(CMO) Đó là lưu ý của Phó chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Dương Huỳnh Khải tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát do Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì với Sở GD&ĐT và các sở, ngành liên quan trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp trường lớp, đội ngũ giáo viên và thực hiện chính sách phân giao kinh phí cho các đơn vị trường học vào chiều 20/5.
![]() |
Buổi làm việc giữa đoàn giám sát Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh với ngành giáo dục và đại diện các bên liên quan về chủ trương sắp xếp trường lớp, đội ngũ giáo viên. Tại đây, ông Đoàn Quốc Khởi, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau khẳng định: “Phân giao kinh phí cho sự nghiệp giáo dục về các địa phương là không thiếu”. |
Theo báo cáo từ ngành giáo dục, năm học 2018-2019, chủ trương rà soát sắp xếp trường lớp, đội ngũ giáo viên và việc thực hiện các chính sách giáo dục đã được quán triệt, triển khai với nhiều kết quả tích cực. Ở bậc học mầm non, toàn tỉnh đã giảm 1 trường, xoá 45 điểm lẻ (còn 258 điểm lẻ); bậc tiểu học giảm 5 trường, xoá 140 điểm lẻ (còn 193 điểm lẻ); bậc THCS cũng đã xoá được 7 điểm lẻ (còn 5 điểm lẻ). Ở bậc học tiểu học và THCS vẫn còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, thừa biên chế, trong khi đó các bậc học mầm non và THPT vẫn cần bổ sung thêm giáo viên để đảm bảo hoạt động.
Tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Văn, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Đầm Dơi cho biết: “Khi thực hiện chủ trương sắp xếp trường lớp, đội ngũ giáo viên, một số điểm chính gặp sức ép về sĩ số học sinh. Cơ sở vật chất các điểm lẻ, nhất là ở những lớp mầm non gởi tại các trường tiểu học là hết sức khó khăn, dẫn đến chất lượng giáo dục còn hạn chế. Một số điểm lẻ có nhu cầu thực tế và nếu kiên quyết xoá có thể dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học”.
Cùng với những băn khoăn trên, ông Huỳnh Thanh Hận, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thới Bình, chia sẻ: “Khi thực hiện xoá ghép điểm lẻ, một số lớp học sĩ số tăng cao, trong khi đó diện tích phòng học rất chật hẹp, nhìn cảnh thầy trò học tập như vậy rõ ràng là hết sức bất cập”. Tại huyện Cái Nước, ông Nguyễn Minh Phụng, Trưởng phòng GD&ĐT, nêu khó khăn về nguồn ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục. Còn với huyện Trần Văn Thời, ông Trần Hùng Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT, cho biết, huyện còn phải trích ra để chi cho hơn 180 giáo viên hợp đồng từ kinh phí được phân giao trong giáo dục.
![]() |
Thực hiện chủ trương sắp xếp trường lớp, xoá ghép điểm lẻ là đúng, song lại xảy ra tình trạng áp lực về sĩ số. (phòng học khá chật của học sinh trường Tiểu học 1 Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời). |
Riêng về việc sử dụng ngân sách ngành giáo dục, ông Đoàn Quốc Khởi, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau, thông tin: Nói nguồn ngân sách dành cho ngành giáo dục thiếu, khó khăn là chưa phản ánh đúng bản chất vấn đề. Bởi khi xây dựng dự toán ngân sách cho ngành giáo dục đều có sự tham gia của lãnh đạo HĐND, UBND của từng địa phương và làm việc rất nhiều lần. Việc thực hiện phân giao kinh phí cho sự nghiệp giáo dục được làm kỹ càng, chặt chẽ trên tinh thần chỉ được phân bổ cao hơn chứ không thấp hơn quy định. Tuy nhiên, khi phân bổ về ngành giáo dục địa phương thì việc phân giao cho các đơn vị trường học là chưa đúng theo quy định. Một số phòng GD&ĐT giữ lại quá nhiều kinh phí, trong khi đó các đơn vị trường học lại gặp khó khăn trong việc chi hoạt động thường xuyên.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Dương Huỳnh Khải đề nghị, đại diện lãnh đạo các phòng giáo dục huyện thông tin về chỉ đạo, điều hành đối với việc phân bổ kinh phí giáo dục của HĐND, UBND ở từng địa phương. Xác định được là chỉ đạo đó là phù hợp với quy định và điều kiện thực tế hay chưa, không thể để các đơn vị trường học, những nơi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giáo dục lại gặp khó khăn do hạn hẹp về kinh phí.
"Đây là buổi làm việc để nắm bắt thông tin một cách toàn diện. Trên cơ sở báo cáo của đoàn giám sát của Ban Văn hoá - Xã hội, Thường trực HĐND tỉnh Cà Mau sẽ tiến hành trao đổi, làm việc với ngành giáo dục, UBND tỉnh và các sở, ngành để tìm kiếm giải pháp tháo gỡ kịp thời. Phải xác định, chủ trương rà soát, sắp xếp trường lớp, đội ngũ giáo viên là phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục, nâng cao toàn diện và thực chất chất lượng giáo dục. Do đó, không vì những vướng mắc mang tính cục bộ, cá biệt mà ảnh hưởng đến mục tiêu chung. Càng không thể mỗi nơi làm mỗi kiểu, mà phải quyết tâm, đồng bộ", ông Dương Huỳnh Khải nhấn mạnh./.
Quốc Rin