Sáng nay (14/8), Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật - mồ côi Nhân Ái (phường Tân Xuyên, TP Cà Mau) kết hợp với Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Hoà Minh Q, Viện đào tạo nghề Hòa Minh khai giảng lớp kỹ thuật làm nước rửa chén cho 18 trẻ đang học tập và nuôi dạy tại Trung tâm. Theo đó, lớp học sẽ diễn ra trong 1 tháng.
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện Công ty TNHH Sản xuất - kinh doanh Hoà Minh Q trao đổi phương thức dạy nghề cho trẻ.
Linh mục Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, Giám đốc Trung tâm bày tỏ niềm vui khi trẻ khuyết tật (hầu hết khuyết tật nghe – nói, gia cảnh khó khăn) được hỗ trợ học nghề để có thu nhập nuôi sống bản thân, không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đặc biệt, lớp học được sự quan tâm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh và 2 đơn vị tài trợ: Trung tâm Phát triển sức khoẻ bền vững (VietHealth), Công ty Cổ phần công nghệ Sava hỗ trợ kinh phí cho trẻ trong thời gian học nghề.
Ths - Dược sĩ Quách Bùi Hồng Minh, Nhà sáng lập hệ thống HomiQ Group, cho biết, lớp kỹ thuật làm nước rửa chén này là lớp đầu tiên tại Cà Mau và đặc biệt hơn là dành cho các em ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật - mồ côi Nhân Ái. Do đó, công ty sẽ không dừng lại đào tạo nghề mà hướng tới thực hiện mô hình sinh kế cho các em. Trong suốt thời gian đào tạo, công ty sẽ dựa trên khả năng tiếp thu của các em để hỗ trợ thêm cho các em kỹ thuật làm các sản phẩm gia dụng khác.
“Mong rằng Công ty Hoà Minh Q và các đơn vị tài trợ sẽ hỗ trợ các con nhiều hơn, hướng đến mục tiêu các con làm nghề và tìm được đầu ra sản phẩm bền vững để cuộc sống tốt hơn và tiếp tục hỗ trợ các nhóm trẻ mới. Trung tâm cần tích cực hỗ trợ giáo viên trong suốt quá trình dạy, giúp các con tiếp cận nhanh bài học hiệu quả nhất”, bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội mong đợi.
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng trẻ tham gia lớp kỹ thuật làm nước rửa chén.
Ngay tại lễ khai giảng, có một doanh nhân đồng ý sẽ hỗ trợ kết nối đầu ra cho các sản phẩm do lớp học tạo ra và sau khi các trẻ ra nghề, tự làm ra sản phẩm. Bà Nguyễn Thu Tư bày tỏ sự cảm kích và mong sẽ được kết nối nhiều hơn với các đơn vị đồng hành, nhất là các tổ chức liên quan đến đối tượng yếu thế để các con học nghề bền vững hơn, có thể hoà nhập cộng đồng./.
Băng Thanh