(CMO) Để đảm bảo mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sáng ngày 14/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chủ trì hội nghị tại điểm cầu Cà Mau.
Hiện nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường với những biến chủng mới của vi-rút, tác động đến nền kinh tế nhiều nước đối tác lớn của Việt Nam. Dịch bệnh bùng phát, tác động sâu vào nền kinh tế, làm tăng trưởng toàn cầu năm 2020 giảm khoảng 4,3%, một mức suy giảm chỉ xảy ra trong cuộc đại suy thoái và trong 2 cuộc chiến tranh thế giới (theo Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu được Ngân hàng thế giới (WB) công bố hồi đầu tháng 1/2021). Trong đó, tăng trưởng của các nước đối tác lớn của Việt Nam giảm mạnh như: Mỹ giảm 3,6%, Nhật giảm 5,3%, khu vực EU tăng trưởng âm 7,4%,Trung Quốc chỉ đạt 2% (thấp nhất trong vòng 28 năm qua).
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển tiêu thụ nông nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, dịch bệnh Covid-19 đang tác động đến các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hoá; các thị trường quốc tế đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn hàng cung ứng, thiếu container rỗng, ứ động cục bộ vận tải đường hàng không, đường thuỷ bị thu hẹp, thiếu hụt lao động, gây tổn thương đến thương mại nông sản trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, với sự quyết tâm và nỗ lực vượt khó, ngành Nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các Bộ, Ban, ngành trung ương, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp và bà con nông dân triển khai đồng bộ các khâu then chốt về tổ chức sản xuất, thu hoạch, chế biến, thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu nông sản.
Theo đó, tổng giá trị xuất khẩu nông sản trong cả nước 4 tháng đầu năm đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ.
Tại tỉnh Cà Mau, Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Đô cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh được gần 300 triệu USD, đạt trên 27% so với kế hoạch, tăng gần 30% so với cùng kỳ.
Theo ông Đô thông tin, hiện nay các nước đối tác tiêu thụ nông sản của Việt Nam đang triển khai rộng rãi công tác tiêm vắc xin ngừa Covid-19 và kiểm soát tốt được dịch bệnh, do đó thị trường tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản sẽ phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, vấn đề lo ngại hiện nay là làn sóng dịch bệnh Covid-19 đã lan ra 26 tỉnh, thành trong cả nước và đang diễn biến phức tạp. Các địa phương có dịch bệnh đều có chung đặc điểm là có đường giao thông huyết mạch chạy qua, án ngữ những con đường vận tải hàng hoá về Hà Nội nối liền với các trung tâm kinh tế thương mại của miền Bắc như: Quốc lộ 1A nối Hà Nội - Bắc Ninh - Lạng Sơn; đường cao tốc nối sân bay quốc tế Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; Quốc lộ 2 và cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Quốc lộ 10 nối Hải Phòng - Thái Bình -Nam Định - Ninh Bình…, có nguy cơ gây áp lực lưu thông hàng hoá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Đặc biệt, mức cước phí vận chuyển hàng hoá tăng cao. Theo thống kê của Freightos Baltic, mức phí vận chuyển từ châu Á đến bờ Tây nước Mỹ ở mức 4.000 USD/container 40 feet; bờ Đông nước Mỹ 6.000 USD/container 40 Feet. Đây là mức phí cao nhất từ trước đến nay.
Từ đầu năm đến nay, ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Cà Mau - thuỷ sản đạt kim ngạch xuất khẩu gần 300 triệu USD.
Trước những thách thức đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam kiến nghị, các Bộ, ngành trung ương, các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản và chế biến để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh.
Đặc biệt, các nhà máy chế biến nông sản cần tăng cường công suất, tập trung cho phân khúc hàng khô, hàng sơ chế, sản phẩm cấp đông, nước quả cô đặc, trái cây đóng lon…, chuẩn bị tốt nhất cho phương án hậu dịch Covid-19 cho các thị trường Trung Quốc, Hoa kỳ và EU.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh, khu vực sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản trước mắt đòi hỏi chi phí lớn. Do thời gian kéo dài nên Ngân hàng Nhà nước triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các gói tín dụng đặc thù ứng phó Covid-19, trong đó có chính sách hỗ trợ tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân được khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất vay.
Bộ Tài chính triển khai nhanh chóng những giải pháp gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan và hạ tầng Logistic./.
Trung Đỉnh