Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, tại Nhà Quốc hội. Tại phiên họp chiều, Quốc hội thảo luận “về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu’’ và Tờ trình của Chính phủ “về việc giảm thuế giá trị gia tăng’'; đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) đã phát biểu góp ý về đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2024.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh phát biểu góp ý tại hội trường.
Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh, giảm thuế GTGT năm 2024 tương tự như đã thực hiện năm 2022 và 2023 là cần thiết. Bởi, dự báo thương mại toàn cầu tiếp tục khó khăn do biến động địa chính trị và nguy cơ suy thoái kinh tế. Từ đó, tăng trưởng kinh tế 2024 phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước. Trong khi đó, giảm thuế GTGT tác động trực tiếp đến giảm giá bán sản phẩm hàng hóa dịch vụ và tăng nhu cầu tiêu dùng.
“Tổng cầu tiêu dùng trong nước vẫn duy trì mức tăng trên dưới 10% năm 2023 bất chấp tác động tiêu cực từ thu nhập, việc làm và niềm tin tiêu dùng, chứng tỏ giảm thuế GTGT đã phát huy giá trị tốt và cần được tiếp nối trong năm 2024”, đại biểu Nguyễn Duy Thanh dẫn chứng.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh cũng thống nhất rằng, đề xuất mức giảm 2% thuế suất thuế GTGT áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%) là phù hợp với thực tiễn đã áp dụng năm 2022 và 2023.
Về đối tượng được giảm thuế GTGT, theo đề xuất của Chính phủ đã loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho rằng nên cân nhắc áp dụng chung một mức giảm thuế GTGT cho tất cả các hàng hóa dịch vụ, vì các hàng hóa dịch vụ có mối quan hệ khăng khít với nhau nên việc phân biệt đối tượng giảm thuế GTGT làm méo mó các quan hệ kinh tế, tạo ra sự bất bình đẳng trên thị trường; có những doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực nên việc phân biệt đối xử về giảm thuế GTGT vừa gây thêm khó khăn cho công tác hạch toán vừa tạo thêm sự phức tạp cho quản lý doanh nghiệp, cả quản lý yếu tố đầu vào lẫn đầu ra của sản phẩm hàng hóa dịch vụ. Thêm nữa, thực tế là không ít doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực bị loại trừ khỏi danh sách được đề xuất giảm thuế GTGT đang và sẽ gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Căn cứ vào dự báo khó khăn cho tăng trưởng kinh tế sẽ kéo dài đến hết nửa đầu năm 2024 nên Chính phủ
Đối với đề xuất của Chính phủ về thời gian áp dụng giảm thuế GTGT dự định chỉ 6 tháng từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024 với dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 4,175 ngàn tỷ đồng/tháng; đại biểu Nguyễn Duy Thanh góp ý Quốc hội cần cân nhắc giảm thuế GTGT cho cả năm 2024 để tạo nền tảng vững chắc hơn cho phục hồi sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, bởi kinh tế tài chính quốc tế trong và ngoài nước năm 2024 sẽ còn bất định kéo dài, diễn biến khó lường và doanh nghiệp trong nước còn gặp rất nhiều khó khăn, cần được trợ lực thực chất.
“Như chúng ta đã thấy, cả 2 lần áp dụng giảm 2% thuế suất thuế GTGT chỉ kéo dài 6 tháng năm 2022 và 2023 cho nên tác động khuyến khích hỗ trợ tiêu dùng còn bị hạn chế. Hơn nữa, cái giá phải trả là dự kiến hụt thu NSNN chỉ 50 ngàn tỷ đồng nếu áp dụng giảm thuế GTGT trong cả năm 2024 không phải là cao khi giảm thuế GTGT đạt được mục tiêu kép là thúc đẩy tăng trưởng đồng thời kiềm chế lạm phát”, đại biểu Nguyễn Duy Thanh nhận định.
Đề nghị Quốc hội xem xét cho phép giảm thuế GTGT cho cả năm 2024 và áp dụng chung cho tất cả các lĩnh vực, đại biểu Nguyễn Duy Thanh khẳng định đây là giải pháp khả thi và hiệu quả bậc nhất trong các chính sách hỗ trợ áp dụng trong vài năm gần đây; giảm thuế GTGT cũng dễ thực hiện, minh bạch, không hình thức và khó thực hiện như như gói hỗ trợ lãi suất 2% trong thời gian qua./.
T. Bình (lược ghi)