(CMO) Trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 15/11, các đại biểu tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đã có ý kiến tại nghị trường.
Theo Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ VI, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Việc ban hành và thực hiện Luật này cùng với các Luật có liên quan đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, tạo niềm tin cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai hoạt động đấu thầu.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện Luật nhằm để khắc phục những hạn chế mà thực tế áp dụng Luật trong thời gian.
Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh, tại điểm c, khoản 1 Điều 15 Luật Đấu thầu hiện hành quy định “Đấu thầu quốc tế”: “Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp mà nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu”. Đối chiếu với quy định như trên thì hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể ngành nghề nào được phép đấu thầu quốc tế. Do đó, cần thiết phải điều chỉnh bổ sung nội dung trên vào dự thảo mới cho phù hợp hoặc bổ sung thêm 1 khoản giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể các ngành nghề mà nhà thầu trong nước không thực hiện được.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). |
Cũng theo đại biểu Thanh, hiện nay đấu thầu truyền thống lại quy định mở thầu phải có tối thiểu 3 nhà thầu (khoản 4, Điều 117 Nghị định 63), trường hợp, thời điểm đóng thầu có ít hơn 3 nhà thầu phải xin ý kiến cho phép mở ngay hoặc gia hạn thời điểm đóng thầu và chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình. Song, đối với đấu thầu qua mạng thì lại không quy định việc mở thầu phải có tối thiểu 3 nhà thầu theo quy định như trên (đến ngày mở thầu hệ thống tự động mở). Do đó, việc không quy định như trên thường xảy ra tình trạng chỉ có 01 nhà thầu tham dự đấu thầu qua mạng, nên tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách thấp so với các gói thầu đấu thầu qua mạng có từ 2 nhà thầu trở lên.
Điều 62 Luật Đấu thầu (dự thảo), việc áp dụng loại hợp đồng trọn gói để tránh phát sinh công việc, không làm thất thoát ngân sách nhà nước là hợp lý, các nhà thầu vẫn thi công đảm bảo đúng theo quy định. Mặc khác, theo Điều 89 Luật Đấu thầu (dự thảo) quy định các hành vi bị cấm trong đấu thầu thì không quy định việc áp dụng loại hợp đồng trọn gói đối với các gói thầu quy mô lớn là bị cấm nên thực tiễn cho thấy việc kiểm điểm trách nhiệm tập thể cá nhân là rất khó. Do đó, cần quy định rõ trường hợp nào áp dụng loại hợp đồng trọn gói, trường hợp nào áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá để địa phương dễ thực hiện.
Khoản 4, Điều 34 dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ của dự án, dự toán được giao và phù hợp với kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể được duyệt (nếu có). Do đó, khi lập và phân chia gói thầu cần bảo đảm tính đồng bộ của dự án và dự toán mua sắm là phù hợp, nhưng thực tiễn vừa qua và hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là tính đồng bộ của dự án, nên cần làm rõ thầu như thế nào là đồng bộ và hợp lý để thuận lợi cho quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, cần bổ sung có chi phí thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Theo đại biểu Thanh, các nội dung thẩm định đều gắn với trách nhiệm của cán bộ thẩm định, trong khi hầu hết các nội dung thẩm từ khi bắt đầu đến kết thúc một dự án đầu tư hoặc một dự toán mua sắm đều có chi phí thẩm định, vậy nên cần bổ sung chi phí thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu để gắn trách nhiệm với cán bộ thẩm định.
“Đối với trách nhiệm của chủ đầu tư, trong quá trình lập hồ sơ mời thầu cần thiết phải có ý kiến của cơ quan tham mưu công tác đấu thầu ở địa phương (tiền kiểm), sau khi có ý kiến thống nhất với hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu tiến hành phê duyệt hồ sơ mời thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định”, đại biểu Nguyễn Duy Thanh góp ý thêm./.
Thanh Phương