ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 15-1-25 17:15:58
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cây vú sữa trên đất Cà Mau

Báo Cà Mau (CMO) Trên đất Cà Mau này, hầu như đi tới đâu người ta cũng thấy cây vú sữa. Một loại cây trổ hoa khi gió chướng phất ngọn, kết trái khi Tết về và chín rộ khi nắng hạn bắt đầu già gắt. Lạ một điều, vú sữa không phải là loại trái cây sản vật riêng có hoặc nổi danh ở Cà Mau. Chúng tôi mang thắc mắc của mình hỏi Nhà báo Nguyễn Minh Nối, ông trả lời rất gọn: “Cà Mau là xứ nước mặn, đồng chua. Cây vú sữa có trồng cũng chỉ ở một vài chỗ, không phổ biến như bây giờ. Có lẽ người ta chỉ trồng nhiều sau năm 1975, khi đất nước hoà bình thống nhất rồi. Bởi, Cà Mau là quê hương của cây vú sữa miền Nam gởi ra Bác Hồ hồi tập kết năm 1954...”.

Chuyện má Lê Thị Sảnh, vùng Trí Phải, Thới Bình bầu cây vú sữa giống trong bình tích trà gởi ra Bác Hồ hồi tập kết đã được lịch sử ghi lại rõ ràng. Đồng nghiệp của chúng tôi cũng đã có những bài viết kỳ công, chi tiết nói về hình tượng cây vú sữa Cà Mau, tấm lòng của người Cà Mau với Bác. Rồi cả chuyện cây vú sữa Bác trồng, được chiết nhánh, gởi lại trồng trên đất Cà Mau. Có lẽ không có loại cây nào trên vùng đất Nam Bộ lại có hành trình thiêng liêng, đầy tính biểu tượng như cây vú sữa.

Hình ảnh cây vú sữa luôn nhắc nhớ về tấm lòng của Bác Hồ đối với miền Nam và tấm lòng người dân miền Nam với Bác.

Riêng với tôi, cây vú sữa gắn liền với ngôi nhà, với tuổi thơ. Lúc ba má tôi ra riêng, chèo từ Mương Điều về Xóm Ruộng, đồ đạc chất gọn lỏn trong một chiếc xuồng be mười. Miếng vườn của ông cố tôi khai phá mặt tiền rộng thênh thang, còn cái hậu thì gom lại đủ cho một bụi tre gai mọc. Ba tôi nói, hồi trước ông cố tính khai khẩn đất lớn, dọn mặt tiền cho bự, để đất đai sau này lại cho con cháu. Rồi thì người ít, sức cạn, cây cối um tùm, làm không nổi nên cái hậu teo dần. Rốt cuộc chỉ đủ trồng bụi tre gai đánh dấu.

Lúc ba má tôi về, miếng vườn hoang hoá. Ba tôi đào đất, lên liếp, dọn dẹp cây tạp. Đâu cũng chục năm, cái vườn mới thành thuộc. Má tôi, con gái xứ Kinh Quẹo, giỏi giang từ tấm bé. Má xin đủ loại giống cây, từ dừa, ổi, mít, xoài... trồng khắp vườn, có cả một cây vú sữa trồng trước hiên nhà. Má tôi kể, hồi đó nhà nghèo, mấy ông già xưa ở xóm đi qua lại thấy vậy cứ đằng hắng, lắc đầu: “Vợ chồng thằng Hai cầm miếng vườn này làm ăn bao giờ cho khá...”. Kệ! Ba má tôi cứ làm lụng quần quật nuôi bầy con 6 đứa.

Khi tôi 7 tuổi, cây vú sữa đã lớn, mùa trái chín oằn nhánh. Khi đó, ba má tôi cất được nhà tường, mái ngói. Ngọn cây vú sữa vươn cao vượt lên trên máng xối của ngôi nhà mới. Nhớ mỗi lần ba má rầy la, hoặc là tôi làm biếng đi kiếm cá, cứ phóng lên cây vú sữa, chuyền qua cái máng xối nằm trốn trên ấy. Có một bận, cơm chiều rồi mà tôi còn ở ngoài đồng giặm chuột mương phèn với đám bạn. Gặp một đứa báo tin cho biết, ba tôi cầm cái roi tre đi kiếm miết mà chưa gặp. Sợ quá, tôi lén về nhà, leo tuốt trên đọt cây vú sữa, nằm trốn trên máng xối. Vừa đói, vừa mệt, vừa sợ bị đòn, tôi ngủ quên lúc nào không biết. Chỉ biết khi ông anh ruột tôi cầm bó đuốc quơ quơ xém cháy tóc, tôi dựng người dậy, ngơ ngác trên nóc nhà. Trận đó, tôi tính là tét đít, nhưng ba má chẳng đánh roi nào, biểu đi tắm, ăn cơm. Bữa sau, ba tôi tỉa gọn nhánh cây vú sữa lại. Chỗ trốn cũng không còn bí mật nữa, từ đó tôi cũng thôi leo đọt cây nằm máng xối.

