(CMO) “Ai không sợ cảnh đầu hôm đang ngủ trên giường đàng hoàng, tự dưng nửa đêm nguyên cả nhà và người trôi tuột xuống sông. Nhưng sợ rồi thì sao, cuộc sống mưu sinh vẫn phải gắn bó với bờ sông, bờ biển. Bỏ đi rồi lấy gì mà ăn”, lời trần tình rất thật của chị Tô Thị Quyên (Khu vực 1, Khóm 2, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn), người có kinh nghiệm sống cùng sạt lở hàng chục năm ở xứ này.
Do sạt lở hàng năm, người dân xây cất nhà cửa tạm bợ để làm cơ sở mua bán ven sông. |
Dẫn tôi đến căn nhà sau, đoạn mà chị nói cách đây 4 ngày giật ra hơn 5 tấc, rồi cách đó khoảng 5 tấc thì căn nhà tường kiên cố của chị cũng lún xuống hơn 5 tấc nữa. Chị bảo: “Năm nay mới đầu mùa mà nó giật như vậy là căng rồi đó. Nhà tôi cũng khá kiên cố mà còn bị vậy, những nhà tạm bợ khác coi như xong”. Nhà chị Quyên làm nghề cân cua nên thường giao dịch, mua bán phải theo cảnh trên bến dưới thuyền. Dù biết rủi ro, nhưng chị vẫn chấp nhận vì nếu dời đi nơi khác thì làm nghề gì để sống đây.
Cách đó không xa là tiệm tạp hoá Cô Hen, dãy này không chỉ “bà Thuỷ” quấy rầy mỗi năm, mà năm rồi còn bị “bà Hoả” viếng thăm, nên tình hình khá bi đát. Anh Nguyễn Thanh Kết, quản lý tiệm tạp hoá, cho hay: “Dù biết là sống ở đây rủi ro rình rập hàng ngày, nhưng biết đi đâu khi đất đai ngày càng đắt đỏ. Nếu tìm nơi hẻo lánh để ở cho an toàn thì việc mua bán sẽ khó lòng, đành chọn giải pháp “chịu đấm ăn xôi”. Tuy nhiên, người dân chúng tôi bị nhiều lần nên kinh nghiệm cũng đầy người rồi, đồ đạc giá trị lớn thì cất phía sau, đề phòng rủi ro sạt lở bất cứ lúc nào. Mỗi năm có một mùa sạt lở cao điểm, qua rồi thì ổn”.
Sống chung với sạt lở riết người dân nơi đây đều có kinh nghiệm đầy mình, từ việc sửa chữa nhà cho đến dự đoán tình hình sạt lở. Chủ xưởng tiện Văn Khén (Khóm 8) nói chắc nịch: “Mỗi năm lo nhất khoảng thời gian mùng 5, hoặc ngày 20, 21/4, rồi mùng 5/5 âm lịch. Những ngày này mà gặp mưa đêm nữa thì khỏi ngủ. Vì nếu lỡ ngủ quên, sáng sẽ thấy mình và nhà chơ vơ dưới sông. Mà cũng ngộ, hễ chu kỳ 7 năm 1 lần nó quay lại làm 1 vụ nặng lắm, nên nhà nào bị sạt nguyên căn xuống sông rồi thì 7 năm sau sẽ đến nhà kế bên”.
Người dân Khóm 8, thị trấn Năm Căn từng chịu cảnh sạt lở cả căn nhà xuống sông và họ cũng có kinh nghiệm trong cất nhà. Ðó là giữa 2 căn nhà không bao giờ cất liền nhau, mà giữ một khoảng cách nhất định để “nhỡ” có đi thì đi 1 cái thôi. Anh Khén trần tình: “Hồi đó người dân còn hoang mang, chớ giờ kinh nghiệm đầy người rồi. Lở thì mặc lở, lở rồi cất lại buôn bán tiếp, chớ đi đâu bây giờ. Khu vực này đa số làm nghề hàn, tiện, sửa chữa máy móc nên phải sống nhờ mé sông. Ðược cái là chính quyền địa phương cũng nhanh chóng cảnh báo và ứng cứu người dân, hễ nghe đâu báo rung, lắc hoặc sạt lở là các lực lượng đến kịp thời, dù là ban đêm”.
Phó chủ tịch UBND huyện Năm Căn Trần Ðoàn Hùng trăn trở: “Là vùng đất trẻ, gần biển, nền đất yếu nên sạt lở là quy luật tự nhiên rồi. Có điều về mặt quản lý, làm sao hạn chế thấp nhất rủi ro cho người dân. Tốc độ sạt lở nhanh theo tốc độ đô thị hoá. Nhà trên sông người dân xây dựng kiên cố, chính điều này một phần đẩy nhanh thêm quá trình sạt lở. Huyện đã đề xuất tỉnh cho chủ trương đầu tư xây dựng kè một số tuyến chính. Tuy nhiên, cơ bản vẫn là tuyên truyền, vận động người dân để hạn chế tối đa thiệt hại. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên, liên tục quan trắc để phát hiện những điểm sạt lở mới, những điểm cũ thì tăng cường tuyên truyền và cắm biển cảnh báo để người dân có cơ sở bảo vệ tài sản, tính mạng của gia đình”.
Tại Cà Mau nói chung, thị trấn Năm Căn nói riêng, sạt lở là nỗi lo chung. Tuy nhiên, điều bất ngờ là người dân giờ không trong tâm thế lo lắng hay sợ hãi nữa, mà họ đã "cam tâm" chấp nhận và tìm mọi biện pháp để sống chung với nó. "Chịu đấm ăn xôi" là câu cửa miệng của họ, vì chén cơm manh áo mà họ khắc chế thiên tai bằng cách này hay cách khác.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Năm Căn đã xảy ra 17 vụ sạt lở đất ven sông, uớc thiệt hại khoảng 460 triệu đồng, không có thiệt hại về người. Tổng chiều dài các vụ sạt lở khoảng 320,5 m, làm thiệt hại 90,5 m lộ nông thôn; sạt lở hoàn toàn 1 căn nhà dân; ảnh hưởng 4 căn nhà và một số công trình phụ khác gồm: 1 cống xổ vuông tôm, 6 bể ương tôm, cua giống. Các vụ sạt lở xảy ra nhiều tại những tuyến sông lớn, nơi có dòng chảy mạnh trên địa bàn thị trấn Năm Căn và các xã: Hàng Vịnh, Hiệp Tùng, Ðất Mới, Tam Giang... Trong năm 2021, qua rà soát, đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn thống kê có khoảng 25 điểm nguy cơ sạt lở cao, cần được cắm biển cảnh báo với chiều dài 50 km, số lượng dự kiến cắm biển cảnh báo là 54 biển. |
Huệ Như