thị số 14-CT/TW ở Cà Mau đang là yêu cầu của người dân và là nhiệm vụ của ngành thông tin và truyền thông, ngành văn hoá, thể thao và du lịch và địa phương cấp huyện./.
Bài và ảnh: Phạm Anh Hoan