Thực phẩm luôn là nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể ổn định và phát triển. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên biết tự trang bị cho mình những kiến thức bổ ích trong việc chọn lựa thực phẩm như thế nào được xem là đúng cách, an toàn để mang lại nhiều lợi ích tối ưu cho sức khoẻ.
Mô hình trồng màu không sử dụng thuốc hoá học, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng công nghệ sinh học đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng đang được nhân rộng. (Ảnh minh hoạ)
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thực phẩm giàu chế độ dinh dưỡng, ít chất béo nhưng lại khá hữu ích, giúp cho cơ thể luôn được thanh lọc, khoẻ mạnh thông qua chế độ ăn uống lành mạnh như: các loại rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít chất béo. Ngoài ra, một số loại thực phẩm sẽ cung cấp đầy đủ protein mà cơ thể cần thiết như các loại thịt nạc (heo, bò, dê…), thịt gia cầm, cá và trứng. Tuy vậy, trên thực tế không phải loại thực phẩm nào khi được bày bán trên thị trường cũng đều có lợi cho sức khoẻ, nếu việc bảo quản không đúng cách, không hợp vệ sinh, hoặc thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm có chứa quá nhiều chất bảo quản, chất tẩm ướp. Do nhiều người tiêu dùng hiện nay vẫn còn khá dễ dãi trong quá trình chọn lựa thực phẩm, nên nguy cơ ngộ độc cấp tính, làm tổn thương gan với các triệu chứng dễ nhận biết ngày càng phổ biến. Thông thường, hầu hết các trường hợp sau khi bị ngộ độc, tuỳ theo các tác nhân gây bệnh, mà các chất độc hại đó có thể tích tụ lại ở một số cơ quan trong cơ thể của người với thời gian ủ bệnh rất lâu, về sau mới bộc phát và gây tổn hại đến các tế bào quan trọng, trong đó có cả hệ tế bào thần kinh, thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến hệ sinh sản như: yếu sinh lý, vô sinh hoặc thai nhi bị dị dạng… Đối với trẻ nhỏ, nhất là những trẻ đang bị còi xương, suy dinh dưỡng, người già, người thường hay bị ốm đau thì nguy cơ gây ra những cơn “địa chấn” về bệnh tật do di chứng của tình trạng ngộ độc thực phẩm còn diễn biến phức tạp hơn nhiều.
Việc chọn lựa nguồn thực phẩm tươi sống cho bữa ăn gia đình sẽ tốt hơn cho sức khoẻ người tiêu dùng. (Ảnh minh hoạ)
Ông Hoàng Lý Tưởng, Chi cục trưởng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau, cho rằng: “Các mối nguy cơ cao gây ra ngộ độc từ sinh học, hoá học trong thực phẩm hiện nay đang được đánh giá là tác nhân chính dẫn đến tình trạng ngộ độc cấp tính cho người tiêu dùng như: vi sinh vật gây bệnh, độc tố tự nhiên, dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc thú y (thuốc có nhiều kháng sinh, chất tăng trọng dùng trong chăn nuôi), các chất phụ gia thực phẩm sử dụng quá liều lượng cho phép… Ngoài ra, hiện tượng tích luỹ độc trong cơ thể lâu dần cũng sẽ gây ra tình trạng ngộ độc mạn tính bên cạnh mối nguy hại xuất phát từ trong quá trình sản xuất, nuôi trồng, bảo quản, vận chuyển lưu thông hàng hoá trên thị trường và kể cả trong việc chế biến, sử dụng”.
Có thể nói, tình trạng ngộ độc thực phẩm hiện nay khá phức tạp với nhiều mức độ khác nhau, rất khó để chẩn đoán chính xác. Một trong những nguyên nhân khiến cho hiện tượng này ngày càng khó kiểm soát hơn là do các ngành chức năng chưa có cơ chế phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong công tác quản lý và giám sát một cách có hiệu quả, trong khi người tiêu dùng chưa ý thức tốt việc nên lựa chọn thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch, các loại thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đã được cơ quan chuyên môn kiểm tra, đánh giá chất lượng.
Chị Phạm Hồng Ngân, ngụ Khóm 2, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, chia sẻ: “Trước đây, do ở địa phương chưa có hệ thống cung ứng thực phẩm tươi, sạch theo đúng tiêu chuẩn, nên ngoài việc tự trồng rau, nuôi cá tại nhà, tôi cũng chỉ biết ra chợ thị trấn mua thực phẩm tại các sạp hàng của hộ tiêu thương phục vụ cho bữa ăn gia đình. Mà thật tình bản thân tôi cũng không biết các loại thực phẩm đó có nguồn gốc, xuất xứ từ đâu. Bây giờ nhờ có chuỗi cửa hàng thương mại trên địa bàn, nên việc chọn lựa những loại thực phẩm thiết yếu cho gia đình, tôi cũng yên tâm hơn trước nhiều”.
Việc chọn lựa thực phẩm sạch, an toàn vệ sinh không những giúp người tiêu dùng yên tâm hơn trong quá trình sử dụng, mà còn bảo vệ sức khoẻ cho chính bản thân mình và người thân trong gia đình, cải thiện môi trường sống trong lành hơn do việc hạn chế sử dụng những loại thực phẩm bị nhiễm bẩn hoặc nhiễm các chất độc hại trong quá trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản và chế biến.
Phương Vũ