ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 14:59:35
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cảnh báo sạt lở bờ sông

Báo Cà Mau (CMO) Khi mùa mưa đến, bên cạnh những dòng nước tắm mát cho vùng khô hạn, người dân thiếu nước sạch có cơ hội trữ nước sinh hoạt thì tại một số vùng ven biển, ven sông, lại là nỗi ám ảnh thường trực bởi tình trạng sạt lở đến hẹn lại lên. Nỗi trăn trở từ các cấp lãnh đạo địa phương mỗi năm là một câu chuyện khác nhau, còn người dân sống trên những bờ đất mong manh ấy vẫn thấp thỏm nỗi lo sập nhà, mất đất.

Mùa lở

Là một trong những người kiến sạt lở, dù sự việc đã qua nhưng nhắc lại bà Nguyễn Thị Phương (ngụ ấp Xóm Mới, xã Ðất Mới, huyện Năm Căn) vẫn còn bàng hoàng. Vụ sạt lở diễn ra quá nhanh khiến bà chỉ biết chôn chân tại chỗ.

Bà Phương kể lại: “Hôm đó là 3 giờ sáng, nhà tôi chuẩn bị làm giỗ nên tôi thức sớm sơ chế thực phẩm. Ðang làm thì nghe rung rinh nền nhà, chạy ra thì thấy nguyên phần lộ nối liền với hàng ba nhà sà xuống sông từng mảng lớn, hú vía, tôi chỉ kịp hô lên chứ không làm được gì cả”.

Rạng sáng, sau khi tiếp nhận thông tin sự cố, chính quyền ấp và xã lập tức đến hiện trường vụ sạt để khảo sát hiện trạng, làm việc với chủ hộ để thống nhất phương án khắc phục ổn định nhất.

Theo đó, nguyên nhân làm sạt lở được xác định do triều cường xói lở với chiều dài 15 m, rộng 2 m, sâu 2 m, ước tính thiệt hại khoảng 20 triệu đồng. Phần lộ nối liền với phần sân nhà bà Phương nằm trên tuyến Kênh Ranh, đoạn phía trước lộ là con sông lớn. Bà Phương cho biết, đây là lần đầu tiên tại chỗ bà ở xảy ra sạt lở. Nhớ đến tình cảnh đêm hôm đó bà không khỏi rùng mình, nếu sạt lở lấn sâu vào trong thì cả nhà bà trở tay không kịp, lại thêm nửa đêm chẳng biết cầu cứu ai.

Khu vực nhà bà Nguyễn Thị Phương ở ấp Xóm Mới bị sạt lở cuốn trôi mất phần lộ bê-tông.

Ðược sự hợp sức từ bà con xóm giềng trong ấp, cùng chính quyền tiến hành gia cố phần đất đã sụp xuống, trục vớt các tấm bê-tông để làm phần bờ kè. Thêm vào đó vận động các hộ được vài trăm cây mắm tiến hành chằng chống, be đất để củng cố độ chắc chắn cho phần đất đã sụp.

Cuối năm 2020, xảy ra vụ sạt lở hơn 40 m lộ tại kênh Ông Do, ấp Ông Do (xã Ðất Mới). Ðến nay dù đã cơi nới, gia cố trên 10 lần nhưng đoạn đường vẫn đang trong tình trạng phải khắc phục thêm.

Phần lộ 40 m thuộc ấp Ông Do đã và đang trong tình trạng gia cố chờ lún để phần chân đất ổn định.

Phó chủ tịch UBND xã Ðất Mới Trịnh Thanh Thoảng phân tích: “Chân đất thịt xốp, triều cường, lại thêm nước mưa từ trên xuống làm phần đất chịu áp lực gây sạt lở. Rất may vụ việc xảy ra không gây thiệt hại về người. Phương án để khắc phục tại chỗ tránh ùn tắc giao thông là cho xáng cuốc đến múc đất gia cố lại phần chân đất đã lở, việc gia cố diễn ra nhiều lần, chia nhỏ và đưa phần lộ dời vào trong khoảng 1 m. Ðến nay vẫn chờ cho phần đất ổn định, tiếp tục bồi đất gia cố đến khi chân đất trở về nguyên trạng”.

