Có dịp gặp và chia sẻ về chuyện nghề, về cuộc sống của thầy, cô giáo đang công tác trong ngành giáo dục huyện Năm Căn mới thấy được sự phấn đấu, nỗ lực lớn của thầy cô vì học sinh thân yêu nơi vùng đất còn lắm khó khăn này.
Có dịp gặp và chia sẻ về chuyện nghề, về cuộc sống của thầy, cô giáo đang công tác trong ngành giáo dục huyện Năm Căn mới thấy được sự phấn đấu, nỗ lực lớn của thầy cô vì học sinh thân yêu nơi vùng đất còn lắm khó khăn này.
Cô giáo Lê Thị Vân khó khăn không chùn bước
Cuối năm 1987, tốt nghiệp Trung học Sư phạm, cô giáo trẻ Lê Thị Vân (quê ở Hậu Giang) xin về tận xứ Cà Mau công tác, nơi cô chưa từng đặt chân đến.
Cô giáo Lê Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học 1 xã Tam Giang, huyện Năm Căn. |
Nhớ lại những ngày đầu về xã Tam Giang (huyện Năm Căn), cô Lê Thị Vân, hiện là Hiệu trưởng Trường Tiểu học 1 xã Tam Giang, vẫn còn bồi hồi: “Như nhiều vùng ven khác ở Cà Mau, xã Tam Giang chưa có đường, điện. Ðến lớp học, nhìn bọn trẻ thì chỉ hơn chục đứa với ánh mắt ngây ngô. Còn những cái bàn rất lạ, chân bàn, chân ghế cắm luôn xuống nền đất. Lúc đó, thật sự mọi thứ đều rất khó khăn, không ngờ nơi đây đã giữ chân tôi cho đến hôm nay”.
Ðến nay, những nhọc nhằn không còn hiện diện, cô đã gắn kết cuộc đời và sự nghiệp trên quê hương thứ 2 của mình. Với tất cả lòng yêu nghề, sự đùm bọc của đồng nghiệp, đặc biệt, với đám học trò nhỏ khát khao cái chữ đã đem lại cho cô niềm yêu mến vô bờ với nghề dạy học. Giờ đây, Trường Tiểu học 1 xã Tam Giang đã phát triển mọi mặt. Năm 2013, cô cùng tập thể trường đón nhận danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Trong 28 năm giảng dạy và quản lý ở trường, 8 năm trực tiếp đứng lớp, những nỗ lực và cống hiến không mệt mỏi, cô đón nhận nhiều phần thưởng cao quý trong ngành. Năm 2006, cô được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục; năm 2013, cô nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về thành tích đóng góp xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Nhưng niềm hạnh phúc đã không trọn vẹn đến với cô. Cách đây 1 năm, cô phát hiện mình mang căn bệnh nan y. Ðể vượt qua bệnh tật, mỗi ngày cô Vân dành hết thời gian, tâm huyết tiếp tục thắp sáng ngọn lửa đam mê nghề giáo cho thế hệ tương lai. Niềm vui, niềm hạnh phúc của cô là được thấy học trò chăm ngoan, học tốt.
Thầy giáo Nguyễn Anh Chung đam mê sáng tạo
Những ngày đầu nhận công tác (năm 2005), thầy giáo Nguyễn Anh Chung, hiện là Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Trường THCS Phan Ngọc Hiển, huyện Năm Căn, gây ấn tượng ở đồng nghiệp bởi sự năng động, đầy nhiệt huyết.
Thầy giáo Nguyễn Anh Chung, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Ngọc Hiển, huyện Năm Căn. |
Với chuyên môn Toán - Tin, thầy Chung luôn đem đến niềm vui cho học trò trong mỗi giờ lên lớp. Nhiều công thức, cách tính phức tạp của môn Toán, thầy tìm cách hỗ trợ học trò sao cho dễ hiểu. Có chuyên môn vững, cộng niềm đam mê sáng tạo, thầy có nhiều cơ hội trau dồi kỹ năng, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy.
Ngoài công tác quản lý ở trường, thầy Chung tiếp tục bồi dưỡng học sinh giỏi để tham gia các kỳ thi giải toán trên máy tính, bồi dưỡng Tin học trẻ không chuyên cấp huyện, tỉnh. Với sự nỗ lực không ngừng của thầy, đến nay trường có trên 20 em đoạt giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi Toán, Tin học trẻ không chuyên các cấp. Không những thế, những kinh nghiệm, sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy Toán, Tin học của thầy đã trở thành điểm sáng, được đánh giá cao cấp trường, cấp huyện. Với thầy, đó là động lực để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Ông Trần Như Học, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục huyện Năm Căn, nhận xét: “Cô giáo Lê Thị Vân đạt rất nhiều thành tích trong ngành giáo dục, thành tích lớn nhất đối với cô đó là vượt qua khó khăn, bệnh tật để giữ nghề. Còn thầy giáo Nguyễn Anh Chung, nếu trên bục giảng thầy luôn tận tuỵ với nghề, với trò thì đằng sau bục giảng thầy luôn được sự tín nhiệm cao của tập thể nhà trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mặc dù là hai thế hệ, nhưng ở họ có chung hướng đi, tất cả vì sự nghiệp trồng người”./.
Bài và ảnh: Như Quỳnh