(CMO) Bằng ngành nghề và thế mạnh sẵn có, mỗi người đều có thể phát tâm làm chuyện có ích theo cách riêng. Cách ngày, đội hình cắt tóc miễn phí lại tất bật chuẩn bị dụng cụ lên đường phục vụ bà con. Với thông điệp “Cắt tóc thanh toán bằng nụ cười”, hoạt động của nhóm thợ trẻ tiệm tóc Shine Men (Phường 5, TP Cà Mau) đều đặn duy trì suốt 2 năm qua đã mang lại nhiều niềm vui, tiếng cười sau đó là cả hành trình ý nghĩa, đong đầy yêu thương.
Theo lịch hẹn, những tay kéo trẻ có chuyến cắt tóc tại Bệnh viện Y học cổ truyền (Phường 1, TP Cà Mau). Hành lang dài bỗng nhộn nhịp hơn ngày thường, người ngồi cắt tóc, người xếp hàng đợi, người qua lại thông báo cho nhau biết có đoàn đến cắt tóc miễn phí…
Ðây là hoạt động thường xuyên của tiệm tóc Shine Men, song hành với kinh doanh, xuất phát từ việc muốn tạo ra chuỗi hành trình yêu thương, góp sức nhỏ lan toả những việc làm có ích cho xã hội.
Ðội hình cắt tóc miễn phí gồm những tay kéo trẻ. Bên cạnh nâng cao tay nghề, các bạn còn dành nhiều thời gian để giúp đỡ mọi người bằng việc cắt tóc miễn phí ở nhiều nơi. |
3 năm kể từ khi mở tiệm riêng, anh Phạm Nhật Phương (sinh năm 1993), chủ tiệm tiệm tóc Shine Men, đã có 2 năm đi cắt tóc miễn phí. Theo đó, để những chuyến đi không ảnh hưởng đến hiệu suất kinh doanh, 15 thợ lẫn nhân viên tiệm chia làm 2 nhóm độc lập thay phiên. Ðiểm đến thường xuyên là những địa chỉ quen thuộc, có thể phục vụ lượng lớn người cần cắt tóc như: chùa, bệnh viện, Làng trẻ SOS hay bến xe… Gần đây, những chuyến hành trình nới rộng phạm vi khi kết nối được với các nhóm thiện nguyện, phục vụ nhiều đối tượng tại vùng sâu, vùng xa.
Anh Nhật Phương tâm sự: “Ðối với những điểm cố định, khoảng 20 ngày nhóm sẽ quay lại cắt. Mỗi điểm dừng chân sẽ cắt tóc cho từ 30-50 người. Kiểu tóc, phong cách phục vụ sẽ như tại tiệm, tức là cắt, tạo kiểu theo ý của khách hàng, chỉ khác là phương thức thanh toán không trả tiền mặt, quẹt thẻ, mà trả bằng nụ cười, sự hài lòng của khách sau khi trải nghiệm dịch vụ”.
Không chỉ có nhóm thợ theo nghề lâu năm mới tham gia những chuyến đi phục vụ cộng đồng, mà ngay cả những bạn trẻ đang học nghề cũng mong muốn được thử sức. Như anh Phương chia sẻ: “Những buổi đầu ra quân chỉ có vài thợ tự nguyện đi theo góp sức, lâu dần số lượng tăng lên. Tất cả những buổi đi cắt tóc phục vụ lưu động như vậy sẽ không nhận được thù lao, nhưng xuất phát từ cái tâm và mong muốn làm việc gì đó giúp mọi người, đã thôi thúc họ tham gia”.
Bà Ngô Thị Tuyết, 70 tuổi, xã Tạ An Khương, huyện Ðầm Dơi, hài lòng với mái tóc được cắt như ý, không chỉ cảm ơn, bà còn dúi vào tay thợ ít tiền để các cháu uống nước giải khát, nhưng bất thành.
Bà Tuyết vui vẻ: “Ðây là lần đầu tiên tôi cắt tóc miễn phí, mấy cháu hớt nhanh mà đẹp, tỉ mỉ theo ý của từng người. Thậm chí cắt xong, nếu khách yêu cầu cạo râu hay chỉnh sửa thêm phần nào, các cháu đều rất vui vẻ làm ngay. Còn trẻ mà biết làm từ thiện, quan tâm đến người lớn tuổi, tôi thấy rất hay”.