Không khó để bắt gặp những ngôi nhà mất đi dáng vẻ ban đầu, khi nhiều mặt xiêu vẹo, thậm chí chồm hẳn ra khúc sông do tác động từ sạt lở. Không chỉ ảnh hưởng đời sống sinh hoạt mà ngay cả tâm lý người dân cũng hết sức ái ngại, nhất là di chuyển trong mùa mưa.

Nhiều căn nhà xiêu vẹo, thậm chí nhô hẳn ra sông do sạt lở.

Ông Hồ Văn Oai, ấp Tắc Năm Căn A, xã Ðất Mới, cho biết: “Thường cứ tháng 9, 10 (âm lịch) nước dâng làm ngập đường, hư nhiều tuyến lộ và nhiều vuông nuôi thuỷ sản của người dân. Khi di chuyển tôi chọn đường lớn để đi, tránh đi đường tắt, hay cận kề sông, vuông tôm, vì không biết nguy hiểm xảy ra lúc nào”.

Là vùng có chiều dài sông, rạch, giao thông đường thuỷ gắn liền với sinh kế của nhiều hộ dân, do vậy, chuyện các hộ bám đất mưu sinh dường như là tất yếu. Theo đó, 3 ấp thường xảy ra tình trạng sạt lở vào mùa mưa gồm: Tắc Năm Căn A, Xóm Mới, Ông Do. Ðây cũng là những địa bàn mà cán bộ địa phương thường xuyên đến tuyên truyền, vận động nhắc nhở bà con trước mỗi mùa mưa bão.

Trong năm 2020, trên địa bàn xã Ðất Mới ghi nhận 16 điểm sạt lở, phần lớn là lộ và bờ vuông tôm, thiệt hại nhiều tài sản.

Nâng cao ý thức

Thực tế cho thấy, khi xảy ra các vụ sạt lở, chính quyền địa phương đến khảo sát nguyên nhân, ngoài điều kiện địa chất nền đất yếu, thuỷ triều mạnh, cộng với lực xoáy mỗi khi dông gió lớn thì việc tác động từ con người cũng là một trong những tác nhân gây ra các vụ sạt lở.

Dọc các khu vực ven sông là nơi lý tưởng, thuận lợi để kinh doanh. Vì lẽ đó mà việc xây nhà, khu vực bến lên xuống thuỷ sản, cộng hưởng áp lực của nền đất khiến quá trình sạt lở diễn ra nhanh và nguy hiểm hơn.

Xã Ðất Mới thành lập đội phản ứng nhanh để hỗ trợ người dân khắc phục sự cố nhanh chóng và an toàn nhất. Phân chia lực lượng đóng tại các ấp làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng đến các hộ dân có nhà, sinh sống trên những khu vực dự đoán có thể xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào.

Chủ tịch UBND xã Ðất Mới Trần Văn Phim cho biết: “Trong công tác tuyên truyền vận động, khắc phục hậu quả sạt lở, đặc biệt phải chú trọng nâng cao ý thức cho người dân về tập quán sinh sống, canh tác, xây nhà dựng cửa. Riêng địa phương khi tiến hành rà soát làm lộ cũng tính toán đến phương án này, hạn chế tình trạng sạt lở, sụt lún do triều cường, căn cứ vào địa hình để xây dựng các công trình dân sinh phục vụ bà con”.

Trong các phương hướng hỗ trợ hộ dân tái lập sản xuất, ổn định nhà cửa, hiện chính quyền xã Ðất Mới đã xây dựng đề án khả thi, trong đó gắn liền với sinh kế của người dân. Dành quỹ đất khoảng 7.000 m2 tại ấp Hộ Phòng xây dựng khu dân cư tập trung. Hiện tại, đề án đang được xem xét chờ phê duyệt. Theo tiến độ, đến năm 2022 sẽ hoàn thành, từ đó mở ra cục diện mới cho các hộ dân bám đất ven sông sinh sống, giảm thiểu các nguy cơ thiệt hại về người lẫn của do sạt lở gây ra hàng năm.

