Từ khi sinh ra, em đã không biết mẹ mình là ai, 2 tháng 28 ngày mẹ bỏ theo người khác, cha buồn rồi cũng bỏ đi. Em ở với bà nhưng không bao lâu bà cũng bệnh rồi mất. 12 tuổi đã phải dấn thân vào cuộc mưu sinh. Ðó là câu chuyện về cậu học trò Lê Văn Dương, lớp 11C4, Trường THPT Huỳnh Phi Hùng, huyện Trần Văn Thời.
Từ khi sinh ra, em đã không biết mẹ mình là ai, 2 tháng 28 ngày mẹ bỏ theo người khác, cha buồn rồi cũng bỏ đi. Em ở với bà nhưng không bao lâu bà cũng bệnh rồi mất. 12 tuổi đã phải dấn thân vào cuộc mưu sinh. Ðó là câu chuyện về cậu học trò Lê Văn Dương, lớp 11C4, Trường THPT Huỳnh Phi Hùng, huyện Trần Văn Thời.
Khi còn sống với bà, mặc dù cuộc sống hai bà cháu khó khăn, bản thân bà lại mắc bệnh tim nhưng bà vẫn dành hết tình thương cho đứa cháu của mình. Bà đã làm tất cả những gì có thể để nuôi Dương ăn học. Nhưng rồi dường như số phận không chỉ dừng lại ở đó, bệnh tật đã cướp đi người bà - chỗ dựa còn lại duy nhất của em. 12 tuổi em phải dấn thân vào cuộc mưu sinh đầy vất vả.
Em LÊ VĂN DƯƠNG |
Chuyện học hành của em bị gián đoạn từ đó. Em phải nghỉ học đi làm tại các quán ăn, quán nhậu, quán nước… Khi thì rửa chén, rửa ly, lặt rau hoặc chờ sai vặt. Lớn hơn một tí thì đi làm bốc vác, làm phụ hồ. Với từng ấy tuổi, bạn bè của em được cha mẹ đưa đến trường, được vui chơi, được học hành, còn với em thì phải làm đủ mọi nghề. Thậm chí đi theo những ghe chở hàng làm phụ cho những người lái tàu. Hằng đêm phải thức đến 2-3 giờ sáng để canh máy, chạy ghe. Rồi cả những hôm chân vịt máy vướng rác giữa đem khuya, mặc cho trời buốt giá, mặc cho những bất trắc rình rập dưới lòng sông, em vẫn phải lặn xuống nước gỡ rác cho tàu kịp chạy.
Em tâm sự: “Nhiều đêm nằm một mình mà rơi nước mắt vì nhớ những kỷ niệm với bà. Ao ước được đến trường với thầy cô, bạn bè”. Cuối cùng ước mơ ấy đã thành hiện thực khi em được một người chú đem về cho ở chung và cho đi học lại. Ðã bỏ nhiều năm nhưng khi được đi học lại em rất cố gắng và đạt kết quả xứng đáng. Nhiều năm liền là học sinh tiên tiến. Năm rồi em còn nằm trong đội tuyển học sinh giỏi của trường. Không những vậy, em còn là lớp trưởng nhiều năm liền của lớp, cả khi học cấp hai và giờ khi sang cấp ba cũng vậy.
Ước mơ được đi học giúp em vượt qua mọi khó khăn trở ngại. Ðoạn đường gần 10 km đến trường vậy mà khi thì em quá giang, khi thì đi bộ. Nhưng những khó khăn ấy không là gì với những nỗi vất vả của em. Hằng ngày, em vẫn đều đặn đến trường. Buổi sáng đi học, chiều về đi làm thuê: đốn củi, sên đất, làm cỏ, vác lúa… Ở xóm ai mướn gì là đều có em. Tối đến, khi công việc nhà hoàn thành lại tranh thủ chạy ra các quán ăn, quán nước, quán nhậu cần người để kiếm tiền đi học. Mùa hè thì em phải tranh thủ đi làm hồ, làm bốc vác… Có khi vì sức nặng của những bao xi-măng, những khối sắt làm em ngã lăn quay vì kiệt sức, làm em tứa máu vì bị sắt cắt trúng chân. Nhưng rồi em vẫn tự đứng dậy, cố gắng và bước tiếp. Tôi cảm giác trên từng bước chân em là cả niềm tin và hy vọng vào một tương lai tươi sáng.
Vào lớp 10, em được xếp vào lớp cô Phạm Thị Xuân, một cô giáo trẻ mới về trường. Bằng lòng yêu nghề, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, cô đã nhanh chóng nắm bắt được hoàn cảnh của em, động viên em cố gắng vươn lên trong học tập cũng như trong cuộc sống. Cô còn vận động các bạn trong lớp gây quỹ giúp đỡ em trang trải những khó khăn. Khi thì những tờ giấy kiểm tra, khi thì vài quyển tập, cây viết... Cô quan tâm em rất nhiều, không chỉ dạy chữ cô còn dạy em đạo lý làm người. Ðối với em, cô giống như một người mẹ thứ hai của mình. Thậm chí năm nay, khi không còn được cô chủ nhiệm nữa, cô vẫn gửi tặng em một bộ sách giáo khoa.
Tuy những phần vật chất cô giúp đỡ em chưa bù đắp được những thiếu thốn nhưng sự quan tâm, tình thương của cô dành cho em là động lực giúp em vươn lên trong cuộc sống. Tôi nghe đâu đó vang lên câu nói của nhà văn Mỹ: “Tôi đã khóc khi không có giày để đi, cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày”./.
Bài đoạt giải Nhì cuộc thi viết “Thầy và trò cùng vượt khó”
Duyên Thuý Quỳnh