(CMO) Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Ðầm Dơi xảy ra 90 vụ thiên tai, trong đó có 74 vụ sạt lở đất ven sông, 14 vụ lốc xoáy, làm sập hoàn toàn 56 căn nhà; tốc mái, hư hỏng 443 căn. Thiên tai cũng làm sụp 3 cây cầu bê-tông; thiệt hại 830 m lộ đal, 44 m lộ nhựa, 2 cống xổ vuông, 1 nhà sinh hoạt văn hoá ấp, 10 trụ điện, 1 ha rau màu, 648,7 tấn muối đang trong giai đoạn thu hoạch; hư hỏng 1 tàu cá, 1 trạm bơm xăng dầu... ảnh hưởng đến 560 hộ dân, ước tổng thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng.
Mới đây, vụ sạt lở đã làm mất đoạn lộ bê-tông hơn 50 m và căn nhà của hộ dân trên địa bàn ấp Thuận Lợi A, xã Tân Thuận. Chưa hết bàng hoàng, bà Nguyễn Thị Nga, ấp Thuận Lợi A, xã Tân Thuận, chia sẻ: “Khoảng 23 giờ đêm, tôi chuẩn bị đi soi ba khía nhưng đang loay hoay thì nghe phía nhà sau sụp xuống sông, tôi chỉ kịp bồng đứa cháu và dắt tay đứa con bị bệnh não chạy lên trên lộ. Chỉ khoảng mấy phút sau là toàn bộ căn nhà đều rơi xuống sông, mất hết đồ đạc, không còn gì ngoài mấy bộ quần áo phơi phía trước nhà mà tôi kịp chạy xuống lấy”.
Không chỉ căn nhà của bà Nguyễn Thị Nga bị sụp mà cách đó vài mét, con lộ bê-tông với chiều dài khoảng 50 m cũng sụp hoàn toàn xuống sông. Theo ông Hồ Minh Ðức (68 tuổi), mấy năm nay tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp, trước chỉ là mất đất ven lộ, ven sông, giờ thì mất luôn con lộ. Vụ sụp mất lộ, mất nhà diễn ra vào ban đêm, nên không kịp phòng bị gì, may là chỉ mất mát tài sản chứ không ảnh hưởng đến tính mạng. Mất con lộ nên việc đi lại, học hành của bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn, việc khắc phục phải nhờ đến Nhà nước chứ người dân không đủ sức.
Gia đình bà Nguyễn Thị Nga vớt vát lại những tấm lá lợp nhà để cất chòi ở tạm sau khi căn nhà bị sụp hoàn toàn xuống sông. |
Mới đây nhất, ngày 7/9, trên địa bàn xã Tân Dân xảy ra 2 vụ sạt lở đất tại hộ ông Nguyễn Văn Lem, bà Trịnh Hồng Khởi (ngụ ấp Tân Hiệp). Mỗi đoạn sạt lở có chiều dài từ 10-14 m, chiều rộng khoảng 4-5 m, hiện nay, các đoạn sạt lở đất này đã khuyết sâu vào phần lộ bê-tông khoảng 1-1,5 m, ước thiệt hại khoảng 20 triệu đồng.
Những năm gần đây, khi biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan thì tình trạng sạt lở ven sông trên địa bàn huyện Ðầm Dơi ngày càng diễn biến phức tạp. Lộ, cầu giao thông, nhà cửa của người dân... bị cuốn trôi xuống sông khi vào cao điểm của mùa mưa và hậu quả của những vụ sạt lở đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây.
Theo ông Huỳnh Minh Tấn, Phó chủ tịch UBND xã Tân Tiến, qua thống kê, từ đầu năm đến nay, Tân Tiến xảy ra 5 vụ sụp lở, cao điểm vào tháng 5-6 âm lịch, khi thuỷ triều cạn. Khi đó lượng mưa lớn kéo dài, ngay kẽ nứt nước chảy xuống, gây sạt lở trên địa bàn. Tuyến lộ nhựa về trung tâm xã Nguyễn Huân thiệt hại nặng nề với chiều dài khoảng 22 m, sụp lở vào bên trong còn khoảng 1 m, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Qua thống kê, 5 vụ sạt lở gây thiệt hại trên 778 triệu đồng.
Tuyến lộ nhựa từ xã Nguyễn Huân về trung tâm xã Tân Tiến sạt lở với chiều dài khoảng 22 m, làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. |
Ðể có thể duy trì việc mua bán, trước những vụ sụp đất, sạt lở, bà con tiểu thương chợ Tân Tiến ứng phó bằng cách chắp vá, tự sửa chữa theo phương án nứt, lở đến đâu khắc phục đến đó. Bà Huỳnh Thị Trúc, tiểu thương tại chợ Tân Tiến, cho biết: “Do phải ngủ lại để giữ đồ nên mấy tháng nay tôi cũng sợ lắm, nhưng biết làm sao được. Chỉ mong Nhà nước xem xét đầu tư làm bờ kè hay có phương án nào để tiểu thương có nơi kinh doanh nhằm ổn định cuộc sống”.
Theo ông Nguyễn Phương Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi: "Năm 2022, chúng tôi gặp khó khăn, nhất là kinh phí để khắc phục hạ tầng sau những vụ sạt lở. Ðoạn lộ ấp Thuận Lợi A, xã Tân Thuận, sạt lở gây thiệt hại về kết cấu hạ tầng hơn 100 triệu đồng và cần phải khắc phục ngay. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai của huyện kiến nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh xem xét hỗ trợ cho huyện Ðầm Dơi khắc phục lại lộ nhựa, lộ đal, cầu cơ bản... trong những vụ sạt lở vừa qua".
Những giải pháp xử lý, khắc phục sạt lở, sụp lún vừa qua của huyện Ðầm Dơi hầu hết chỉ mang tính tạm thời. Về lâu dài, trước tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông diễn biến hết sức phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, không riêng huyện Ðầm Dơi mà các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn... rất cần được từ tỉnh đến Trung ương hỗ trợ cả về kinh phí và hướng dẫn kỹ thuật để thực hiện các biện pháp phòng chống phù hợp, căn cơ, mang tính bền vững và lâu dài./.
Thanh Phương