Ðây là lần đầu bà Tuyết trải nghiệm cắt tóc miễn phí, địa điểm là nơi bà đang điều trị bệnh. |
Khi hỏi số lần theo chân nhóm cắt tóc miễn phí, anh Nguyễn Ngọc Nhân (20 tuổi), thành viên tiệm tóc, không nhớ nổi. Quê xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, ngoài những ngày đi làm, anh sẵn sàng vượt chặng đường xa, đồng hành cùng nhóm.
“Ðược hỗ trợ mọi người tôi rất vui, nhận ra nghề mình đang theo cũng rất cao quý vì mang lại niềm vui cho nhiều người. So với cắt tại tiệm, tôi thấy đi cắt miễn phí vậy thoải mái hơn, lại không hề thấy mệt vì có thể quen và nói chuyện với nhiều người, đặc biệt khi nhận ra đồng hương thì câu chuyện còn tiếp diễn rất dài về sau”, anh Nhân bày tỏ.
Quê ở tận tỉnh Hà Nam, em Trần Thế Anh (15 tuổi) theo mẹ đến Cà Mau mưu sinh 2 năm qua. Nghề tóc là nghề mà Thế Anh yêu thích, hiện em đã gắn bó với tiệm tóc Shine Men khoảng một năm, từ vị trí học nghề nay sắp thành thợ.
Thế Anh bộc bạch: “Những chuyến cắt tóc thiện nguyện, em thấy rất ý nghĩa, khi phục vụ bà con ở những nơi khó khăn, đi lại bất tiện; thêm nữa, còn giúp các bạn nâng cao tay nghề. Nghề tóc là nghề làm đẹp, nhưng ở nhiều phương diện còn mang tính nhân văn khi biết tận dụng ngành nghề để làm những việc có ích”.
Không chỉ cắt những mái tóc “0 đồng” mà nghĩa cử ấy càng đẹp hơn khi những thợ trẻ đến tận giường bệnh phục vụ những bệnh nhân đi lại khó khăn, người cao tuổi đang điều trị tại các bệnh viện. Ân cần, tỉ mỉ từng chi tiết, vừa cắt và nhẫn nại trò chuyện giao lưu cũng là một trong những cách sẻ chia, mất từ 10-15 phút cho một mái tóc mới.
Nhập viện do bệnh tai biến tái phát, mọi sinh hoạt của ông Nguyễn Văn Dẫu (58 tuổi, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) đều do một tay vợ chăm sóc. Do bệnh, ông Dẫu chưa thể nói chuyện bình thường, mặc dù vẫn nghe và hiểu. Bà Trần Thị Loan (vợ ông Dẫu) cho biết: “Nằm một chỗ, tóc ra dài lắm, nay có đoàn tới cắt tóc, ban đầu tôi cũng muốn đến nơi tập trung để cắt nhưng di chuyển ông khó khăn quá, phải cần 2 người đỡ. May thay thợ tới tận nơi, cắt tóc cao mát mẻ nên người cũng thoải mái hơn rất nhiều, tôi thật lòng cảm ơn mấy cháu”. Riêng ông Dẫu, trước khi các bạn rời đi, cũng nhanh chóng nở nụ cười thật tươi, kèm cái gật đầu thay cho lời cảm ơn chân thành.
Bà Nguyễn Thị Ghép, 75 tuổi, quê Tân Lộc, huyện Thới Bình, cũng là trường hợp đi lại khó khăn, được nhóm vào tận giường để cắt tóc. Ðây là lần thứ 3 bà Ghép nhập viện điều trị chứng đau thắt lưng dai dẳng. Ðể thuận tiện cho việc cắt tóc, bà Ghép được đỡ ngồi dậy, mái tóc không dài nhưng vì nằm một chỗ lâu khiến bà nóng nực, bứt rứt. Ðược cắt tóc, bà Ghép vui lên trông thấy, bà trò chuyện: “Tôi giờ bệnh không đi đâu được, muốn làm gì cũng phải có người kề cận. Ðợt vừa rồi nằm viện, tóc ra dài không kịp cắt, phải gọi thợ đến cắt, xong tôi trả 200.000 đồng, vừa trả công, vừa bồi dưỡng cho thợ đi đường xa giúp mình. Nay được cắt miễn phí thì còn gì bằng. Những người đi lại bất tiện như tôi cần lắm”.
Lượt người thưa dần, cũng là lúc cả nhóm thu dọn, quét trả lại khuôn viên sạch sẽ cho bệnh viện, hay bất cứ nơi nào nhóm đặt chân đến. Nghĩa cử nhỏ nhưng hết sức trân quý đang được thế hệ trẻ duy trì, góp cho đời thêm nhiều câu chuyện đẹp./.
Yến Nhi