Mùa vú sữa chín. Ba tôi căn dặn để trái chín đều, bẻ xuống một lượt, chớ không ăn như khỉ, gặp trái nào chín là dứt gọn. Nhìn lứa vú sữa căng bóng, tím lịm lại mà thèm đứt ruột. Đành cùng với lũ bạn ra khu vườn hoang phía đầu xóm, có mấy cây vú sữa lão cội, để bẻ trộm ăn. Những đứa leo giỏi thì được ăn trái ngon, đứa nào đứng dưới gốc cây canh chừng thì chỉ ăn mấy trái nhỏ xíu, chưa chín tới, chát ngấm. Thú thật, hồi đó ăn vú sữa chỉ đưa lên là cạp, mủ dính bó miệng. Sau này, má dạy tôi cách ăn vú sữa. Trái chín cỡ nào cũng phải vò đều cho mềm nhuyễn vỏ, lúc đó ăn ngọt thanh thao, không dính mủ.

Nhưng cây vú sữa đâu chỉ có trái ngon mà còn rất nhiều công dụng. Nhà tôi lúc đó đã có thâu băng. Mấy cuộn băng xài hoài bị đứt ruột. Tôi lấy mủ lá vú sữa trắng đục, dán ruột cuộn băng lại, đút vô vẫn hát ngon ơ. Vào năm nhuận, vú sữa chín ngay Tết. Má biểu tôi leo bẻ những trái bự nhất, chín đều nhất xuống để chất mâm trái cây cúng. Cây vú sữa là niềm tự hào to lớn của tôi, bởi ngó đi ngó lại, trong xóm chẳng có mấy nhà trồng. Còn khách tới thấy dĩa vú sữa thì hít hà: “Nhà khá mới trồng được cây vú sữa”.

Có lẽ ấn tượng về cây vú sữa quá sâu đậm trong tôi, nên hễ tới đâu có cây vú sữa là tôi lại ngó miết, lại thấy bao nhiêu thân thuộc, thương yêu. Cây vú sữa trước nhà tôi bị sâu đục thân, chết đứng sau mấy mùa đồng đất chuyển dịch, cũng là lúc tôi đi học xa ngoài Thủ đô Hà Nội. Lúc đó tôi đã biết chuyện bà má Cà Mau gởi cây vú sữa ra biếu Bác Hồ. Thế nên, lần đầu vào viếng Lăng Bác, tôi đặt mục tiêu quan trọng là phải nhìn tận mắt cây vú sữa của quê hương mình trên đất Thủ đô.

Cây vú sữa nằm san sát bên nhà sàn của Bác, lão cội nhưng xanh tốt. Mùa tôi nhập học, chớm thu, bông vú sữa điểm trắng li ti trong vòm lá. Rồi lúc vào xem phim tài liệu, có đoạn Bác Hồ cầm thùng tưới vòi sen, chăm chút từng giọt nước cho cây vú sữa miền Nam. Tôi nhớ quê, nhớ nhà, mà bật khóc. Sau này, khi được nghe nhiều chuyện cảm động trong cách Bác Hồ chăm sóc, thương yêu cây vú sữa của đồng bào miền Nam gởi ra, tôi mới vỡ lẽ rằng, điều mà tôi nhìn thấy không chỉ là cây vú sữa bình thường nữa, mà đó là hình ảnh, là biểu tượng thiêng liêng của miền Nam máu thịt, trong đó có Cà Mau quê mình.

Mùa vú sữa chín trong Nam thường sớm hơn ngoài Bắc. Hầu như qua Tết, miền Bắc rất hiếm trái cây. Thế nên, mỗi lần vào viếng Lăng Bác, dịp Tết đã qua, khi cây cối trong vườn chỉ chớm đâm chồi nảy lộc, thì cây vú sữa Cà Mau đã vào mùa trái chín oằn nhánh, tôi cảm thấy trong lòng dâng lên niềm tự hào khó tả. Đây là quả ngọt miền Nam, là hương sắc miền Nam trong khu vườn của Bác. Mùa vú sữa chín muộn, như hình ảnh của miền Nam anh dũng “đi trước, về sau”, nguyện mãi mãi ở bên Người.

