Ngày nay, tiếng Anh không chỉ là một môn học mà đã trở thành ngôn ngữ giao tiếp thông dụng để hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, việc học ngôn ngữ này với phần lớn học sinh dường như chỉ để “có tên trong bảng điểm”.
Ngày nay, tiếng Anh không chỉ là một môn học mà đã trở thành ngôn ngữ giao tiếp thông dụng để hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, việc học ngôn ngữ này với phần lớn học sinh dường như chỉ để “có tên trong bảng điểm”.
“Tâm lý học sinh cho rằng tiếng Anh là môn học khó. Do đó, học sinh thiếu sự nhiệt tình, học máy móc, hoặc theo kiểu chuyển ngữ hơn là học một cách tự nhiên. Trong giảng dạy, cần sử dụng đầy đủ 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc và viết. Song, thực tế, giáo viên vẫn quen “dạy tiếng Anh của người Việt” thì rất khó thu được kết quả tốt”, thầy Nguyễn Chí Nhân, Tổ trưởng Tổ Tiếng Anh, Trường THPT Ðầm Dơi, nhận định.
Những con số đáng ngại
Trên 90% học sinh cả nước thi THPT quốc gia năm 2016 bị điểm dưới trung bình môn tiếng Anh. Tại Cà Mau (Cụm thi số 70), môn thi này có số thí sinh dự thi ít nhất (1.246/7.126 thí sinh), nhưng lại có tỷ lệ học sinh bị điểm yếu, kém cao. Trong số 30 thí sinh có thành tích cao nhất từng trường THPT trong tỉnh, nhiều môn thi đạt điểm khá, giỏi, nhưng môn tiếng Anh cũng chỉ đạt 4.73 điểm. Ngay tại Trường THPT Ðầm Dơi, ngôi trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 98,91%, đứng thứ hai chỉ sau Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển và cũng là trường THPT thuộc tốp đầu về chất lượng giáo dục của tỉnh, điểm bài thi môn tiếng Anh đạt khá thấp, trung bình khoảng 4,1 điểm.
Với sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh phải luôn chủ động trong mọi hoạt động, dùng tiếng Anh giao tiếp để có sự tương tác tốt . Đây là phương pháp được các trung tâm ngoại ngữ áp dụng thành công trong việc dạy và học tiếng Anh (Ảnh: Giờ học của học viên Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh, Cà Mau). |
Thầy Nguyễn Chí Nhân cho rằng, đề thi THPT quốc gia môn tiếng Anh năm nay khó, cao hơn so với kiến thức sách giáo khoa, đòi hỏi học sinh phải có kiến thức nâng cao. Trong khi trước nay, học sinh suy nghĩ học gì thi nấy, khó tránh điểm thấp. Mặt khác, một số học sinh không chọn môn thi đại học là ngoại ngữ nên không đầu tư nhiều, chỉ cần thi đạt điểm xét tốt nghiệp là hài lòng.
“Trình độ môn tiếng Anh của phần lớn học sinh thiếu và yếu kỹ năng nghe và đọc hiểu”, thầy Phan Văn Hoài Ðức, giáo viên dạy tiếng Anh, Trường THPT Ðầm Dơi, nhìn nhận. Là giáo viên có 8 năm kinh nghiệm đứng lớp và là giáo viên dạy tại Trung tâm Ngoại ngữ Chí Nhân, thị trấn Ðầm Dơi, thầy Hoài Ðức cho biết thêm, hầu hết người đến trung tâm đăng ký học tiếng Anh là học sinh tiểu học và THCS. Tuy được học tiếng Anh ở trường, nhưng trình độ chênh lệch. Chẳng hạn: ngữ pháp tốt, nhưng yếu về nghe, nói, không nhiều vốn từ; có em nói khá, nhưng yếu ngữ pháp, viết chưa thành câu. Rụt rè, lười nghe, khiến các em mất dần đi phản xạ chủ động ngôn ngữ, tự thân tạo sức ì trong học tập.
Một thực tế khiến các giáo viên Tổ Tiếng Anh Trường THPT Ðầm Dơi lo ngại và hiểu hơn về nguyên nhân cốt lõi học sinh yếu tiếng Anh chính là sự mất căn bản ở những bậc học dưới, nhận thức chưa được tầm quan trọng của bộ môn tiếng Anh, có nhiều em học lệch, học đối phó. Theo thầy tổ trưởng, ngay đầu năm học, nhà trường có chủ trương phân luồng học sinh theo đối tượng ở khối lớp 10, để kịp thời “đổ nền” và hướng dẫn đúng hướng cho học sinh theo khối thi D và A1. Qua đó thấy rằng, dù đã lên bậc THPT, nhưng các em chẳng khác gì học sinh lớp 6, đặc biệt là học sinh ở xã, với các em dù chỉ là giao tiếp chào hỏi cũng khó hoàn chỉnh. Bên cạnh, vào lớp 10 học tiếng Anh hệ 7 năm chương trình nặng, các em không theo kịp kiến thức.
Cần nỗ lực “dạy và học”
Nhiều phụ huynh có con em học trường huyện lo lắng trước tình trạng con em khoe điểm 8, 9 nhưng khi hỏi về kiến thức cơ bản tiếng Anh thì lại nhận được cái lắc đầu. Không khó lý giải vì đúng với ý nghĩ “học gì thi nấy”, tức là, khi sắp vào kỳ thi, giáo viên sẽ cho học sinh nội dung ôn luyện theo kiểu rập khuôn, học sinh chỉ việc học đúng, sẽ không khó đạt điểm ưu. Nhiều học sinh có suy nghĩ “đổ lỗi” cho việc học trường nông thôn, thiệt thòi vì không được học thêm ở trung tâm ngoại ngữ, không cơ hội tiếp xúc người nước ngoài như các bạn thành thị, nên kỹ năng nghe, nói hạn chế là lẽ tất nhiên.
Bác bỏ ý kiến sai lệch này, thầy Phan Văn Hoài Ðức cho rằng, việc học tốt tiếng Anh đòi hỏi người học phải có sự ham thích, biết mục đích mình học, và cách học như thế nào. Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, hầu hết học sinh đều được trang bị điện thoại thông minh, máy tính có kết nối internet, nếu các em có ý thích học tiếng Anh, các em có thể học qua mạng, trau dồi kỹ năng nghe, nói qua rất nhiều kênh.
Ngoài ra, rất nhiều trường học đã thành lập các câu lạc bộ học thuật tiếng Anh, các em có thể tham gia để tự nâng cao kiến thức, tự tin giao tiếp. Theo thầy Ðức, giáo viên giảng dạy phải sáng tạo trong mọi hoạt động theo kiểu vừa học, vừa chơi, phải dùng tiếng Anh giao tiếp với người học chứ không dùng nhiều tiếng Việt, và luôn tạo sự chủ động cho người học để có sự tương tác tốt nhất. Ðây chính là phương pháp được các trung tâm ngoại ngữ áp dụng thành công. Ðiều này minh chứng, để học tốt tiếng Anh, cần sự nỗ lực của cả người học và giáo viên, có như vậy, hiệu quả mới đạt tốt nhất./.
Bài và ảnh: Băng Thanh