Việc các gian thương lừa gạt để chiếm đoạt tài sản không còn là chuyện xa lạ đối với người dân trên địa bàn huyện U Minh, qua đó người dân cũng phần nào nâng cao ý thức trong việc phòng ngừa. Tuy nhiên, với những thủ đoạn tinh xảo, cùng những phương thức thực hiện mới của chúng, người dân lại phải ngậm ngùi chấp nhận thành quả lao động sau một vụ mùa vất vả ra đi dễ dàng.
Việc các gian thương lừa gạt để chiếm đoạt tài sản không còn là chuyện xa lạ đối với người dân trên địa bàn huyện U Minh, qua đó người dân cũng phần nào nâng cao ý thức trong việc phòng ngừa. Tuy nhiên, với những thủ đoạn tinh xảo, cùng những phương thức thực hiện mới của chúng, người dân lại phải ngậm ngùi chấp nhận thành quả lao động sau một vụ mùa vất vả ra đi dễ dàng.
Sự việc xảy ra vào ngày 18/1/2015, khi 5 hộ dân ở xã Khánh Thuận gồm ông Trần Văn Bá, anh Trần Văn Bi, anh Nguyễn Văn Thắng, anh Phạm Văn Nghiệp, cùng ở ấp 11 và anh Trương Văn Thới, ở ấp 9 cùng xã bán lúa cho thương lái đến từ tỉnh Bạc Liêu. Sau khi cân lúa xong, thương lái hẹn 5 hộ này đến đầu kinh 26 để thanh toán tiền. Tuy nhiên, khi đến đây thương lái không trả tiền ngay mà cho ghe lúa chạy trước còn chủ ở lại tính tiền rồi đi sau; đồng thời có hành động câu thời gian như tính tiền bằng tay chớ không dùng máy tính để tính như những chủ ghe khác, đợi cho ghe lúa chạy thiệt xa đến một khoảng cách an toàn thì chủ ghe mới bắt đầu trả tiền.
Trung bình mỗi hộ dân bán lúa với số tiền từ 10 cho đến 20 triệu đồng, khi trả tiền xong xuôi, chủ ghe nữ còn mời các hộ bán lúa ở lại uống vài ly bia giải khát. Khi những hộ dân có ít hơi men trong người thì chủ ghe này lên xe ra về, tiệc cũng kết thúc từ khi đó nhưng thật bất ngờ là khi số tiền mà những hộ bán lúa mang về cho gia đình chỉ còn một nửa. Lúc này cả 5 hộ mới ngã ngửa, không biết tiền ấy đi đâu, trong khi đếm tiền thì số tiền mà thương lái trả cho các hộ dân là đầy đủ.
Ông Trần Văn Bá bức xúc nói: “Tôi nghĩ là bọn chúng có cách gì đó làm cho mình hoa mắt, chứ tôi đếm đi đếm lại 2 lần vẫn đủ hết mà về nhà thì chỉ còn có phân nửa số tiền. Có lẽ họ có cách gì đó làm cho mình đếm 1 tờ ra 2 tờ. Thiệt đây là lần đầu tiên trong đời tôi mới gặp nên tới bây giờ tôi vẫn chưa tin đó là sự thật”.
Trong khi nguyên nhân chưa được xác định thì những người mất của vừa đau, vừa xót vì đây là thành quả của họ sau một vụ mùa lao động vất vả mới có được. Anh Trần Văn Bi, một trong những hộ dân bị lừa gạt, bức xúc nói: “Năm nay lúa cũng thất mùa nên vợ chồng tôi quyết định bán hết, tính ra lời cũng chỉ được 5-6 triệu đồng nhưng giờ bị lừa mất sạch nên trắng tay luôn, rồi không biết tiền đâu mua lúa ăn đây nữa. Thật sự hôm qua giờ tôi không ăn uống gì được hết, chỉ mong sao bọn lừa đảo này sớm bị bắt đưa ra pháp luật”.
Ðể làm rõ nguyên nhân, các hộ dân đã nhanh chóng báo cho chính quyền địa phương và công an ấp đến xác minh làm rõ. Qua tìm hiểu thì được biết, trong lúc kiểm tiền một khi hộ dân đếm đủ thì chủ ghe kêu đưa lại nịt dây thun giùm cho an toàn. Thấy được sự quan tâm của chủ ghe là cần thiết nên hầu hết 5 hộ dân đều thực hiện, có lẽ đây là thời điểm chủ ghe đã tráo số tiền được chuẩn bị sẵn trong cặp chỉ bằng phân nửa số tiền ban đầu.
Bà Hồ Thị Năm, Trưởng Ban Nhân dân ấp 11, xã Khánh Thuận, nhận định: “Qua sự việc 5 hộ dân mất hơn 30 triệu đồng khi bán lúa vừa qua, chúng tôi thấy rằng chỉ có lúc bọn chúng kêu người dân đưa lại tiền để nịt dây thun là thời điểm thích hợp nhất để chúng ra tay, bởi vì chúng đã có sự chuẩn bị sẵn, chỉ cần người dân có một chút sơ hở là chúng ra tay ngay. Hiện sự việc đã được trình báo lên cơ quan công an để tìm hướng giải quyết”.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một trong những thủ đoạn tinh vi của bọn gian thương, trước khi tìm ra được nguyên nhân, bắt được hung thủ xử lý theo pháp luật, người dân cần nâng cao ý thức trong việc mua bán các sản phẩm nông sản, không nên nhẹ dạ, cả tin để bọn xấu lợi dụng nhằm bảo vệ tài sản và thành quả lao động của mình./.
Trần Thể