“Trên diện tích 7.000 m2 khu tái định cư có sức chứa 200 hộ dân, mỗi hộ có diện tích từ 20-30 m2. Theo rà soát, trên địa bàn xã hiện nay có 90 hộ không đất sản xuất và 70 hộ (khu vực ấp Phòng Hộ) có tập tục sinh sống canh tác ven sông. Như vậy, khi khu tái định cư hoàn thành, đây sẽ là khu vực lý tưởng giải quyết tình trạng nhà ở lẫn nguy hiểm khi mùa mưa đến”, ông Phim cho biết thêm.

Việc xây dựng khu tái định cư, chính quyền địa phương còn hướng đến an cư, lạc nghiệp cho bà con. Cùng với đó là xây dựng lộ, phát triển giao lưu kinh tế, vì đây là khu vực tiếp giáp với xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân./.

 

Yến Nhi - Hữu Nghĩa

 

Liên kết hữu ích

Ðồng tâm hiệp lực phòng, chống sạt lở

Khi nào Cà Mau khắc phục được tình trạng sạt lở ven biển, ven sông? Ðây là câu hỏi hiện nay gần như chưa ai có câu trả lời chính xác. Bởi tình trạng sạt lở luôn diễn biến khó lường, trong khi hạ tầng thuỷ lợi chưa được đầu tư hoàn thiện, nguồn lực lại đang khó khăn...

Nhiều hạn chế cần khắc phục trong phòng, chống thiên tai

Vừa qua, trưởng các khu vực đã tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa bàn được phân công phụ trách trong toàn tỉnh. Trên cơ sở kiểm tra thực tế, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh, đánh giá, công tác tổng kết PCTT&TKCN năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024 đã được các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời.

An toàn của người dân là trên hết

Ðể kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như thích nghi với triều cường biến động, xã Khánh Hội, huyện U Minh chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN). Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, nhất là ngư dân trong việc chủ động phòng chống, nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Sẵn sàng hỗ trợ người dân

Mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất, xâm nhập mặn... là những loại hình thiên tai được dự báo sẽ có nguy cơ diễn ra từ nay đến cuối năm và sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, nhất là sản xuất của người dân. Trước dự báo này, người dân cần chủ động bảo vệ sản xuất, tài sản.

Vất vả nghề bám biển

Vất vả và luôn phải đối diện với hiểm nguy, nhưng đó chưa phải là tất cả những gì mà ngư dân phải đối mặt trong hành trình mưu sinh trên biển. Quá trình lao động nơi đầu sóng của những ngư dân, đôi lúc phải đánh đổi bằng cả tính mạng, nhất là đối với các phương tiện nhỏ.

Sẵn sàng nhân lực, vật lực ứng phó thiên tai

Theo nhận định của Ðài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Cà Mau, từ nay đến cuối năm 2024 còn khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) trên biển Ðông, trong đó khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện nhiều loại hình thiên tai khác như: gió mạnh trên biển, mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất ven sông, ven biển.

Chủ động ứng phó thiên tai trên biển

Công tác phòng chống thiên tai (PCTT) trên biển đang được sự quan tâm đặc biệt, khi thời tiết biến đổi liên tục và thất thường. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh, có buổi trò chuyện cùng phóng viên Báo Cà Mau về nhiều phương án phòng chống thiên tai và hỗ trợ ngư dân trên biển trong tình hình biến đổi khí hậu (BÐKH).

Bảo vệ nhà ở và sản xuất trước thiên tai

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Phú Tân, mưa dông, lốc xoáy làm sập, tốc mái 24 căn nhà (sập hoàn toàn 5 căn, tốc mái 19 căn); chìm 3 tàu cá, hư hỏng 2 cụm pa nô, tổng thiệt hại trên 1 tỷ đồng.

Nhiều khó khăn trong thu quỹ Phòng, chống thiên tai

Quỹ Phòng, chống thiên tai (PCTT) được xác định là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, tại huyện U Minh, nhiều năm qua việc thu quỹ PCTT luôn đạt thấp, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đang chậm trễ trong việc nộp quỹ.

Kiểm soát chặt, thích ứng nhanh

Những tháng cuối năm, vùng biển phía Nam là nơi thường xuyên xuất hiện bão, mưa lớn và gió mạnh. Ðể đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ra khơi, bên cạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp an toàn, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh còn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn ngư dân trang bị những thiết bị cần thiết trên tàu cá.