“Em chỉ mong 1 lần được ngồi tâm sự cùng cha mẹ, được nghe cha mẹ nhẹ nhàng an ủi, động viên về học tập, về những chuyện sinh hoạt thường ngày hay lắng nghe tâm tư tình cảm của em, chứ không phải là mỗi lần nói chuyện đều chỉ “điệp khúc” phải học để thi đậu bác sĩ. Mỗi lần như thế em chỉ ngồi im lặng, rất buồn và mệt mỏi”. Đó là tâm sự của em Võ Hoàng B, học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Thái Bình phường 5, TP Cà Mau. Và cũng là nỗi niềm chung của nhiều em học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp THCS.
“Em chỉ mong 1 lần được ngồi tâm sự cùng cha mẹ, được nghe cha mẹ nhẹ nhàng an ủi, động viên về học tập, về những chuyện sinh hoạt thường ngày hay lắng nghe tâm tư tình cảm của em, chứ không phải là mỗi lần nói chuyện đều chỉ “điệp khúc” phải học để thi đậu bác sĩ. Mỗi lần như thế em chỉ ngồi im lặng, rất buồn và mệt mỏi”. Đó là tâm sự của em Võ Hoàng B, học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Thái Bình phường 5, TP Cà Mau. Và cũng là nỗi niềm chung của nhiều em học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp THCS.
Ngày nay, cùng với sự phát triển chung của xã hội, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình được cải thiện nên phụ huynh đều rất quan tâm đến vấn đề học tập của con em mình, luôn muốn con em được học tập trong môi trường và điều kiện tốt nhất, đặc biệt là các em ở cuối cấp THCS. Vì thế, mà phụ huynh luôn hướng cho con mình phải học thật giỏi để có thể thi vào những trường THPT tốt nhất. Nhưng dường như phụ huynh đã quên đi việc xem xét lực học cũng như những mong muốn thực sự của con em mình.
Cha mẹ hãy gần gũi và quan tâm đúng cách để các em có thể mạnh dạn sẻ chia tâm tư tình cảm của mình như những người bạn. Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG |
Tại Cà Mau, Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển luôn là ngôi trường được các bậc phụ huynh ưu tiên hàng đầu và luôn hướng con mình phải học thật giỏi để có thể thi đỗ vào trường này. Còn riêng các em học sinh cuối cấp 2 thì gọi đây là “nỗi ám ảnh trường chuyên”. Em Lưu K.V, lớp 9, Trường THCS Nguyễn Thái Bình, chia sẻ, những năm học qua, em là học sinh giỏi nhưng em chưa bao giờ nghĩ mình nhất định phải học trường chuyên khi vào cấp 3. Vì em nghĩ, học trường chuyên hay trường bình thường không mang yếu tố quyết định mà là khả năng học tập của bản thân mình. Nhưng mẹ em thì rất quan trọng chuyện đó, bởi mẹ nghĩ trường chuyên là ngôi trường tốt nhất, vì có nhiều thầy cô giỏi. Em học giỏi thi đậu trường chuyên mẹ cũng được nở mặt nở mày với bạn bè đồng nghiệp. Cho nên buộc em phải học thêm các môn Toán, Văn, Tiếng Anh. Có hôm vội đến lớp em không kịp ăn cơm chiều.
Có nhiều phụ huynh muốn con mình dành hết thời gian vào việc học, không cho thời gian giải trí khiến các em vô cùng áp lực và mệt mỏi.
Bên cạnh những phụ huynh vì quan tâm quá mức hoặc không đúng cách, vô tình tạo ra áp lực cho con mình, thì cũng có không ít bậc cha mẹ chỉ biết cho tiền con cái chứ chưa hề lắng nghe hoặc biết con mình đang làm gì hay yêu thích cái gì.
Em Võ Hoàng B tâm sự: “Chưa bao giờ em đi thi mà ba mẹ gọi điện hỏi xem làm bài có được không, hay động viên, an ủi mà chỉ duy nhất 1 câu chỉ cần học giỏi để thi đậu đại học Y, trong khi em không hề thích ngành này. Nhiều lúc em thèm được như bạn bè, có ba mẹ đưa đón đi học, được nghe câu nói “cố lên nha con” hoặc được ngồi nói chuyện tâm sự chuyện trường lớp, bạn bè, được chia sẻ về ước mơ của mình với ba mẹ. Nhưng với em thì chuyện đó khó lắm. Nhiều khi em đi học cả ngày hoặc về nhà trễ cũng không ai gọi điện tìm kiếm hay hỏi han, em tủi thân lắm”. Qua tìm hiểu, được biết, em B sống cùng ba mẹ và bà ngoại. Sống trong ngôi nhà 4 tầng đầy đủ tiện nghi nhưng B chưa bao giờ thấy vui vẻ, ba mẹ đi làm từ sáng đến tối mới về, B cần gì thì nói với bà hoặc chi tiêu gì thì xin ba mẹ.
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng chỉ cần cho tiền và đáp ứng mọi nhu cầu của con mình là đủ và khi được như thế thì con cái sẽ ngoan ngoãn nghe lời. Nhưng trên thực tế, đây chính là nguyên nhân khiến các em dễ sa ngã vì thiếu sự quan tâm chăm sóc từ người lớn. Các em ở bậc THCS là độ tuổi đang có nhiều thay đổi về tâm sinh lý nên vai trò của phụ huynh sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tâm sự của 2 em học sinh trên cũng là những điều mà rất nhiều các em học sinh khác muốn nhắn gởi đến các bậc làm cha làm mẹ./.
Vân Anh