Nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật - mồ côi Nhân Ái (phường Tân Xuyên, TP Cà Mau), không khí tại đây trở nên rộn ràng hơn bởi các em chu đáo chuẩn bị quà tặng là sản phẩm nước rửa chén, thành quả từ lớp dạy nghề được tổ chức hồi tháng 8 vừa qua.
- Tổ chức lớp dạy nghề cho trẻ khuyết tật và mồ côi
- Giúp trẻ khuyết tật hoà nhập cộng đồng
- Kỷ niệm 15 năm thành lập Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật - mồ côi Nhân Ái
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Quản lý trung tâm, phấn khởi chia sẻ, trung tâm kết hợp với Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Hoà Minh Q, Viện Ðào tạo nghề Hoà Minh dạy 18 trẻ làm nước rửa chén. Lớp học đạt hiệu quả hơn mong đợi. Các em tiếp thu tốt và tự tạo ra sản phẩm chất lượng, giá bán ra thị trường 70 ngàn đồng/lít. Ngoài bán lẻ, sản phẩm còn được một công ty thuỷ sản ở TP Cà Mau và một cơ sở kinh doanh ở TP Cần Thơ đặt hàng số lượng lớn.
Chỉ sau 2 tuần học, các em đã có thể tự làm nước rửa chén thiên nhiên đạt chất lượng.
“Ưu điểm của sản phẩm nước rửa chén là chiết xuất từ thiên nhiên: trái bồ hòn, trà xanh, nha đam... không tồn lưu hoá chất, không gây hại môi trường. Do vậy, chúng tôi rất mong sản phẩm của các em sẽ được nhiều người biết đến hơn, nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ nhiều công ty, doanh nghiệp để tăng sản lượng tiêu thụ. Từ đó, các em có thu nhập ổn định hơn, tự nuôi sống bản thân”, bà Nguyệt mong đợi.
Mỗi công đoạn đều được các em chăm chút tỉ mỉ, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Nói về món quà nhân kỷ niệm 15 năm thành lập trung tâm, bà Nguyệt cho biết đó là sự tri ân và minh chứng nghị lực vượt khó của các em.
Ánh lên niềm hy vọng, em Nguyễn Thanh Trường chia sẻ niềm vui qua tin nhắn Zalo (do em là trẻ khiếm thính, không thể giao tiếp bình thường - PV): “Em rất thích làm nước rửa chén, bởi sản phẩm này phục vụ thiết thực đời sống hằng ngày và còn có thể bán để chúng em có thu nhập. Em biết ơn vì các sơ, các thầy cô đã chỉ dạy tận tình. Chúng em mong muốn học thêm kỹ thuật làm các sản phẩm gia dụng khác”.
Bà Nguyệt thông tin: “Mặc dù là trẻ khiếm thính, khó giao tiếp, nhưng với sự chỉ dạy tận tình của thầy cô và sự chịu khó học hỏi, ý chí quyết tâm của các em, lớp kỹ thuật dạy làm nước rửa chén thành công đã tiếp thêm niềm tin cho các em. Do đó, Viện Ðào tạo nghề Hoà Minh tiếp tục hướng dẫn các em làm thêm nước lau sàn, tinh dầu, bào chế mỹ phẩm và chế phẩm tiêu dùng Organic, kỹ thuật viên y học cổ truyền, xoa bóp - bấm huyệt và chăm sóc da... Các em học tập chăm chỉ”.
Hiện tại, sản phẩm được dán tem của Viện Ðào tạo nghề Hoà Minh với dòng chữ: “Sản phẩm của học viên Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật - mồ côi Nhân Ái”, nhưng sắp tới, sản phẩm sẽ có logo thương hiệu riêng của trung tâm, để tiếp cận thị trường tốt hơn.
Hiện tại, trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc gần 70 trẻ mồ côi, khuyết tật, tự kỷ. Ngoài dạy các phần chuyên biệt, văn hoá theo chương trình giáo dục đặc biệt, trung tâm tiếp tục duy trì dạy vi tính, may, thêu, làm hoa...
Tâm huyết và mong trẻ khuyết tật có nghề ổn định, tự nuôi sống bản thân, hoà nhập với xã hội, bà Vũ Thị Tươi, Phó giám đốc trung tâm, vui mừng trước mỗi chuyển biến dù là nhỏ nhất của trẻ: “Chúng tôi mừng vì những tiết học hướng nghiệp, dạy nghề được trẻ đón nhận tích cực. Qua đó, giáo viên đã phát hiện niềm đam mê, năng khiếu, sở trường... của nhiều em. Hy vọng lớn nhất của chúng tôi là được các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho trẻ khuyết tật. 18 trẻ đã học nghề sẽ truyền động lực cho các trẻ còn lại, tự tin, quyết tâm và nỗ lực để vượt lên nghịch cảnh, mở lối tương lai tốt đẹp hơn”.
Gian hàng sản phẩm nước rửa chén được trưng bày tại trung tâm.
Ðào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người khuyết tật được các cấp, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh rất quan tâm. Song song đó, với phương châm “Trao cần câu hơn xâu cá”, các tổ chức, dự án phi chính phủ có nhiều hoạt động hỗ trợ người khuyết tật. Ðây là động lực tạo nên bước chuyển biến trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, giúp người khuyết tật có thu nhập./.
Băng Thanh