Đó là một trong những chỉ đạo quan trọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 1893/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030, vào sáng 4/7.
Hội nghị được tổ chức với hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp nhằm đánh giá tổng thể những kết quả đạt được, khó khăn tồn tại, đưa ra các giải pháp thực hiện Quyết định 1893 trong thời gian tới. Điểm cầu Cà Mau có Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân tham dự.
Tại điểm cầu Cà Mau có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân cùng lãnh đạo ngành y tế tham dự hội nghị.
Sau 5 năm triển khai, mạng lưới y dược cổ truyền được củng cố và phát triển đồng bộ. Đến nay, có 66 bệnh viện y học cổ truyền công lập và 10 bệnh viện y học tư nhân, tăng gấp 2 lần so với năm 2019; tỷ lệ giường bệnh y học cổ truyền đạt 16%, tăng 2,7% so với 5 năm trước; quy mô giường bệnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện khám tiếp tục được cải thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của Nhân dân.
Cả nước hiện có 12 đơn vị đào tạo đại học và sau đại học. Giai đoạn 2020-2024 có 2.250 sinh viên tốt nghiệp đại học ngành y dược cổ truyền. Chất lượng dược liệu và thuốc cổ truyền được kiểm soát tốt hơn, hiệu quả điều trị được nâng cao. Dịch vụ khám chữa bệnh trong lĩnh vực này cũng ngày càng phong phú và đa dạng.
Đại biểu Cà Mau tham dự Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 1893.
Tuy nhiên, theo đánh giá, hầu hết các mục tiêu đề ra trong quyết định đều chưa đạt được. Tỷ lệ khám bệnh bằng y dược cổ truyền, kết hợp với y dược hiện đại ở tuyến Trung ương chỉ chiếm 3,3% trên tổng lượt khám chữa bệnh chung và chiếm 13,8% ở tuyến tỉnh, chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Các bệnh viện y dược cổ truyền chưa thực sự thu hút người bệnh; chương trình đào tạo còn thiếu thực tiễn; nguồn lực đầu tư chưa tương xứng.
Riêng đối với tỉnh Cà Mau, 5 năm qua, mạng lưới quản lý nhà nước về y dược cổ truyền được củng cố và hoàn thiện. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh được thành lập, các bệnh viện tuyến huyện đều có khoa hoặc đơn nguyên y học cổ truyền. Hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại các Trạm Y tế xã phát triển mạnh, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ.
Hoạt động của các phòng thuốc nam từ thiện của các cơ sở tôn giáo cũng góp phần tích cực vào công tác điều trị bằng y dược cổ truyền tại Cà Mau.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, nhấn mạnh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước dành nhiều sự quan tâm đối với sự phát triển y dược cổ truyền trong sự phát triển của Ngành Y tế và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Việc ban hành Quyết định 1893 là một bước đi chiến lược, thể hiện tầm nhìn dài hạn, phát triển toàn diện y dược cổ truyền, tăng cường kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại nhằm bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ Nhân dân trong tình hình mới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long khẳng định, y dược cổ truyền là một bộ phận quan trọng của y học Việt Nam, để lĩnh vực này có sự phát triển đúng tầm trong tương lai, cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy với những giải pháp cụ thể, khả thi, chiến lược lâu dài để phát triển. Đồng thời, tiếp tục rà soát lại các văn bản hiện hành, đề xuất các quy định phù hợp với điều kiện hiện nay.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu đầu tư khoa học công nghệ tạo ra những sản phẩm cụ thể như các sản phẩm OCOP của nền y dược cổ truyền Việt Nam.
Về công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, cần xác định rõ hệ thống chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ làm trong lĩnh vực y dược cổ truyền. Phải đầu tư khoa học công nghệ để tạo ra những sản phẩm cụ thể như OCOP mang thương hiệu y dược cổ truyền Việt Nam; tạo cơ chế chính sách phù hợp, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư liên kết với nông dân trong trồng và phát triển dược liệu.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, Tăng cường hợp tác, đào tạo quốc tế về y học nói chung, y học cổ truyền nói riêng. Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cần đẩy mạnh công tác truyền thông, có những sản phẩm quảng bá nhằm lan tỏa giá trị truyền thống của nền y dược cổ truyền Việt Nam đến cộng đồng trong nước và quốc tế.
Trịnh Hải