(CMO) Những ngày cận Tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, đặc biệt từ 25-30 tháng Chạp. Theo ghi nhận, từ ngày 29 Tết, bắt đầu xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài tại các điểm chợ: Phường 7, Phường 8 (TP. Cà Mau), gây khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa và mua sắm của người dân. Cao điểm xảy ra kẹt xe nhất là từ 7-10 giờ và 17-21 giờ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kẹt xe, trong đó, nguyên nhân chính là do tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường và người mua sắm chạy thẳng xe vào chợ gây ra tình trạng lộn xộn. Chị Nguyễn Thị Lệ, Phường 7, TP. Cà Mau, bức xúc: “Giữ xe đi chợ rất tiện mà nhiều người vừa chạy xe vừa mua đồ nên người bán mới bày ra lề đường để tiện bán cho khách. Hôm nay kẹt xe như thế này tôi đi bộ còn không có chỗ chen nữa”.
Kẹt xe kéo dài tại đoạn đường Phan Bội Châu, Phường 7, TP. Cà Mau. |
Nhiều vụ kẹt xe nghiêm trọng kéo theo cả một hệ thống các trục đường lân cận bị ùn tắc theo. Chợ Phường 7, TP. Cà Mau có 3 điểm giữ xe, thế nhưng, trong những ngày cận Tết, trung bình một ngày, mỗi điểm giữ xe chỉ giữ từ 60–70 chiếc. Với thói quen “mua đồ đến đâu, chạy xe đến đó”, nên các điểm giữ xe phục vụ mua sắm Tết vẫn vắng im lìm.
Anh Trần Văn Thắng, chủ điểm giữ xe Chợ bách hóa Cà Mau, Phường 7, TP. Cà Mau, cho biết: “Gần Tết năm nào cũng xảy ra tình trạng kẹt xe, nhưng năm nay người dân làm ăn không thuận lợi lắm nên họ đi mua sắm Tết trễ hơn những năm trước. Vì vậy, từ 28-29 Tết, người dân mới đổ xô đi mua sắm, gây ùn tắc trong chợ nghiêm trọng”.
Điểm giữ xe Chợ bách hóa Cà Mau ngày Tết vẫn như ngày thường. |
Đằng sau vấn đề kẹt xe là sự thiếu ý thức của người kinh doanh và cả người tham gia giao thông; hạn chế của hạ tầng chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của mạng lưới chợ và nhu cầu giao thương của người dân. Vì vậy, nên chăng tăng cường sự kết hợp giữa lực lượng quản lý địa bàn với cảnh sát giao thông thường xuyên tuần tra, nhắc nhở những điểm buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, hạn chế tình trạng kẹt xe trong những ngày Tết./.
Bài và ảnh: Thảo Mơ