(CMO) Những cơn mưa đầu mùa những ngày qua không chỉ tưới mát cây cỏ mà còn mang lượng lớn nước tự nhiên cho người dân tuyến Chính Chày, ấp Đồng Tâm A, xã Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi), giúp bà con có nguồn nước sạch sử dụng. “Nơi đây, mùa hạn thiếu nước, cây cỏ khô héo, đất đai cằn cỗi, chỉ đến mùa mưa người dân mới có được nguồn nước ngọt để sử dụng. Bà con nơi đây đối mặt với tình trạng thiếu nước quanh năm”, ông Nguyễn Út Thành, người dân nơi đây, bộc bạch.
Ở xã Tân Duyệt, người dân thu nhập chủ yếu từ nuôi thuỷ sản, một số ấp bà con tận dụng bờ liếp, sân vườn trồng thêm hoa màu, nhưng riêng ấp Đồng Tâm A người dân chỉ thu nhập từ nuôi tôm, cua.
Là người dân gắn bó với vùng đất khô cằn này gần trọn cuộc đời, ông Út Thành chia sẻ: “Hơn 20 năm chuyển dịch thì ngần ấy thời gian người dân chịu cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt. Vùng đất này phèn mặn nên nếu khoan cây nước thì cũng không tới được độ ngọt để sử dụng, vì thế, vào mùa mưa, nhà nào cũng tranh thủ chứa nước mưa để sử dụng dần”.
Nhà đông người cộng thêm có người lớn tuổi nên hộ chị Trương Kiều Trang trang bị rất nhiều lu, khạp chứa nước, thậm chí là xây 2 hồ chứa nước mưa (mỗi hồ từ 10-15 m3). Chị Trang cho biết: “Do nhà có trẻ em và người già nên phải trữ nước để nấu ăn và uống. Sợ sử dụng nước phèn chua rồi bị bệnh, lúc đó còn khổ hơn nữa”.
Chị Trang chuẩn bị rất nhiều lu, khạp chứa nước vào mùa mưa để sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày. |
Đó là những hộ có điều kiện, còn những hộ không có điều kiện thì buộc bụng sử dụng nước phèn chua và hàng ngày phải đổi nước bình để nấu ăn, uống với chi phí đắt đỏ.
Ghé thăm các hộ dân trên tuyến kênh Chính Chày, hộ nào cũng than thở rằng có cây nước nhưng nước chua không sử dụng cho nấu ăn được, chỉ sử dụng cho tắm rửa, giặt giũ. Theo các hộ dân nơi đây cho biết, muốn có nước ngọt thì phải khoan độ sâu từ 300-350 m mới tới được độ ngọt, chi phí cho mỗi cây nước hơn 25 triệu đồng. Cũng có những hộ chắt chiu, dành dụm để có số tiền khá lớn để khoan giếng nước với hy vọng có nước để cải thiện đời sống, nhưng rồi khoan tới tiền hết nhưng vẫn chưa tới được mạch nước ngọt. Tình trạng thiếu nước ngọt của người dân trên tuyến kênh này diễn ra hàng năm, các hộ dân phải chịu cảnh khát nước gần 6 tháng mùa khô.
Ông Nguyễn Ngọc Nhịn, Trưởng ấp Đồng Tâm A, trần tình: “Ngoài nuôi tôm, cua ra thì hầu hết các hộ dân trên tuyến này không trồng được hoa màu vì không có nước tưới tiêu, chỉ tới mùa mưa người dân mới xuống giống được. Xã đang triển khai trồng hàng rào cây xanh tạo cảnh quan môi trường để xây dựng xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm nay, nhưng từ khi phát động đến nay, trên tuyến chưa có nhà nào trồng được cây xanh, vì cứ mùa mưa trồng thì tới mùa hạn cây cằn cỗi rồi chết vì thiếu nước tưới”.
Hiện toàn tuyến có trên 110 hộ dân thuộc diện thiếu nước sạch sinh hoạt. Ông Nhịn mong muốn: “Từ trước đến nay chính quyền địa phương đã vận động các hộ dân sử dụng nước tiết kiệm, đồng thời vận động các mạnh thường quân, đoàn thể trao tặng bồn nước cho các hộ khó khăn trên tuyến để bà con có phương tiện chứa nước vào mùa mưa dùng dần qua mùa hạn. Tuy nhiên, về lâu dài thì rất mong các cấp, các ngành quan tâm đầu tư tuyến nước để người dân trên địa bàn có nước sạch sinh hoạt, tưới tiêu cho cây trồng, góp phần ổn định đời sống cho dân, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”./.
Kim Cương