(CMO) Ngày 28/8/1998, Cục Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân được thành lập, đánh dấu sự ra đời của CSB Việt Nam. Năm 2008, Cục CSB được chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng và đồng thời các Vùng CSB được chuyển về trực thuộc Cục.
Năm 2013, Cục CSB đổi tên thành Bộ Tư lệnh CSB, theo Nghị định số 96/2013/NÐ-CP, ngày 27/8/2013, của Chính phủ. CSB Việt Nam có ngân sách riêng của Nhà nước, có cảnh hiệu, cảnh phục riêng do Chính phủ quy định. Ngày 10/9/2014, các Vùng CSB được đổi tên thành Bộ Tư lệnh Vùng CSB theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Luật CSB Việt Nam được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 19/11/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019, thay thế Pháp lệnh Lực lượng CSB Việt Nam số 03/2008/PL-UBTVQH12. Luật quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSB Việt Nam; chế độ, chính sách đối với CSB Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
![]() |
Cảnh sát biển - lực lượng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đảm bảo bình yên vùng biển Việt Nam. Ảnh: PHONG PHÚ |
Là nòng cốt thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia
CSB Việt Nam là lực lượng vũ trang Nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.
CSB Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Ðảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam. Quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thoả thuận quốc tế theo thẩm quyền.
CSB Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý Nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ðồng thời tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Theo luật, CSB Việt Nam được tổ chức tập trung, thống nhất theo phân cấp từ Bộ Tư lệnh CSB Việt Nam đến đơn vị cấp cơ sở.
CSB Việt Nam có chức năng chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Kết hợp nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, quản lý an ninh, trật tự, an toàn trên biển với phát triển kinh tế biển. Dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.
Nhà nước xây dựng CSB Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên nguồn lực phát triển CSB Việt Nam. Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm tham gia xây dựng CSB Việt Nam trong sạch, vững mạnh.
Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc
CSB Việt Nam có nhiệm vụ thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia và thực thi pháp luật trên biển. Nghiên cứu, phân tích, dự báo, tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh quốc gia trong vùng biển Việt Nam. Bảo đảm trật tự, an toàn và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển.
Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc. Bảo vệ tài nguyên, môi trường biển. Bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển. Ðấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển.
Tham gia xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển. Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Tiếp nhận, sử dụng nhân lực, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam.
Thực hiện hợp tác quốc tế trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thoả thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CSB Việt Nam.
CSB Việt Nam có quyền tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hoá, hành lý trong vùng biển Việt Nam theo các quy định liên quan. Có quyền sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo quy định tại Ðiều 14 của luật.
Ngoài ra, CSB Việt Nam còn có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự. Truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển. Huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp. Ðề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp. Bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật.
Các hành vi bị nghiêm cấm
Chống đối, cản trở hoạt động của CSB Việt Nam. Trả thù, đe doạ, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ CSB Việt Nam trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ.
Không mua chuộc, hối lộ, ép buộc cán bộ, chiến sĩ CSB Việt Nam làm trái chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn. Giả danh cán bộ, chiến sĩ CSB; giả mạo tàu thuyền, phương tiện; làm giả, mua bán, sử dụng trái phép trang phục, con dấu, giấy tờ của CSB Việt Nam.
Không được lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của cán bộ, chiến sĩ CSB Việt Nam để vi phạm pháp luật. Xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Cán bộ, chiến sĩ CSB Việt Nam tuyệt đối không được nhũng nhiễu, gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp trên biển.
Bộ Tư lệnh CSB Việt Nam gồm có các đơn vị trực thuộc: Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 2, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 và Bộ Tư lệnh Vùng CSB 4. Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1 quản lý vùng biển từ cửa sông Bắc Luân, tỉnh Quảng Ninh đến đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị. Bộ Tư lệnh Vùng CSB 2 quản lý vùng biển từ đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị đến Cù Lao Xanh, tỉnh Bình Ðịnh. Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 quản lý vùng biển từ Cù Lao Xanh, tỉnh Bình Ðịnh đến bờ Bắc cửa Ðịnh An, tỉnh Trà Vinh. Bộ Tư lệnh Vùng CSB 4 quản lý vùng biển từ bờ Bắc cửa Ðịnh An, tỉnh Trà Vinh đến Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. |
Phong Phú lược ghi