Thực hành tiết kiệm, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, đẩy lùi nghèo khó, đã trở thành phong trào nổi bật mà Chi hội Phụ nữ Ấp 5, xã Tân Thành, TP Cà Mau duy trì thực hiện làm theo gương Bác.
Thực hành tiết kiệm, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, đẩy lùi nghèo khó, đã trở thành phong trào nổi bật mà Chi hội Phụ nữ Ấp 5, xã Tân Thành, TP Cà Mau duy trì thực hiện làm theo gương Bác.
Chị Trần Như Thảo, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thành, cho biết, phong trào thực hành tiết kiệm tại Ấp 5 đã đi vào đời sống, sinh hoạt hằng ngày của từng hội viên, gắn với việc giúp đỡ các hội viên nghèo, khó khăn có thêm điều kiện sản xuất, chăn nuôi, cải thiện kinh tế gia đình bằng chính sức lao động của mình. Thông qua mô hình còn gắn kết tình cảm chị em, chia sẻ lúc khó khăn, hoạn nạn.
Chị Nguyễn Thị Y trao tiền hỗ trợ cho hội viên từ quỹ tiết kiệm tăng dần. |
Nếu trước đây các chị em khó khăn phải vay mượn bên ngoài hay trông chờ từ các nguồn vốn uỷ thác, sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã, thì từ khi có mô hình tổ tiết kiệm tăng dần trong hội viên, các hội viên đã có được nguồn quỹ hội và chủ động hơn trong việc hỗ trợ cho hội viên nghèo có vốn sản xuất, hay những khi ốm đau, hoạn nạn.
Chị Nguyễn Thị Y, Chi hội trưởng Phụ nữ Ấp 5, bộc bạch: "Ban đầu chỉ thành lập được một tổ, qua hoạt động thấy hiệu quả chị em yêu cầu thành lập thêm. Hiện giờ trong ấp đã thành lập được 3 tổ với 82 hội viên tham gia, tổng số vốn tiết kiệm đến nay đã hơn 87 triệu đồng".
Mỗi ngày, mỗi hội viên trong tổ tiết kiệm chỉ 2.000 đồng, bình quân mỗi tổ 1 tháng tiết kiệm trên 1,6 triệu đồng. Qua đó xét cho một chị khó khăn trong tổ vay với mức lãi suất chỉ 1%. Sau 3 tháng hoàn lại vốn, số vốn đó tiếp tục xét thêm cho chị khác vay, và cứ thế số chị em được nhận hỗ trợ sau 3 tháng cứ tăng dần. Ðây cũng là điểm khác biệt so với các mô hình tổ tiết kiệm khác. Phần lãi các chị giữ đó làm quỹ cho tổ để chi thăm hỏi khi ốm đau và các buổi họp hằng tháng.
Từ việc sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, nhiều hội viên đã vươn lên, cuộc sống ổn định, thoát được nghèo.
Trước đây, cuộc sống của hai mẹ con chị Mai Thuỳ Dung thuộc diện khó khăn, không đất, không nghề nghiệp, về ở nhờ trên phần đất của anh ruột, mọi chi tiêu của mẹ con chị Dung chỉ dựa vào số tiền tiết kiệm được của chị (lúc còn làm ở xí nghiêp). Từ khi tham gia vào tổ tiết kiệm, được chị em giúp đỡ cho vay vốn, hai mẹ con mở được cái tiệm tạp hoá nhỏ, mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn đồng. Chị tâm sự: “Hồi mới về đây khó khăn lắm, giờ có cái tiệm mua bán nhỏ, cuộc sống của mẹ con cũng tạm ổn, tích luỹ từ từ".
Chị Hồ Kim Ðịnh cũng có được cuộc sống ổn định từ nguồn vốn này. Chị Ðịnh chia sẻ: “Hồi mới ra riêng, cuộc sống cũng khó khăn, rồi vay được ít vốn của tổ, vợ chồng mua cây cất cái nhà rửa xe, rồi sửa máy lặt vặt, bán nước, trồng rau, trồng cải, hiện giờ cuộc sống cũng tạm ổn, thấy phấn khởi lắm. Hiện tại vợ chồng đang đầu tư nuôi cá trên phần đất 1 ha mà cha mẹ chồng cho".
Từ việc duy trì và thực hiện mô hình tiết kiệm ngày tăng dần có hiệu quả, trong năm 2015, Chi hội Ấp 5 có 4 hội viên phụ nữ thoát nghèo.
Các chị còn duy trì được 2 tổ nắm gạo nghĩa tình. Mỗi tháng các thành viên trong tổ tiết kiệm 10.000 đồng, số tiền trên dùng để mua gạo hỗ trợ cho những chị khó khăn, mỗi tháng có 2 chị nhận, mỗi suất gần 30 kg. Chị em trong tổ còn tiết kiệm từ việc thu gom những vật dụng bỏ đi có thể tái chế lại, đem bán được bao nhiêu thì hỗ trợ cho chị nào khó khăn nhất.
Chị Nguyễn Thị Y cho biết: “Hướng tới sẽ mở thêm vài tổ nữa vì chị em đang có nhu cầu, bởi tính ổn định và hiệu quả".
Ðẩy mạnh việc học tập và làm theo gương Bác, phụ nữ Ấp 5, xã Tân Thành đã và đang có những việc làm thiết thực, hiệu quả. Ðặc biệt là hình thành được ý thức tiết kiệm, thương yêu, đùm bọc nhau góp phần xây dựng quê hương ngày thêm tươi đẹp, xứng đáng hơn với 4 chuẩn mực “Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Ðảm đang” trong thời kỳ mới./.
Bài và ảnh: Hồng Thía