Khoa học đã chứng minh, thể trạng của người già và trẻ nhỏ rất dễ bị tổn thương về hệ tiêu hoá bởi sức đề kháng yếu. Nhất là đối với người cao tuổi, sự suy giảm của hệ miễn dịch càng làm cho họ có nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh về đường tiêu hoá hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ nếu chọn lựa thực phẩm không an toàn.
Thực trạng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán tràn lan ở các chợ càng làm cho nguy cơ ngộ độc phẩm thêm tăng cao. Thế nhưng, việc lựa chọn thực phẩm thế nào được xem là an toàn cho người cao tuổi là vấn đề không đơn giản đối với người nội trợ trong gia đình.
Chị Trần Mộng Trinh, 38 tuổi ở ấp Kênh Giữa, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời là giáo viên mầm non, hằng ngày ngoài giờ đứng lớp, chị còn phải làm công việc nội trợ, chăm lo bữa ăn cho bố mẹ già trên 70 tuổi và hai con nhỏ. Sau giờ tan tầm chị còn phải tranh thủ ghé chợ để chọn mua thực phẩm. Dù không có nhiều thời gian trong ngày, nhưng bao giờ việc chọn lựa thực phẩm để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ gia đình cũng được chị Trinh ưu tiên. Bởi chị biết, chỉ cần đại khái, qua loa trong việc chọn lựa nguồn thực phẩm sẽ phải trả giá bằng chính thời gian lao động, sức khoẻ và tiền bạc của gia đình mình.
Việc chọn lựa thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ, có kiểm định chất lượng sẽ góp phần làm giảm nguy cơ ngộ độc, đảm bảo sức khoẻ cho gia đình. (Ảnh minh hoạ)
Chị Trinh chia sẻ: “Ở đây vườn rau nào được trồng và chăm bón bằng phân hữu cơ, không sử dụng hoá chất tôi đều biết, nên tôi thường đến đó để chọn mua. Còn thực phẩm tươi sống phần lớn là tôi mua trong các siêu thị có dấu kiểm định chất lượng của cơ quan chuyên môn, không có chất bảo quản, tẩm ướp hoặc dư lượng kháng sinh. Thông thường tôi chỉ mua tôm, cá của người dân khi họ vừa đánh bắt được ven theo sông rạch, vẫn còn tươi sống…”.
Ngoài ra, ở gia đình chị Trần Mộng Trinh còn tranh thủ trồng thêm nhiều luống rau sạch, nuôi cá đồng theo chân ruộng lúa, chăn nuôi gà, vịt bằng lúa gạo để thu hoạch trứng và thịt vừa cải thiện bữa ăn cho gia đình đủ dinh dưỡng, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm.
Có thể nói, việc chọn lựa thực phẩm cho bữa cơm gia đình rất quan trọng, nhất là đối với những gia đình có trẻ nhỏ và người cao tuổi, đòi hỏi người nội trợ phải có kiến thức khoa học. Ở những vùng nông thôn, nếu điều kiện cho phép thì người dân có thể tự trồng những loại rau củ thông thường hoặc chăn nuôi các loại gia cầm, cá làm thực phẩm. Ở những vùng đô thị hoặc những hộ gia đình không có điều kiện, việc chọn lựa thực phẩm sạch tại các chợ, cửa hàng tự chọn là rất cần thiết.
Thực tế đã chứng minh, chế độ ăn uống hợp lý kết hợp với cuộc sống sinh hoạt lành mạnh chính là phương pphasp bảo vệ sức khoẻ tốt nhất, đặc biệt đối với nhóm người cao tuổi. Các loại thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, xuất xứ luôn có rất nhiều dư lượng chất béo, muối và đường sẽ làm hưởng đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Cụ thể, chất béo trong thực phẩm có liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt, ruột kết và tuyến tuỵ. Các bệnh thoái hoá xương khớp và tiểu đường cũng đều có liên quan đến chế độ ăn uống.
Các loại rau, củ nếu không được chọn lựa cẩn thận sẽ có nguy cơ bị ngộ độc do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản… (Ảnh minh hoạ)
Theo bác sĩ Đinh Thị Nguyên, Trưởng khoa Dinh dưỡng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau: “Ngày càng có nhiều loại thực phẩm bẩn trong bếp ăn gia đình của người dân, nhất là đối với vùng thành thị khi điều kiện tự sản xuất không có. Trong khi đó, việc nhận biết nguồn gốc của các loại thức ăn, thực phẩm có chứa chất bảo quản hoặc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng đường, muối, chất kháng sinh… là điều rất khó khăn. Cũng từ đó, nhiều căn bệnh có liên quan đến thực phẩm đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong cộng đồng. Do vậy, việc lựa chọn những loại thực phẩm thay thế cho bữa ăn an toàn, đầy đủ chất dinh dưỡng, không có chất bảo quản, nhằm tăng cường sức khoẻ là phương pháp hữu hiệu để phòng ngừa những căn bệnh từ thực phẩm gây nên”.
Phương Vũ