Đến giờ này, tôi đã hiểu vì sao người Cà Mau đều trồng cây vú sữa trước nhà, trong vườn. Thậm chí ở Thới Bình còn có phong trào trồng tuyến đường cây vú sữa. Bây giờ, khi Tết đã cận kề, mùa vú sữa miền Nam bắt đầu chín rộ, chắc ở ngoài Thủ đô, trong khu vườn của Bác, có một loại cây đang nghiêng nghiêng mình, thương nhớ trổ bông:

“Mười lăm năm... mỗi sáng chiều

Bác Hồ chăm chút, nâng niu từng cành

Cây càng khoẻ, lá càng xanh

Như miền Nam đó trưởng thành, nở hoa”

(Cây vú sữa trong vườn Bác - Quốc Tấn)

 

Phạm Quốc Rin

 

biểu hiện Bé thiếu canxi

Tìm hiểu “hội chứng màn hình xanh”

Ngày nay, công nghệ đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, nhưng mặt trái của nó cũng dần lộ diện với những vấn đề tâm lý ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Một trong số đó là “hội chứng màn hình xanh”, đây không phải là một khái niệm chính thức trong y khoa, nhưng nó đang được dùng để mô tả những hệ luỵ về sức khoẻ tâm lý và thể chất khi thời gian sử dụng các thiết bị điện tử vượt quá giới hạn.

Tỉnh đoàn trao quà tết công nhân trên công trình cao tốc Cần Thơ – Cà Mau

Chiều nay (13/1), Tỉnh đoàn Cà Mau tổ chức đoàn đến thăm, trao suất quà tết và 15 bao lì xì cho lực lượng công nhân thuộc Công ty Cổ phần Hải Đăng, TP Hồ Chí Minh, đơn vị đang thi công trên công trình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn qua huyện Thới Bình.

Tết ấm cho người có công

Trong năm qua, huyện U Minh huy động mọi nguồn lực xã hội để chăm lo người có công, thân nhân thờ cúng liệt sĩ, gia đình chính sách. Chương trình hỗ trợ nhà ở cho những đối tượng này nhân đôi niềm vui khi Tết đang gần kề.

Nét đẹp truyền thống Việt

Mừng thọ, chúc thọ các bậc cao niên từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt mỗi khi Tết đến, xuân về. Ðây là dịp để con cháu thể hiện lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ; xã hội thể hiện sự tôn kính đối với những “cây cao bóng cả”; đồng thời, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ về sự hiếu kính đối với đấng sinh thành.

Người truyền cảm hứng

Tốt nghiệp THPT năm 2008, cậu học trò Nguyễn Quốc Toản đăng ký thi vào Trường Ðại học Sư phạm Cửu Long, chuyên ngành Công nghệ thông tin. Năm 2011, tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, thầy được Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện U Minh phân công giảng dạy tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh. Ðến năm 2014, thầy chuyển về Trường THCS Lê Hồng Phong, xã Khánh Lâm, huyện U Minh cho đến nay.

Chung một tấm lòng san sẻ yêu thương

Sáng 12/1, Hội Từ thiện tỉnh Cà Mau tổng kết hoạt động năm 2024 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025.

Không để ngộ độc thực phẩm

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các loại sản phẩm sử dụng nhiều dịp Tết. Ðể đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở đã gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Do vậy, để bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) dịp Tết, Ðoàn Kiểm tra liên ngành tỉnh đã bắt đầu tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh về vấn đề ATTP, nhằm đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm dịp Tết.

Xuân ấm áp cho người dân Đất Mũi

Tiếp tục chuỗi chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” tại các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh, chiều ngày 11/1, chương trình tiếp tục mang hơi ấm mùa xuân đến với người dân tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, với nhiều hoạt động vui xuân, cùng những phần quà ý nghĩa.

Sacombank Chi nhánh Cà Mau trao 550 phần quà “Ấm tình mùa xuân”

Hoạt động này là một phần trong chiến dịch “Ấm tình mùa xuân” lần thứ 22, diễn ra từ ngày 6-19/1, với tổng kinh phí 10 tỷ đồng, hướng đến các hộ nghèo và gia đình gặp khó khăn trên toàn quốc, đặc biệt là các tỉnh, thành phố khu vực miền Tây Nam Bộ.

Ðô thị văn minh nơi cửa biển

"Thị trấn Sông Ðốc đã hoàn thành 9 tiêu chí, 52/52 nội dung đô thị văn minh (ÐTVM) và trở thành đô thị thứ 2 của huyện Trần Văn Thời chính thức được công nhận ÐTVM. Ðây là kết quả từ sự quan tâm của lãnh đạo huyện, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân trên địa bàn thị trấn”, ông Võ Quốc Thống, Bí thư Ðảng uỷ thị trấn Sông Ðốc, phấn khởi chia sẻ.