(CMO) Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau về tình hình chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh, sáng ngày 26/6.
Tham gia Đoàn công tác Chính phủ về làm việc tại Cà Mau có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Lãnh đạo tỉnh dự có đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Lê Văn Sử, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo những nội dung trọng tâm trong thực hiện công tác chống khai thác IUU trong thời gian tới. Buổi làm việc diễn ra tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.
Tỉnh Cà Mau hiện có 4.148 tàu cá, với 1.515 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên; sản lượng khai thác thủy sản trung bình mỗi năm khoảng 230.000 tấn. Tỉnh có 5 cảng cá do Nhà nước đầu tư, quản lý và đang hoạt động, trong đó có 2 cảng cá loại II.
Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nêu thực tế: Việc sang bán tàu cá không khai báo, không thực hiện thủ tục đăng ký lại với cơ quan có thẩm quyền, nhất là sang bán ra ngoài tỉnh, dẫn đến công tác quản lý, điều tra, xác minh đối với các hành vi vi phạm gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể như từ đầu năm đến nay, địa phương tiếp nhận thông tin 2 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Tuy nhiên, qua xác minh bước đầu xác định được các phương tiện này đã bán cho người dân thường trú tại tỉnh Kiên Giang từ năm 2022 nhưng chưa thực hiện thủ tục sang tên. Từ thực tế này dẫn đến nhận định tình hình tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài có xu hướng giảm nhưng thực tế thì vẫn còn diễn biến phức tạp.
Từ thực tế như nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, ban hành quy định thời gian cụ thể về thực hiện trách nhiệm, thủ tục dân sự trong mua bán tàu cá, chuyển đổi hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng thành viên Đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh khảo sát, kiểm tra tiến độ xây dựng cầu sông Ông Đốc tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Đây là công trình trọng điểm trong trục hành lang kinh tế biển Đông Tây, được kỳ vọng đưa thị trấn Sông Đốc phát triển nhanh, xứng tầm là 1 trong 3 đô thị động lực của tỉnh.
Về kết quả thực hiện IUU, theo báo cáo của tỉnh cho thấy việc cập nhật dữ liệu tàu cá vào phần mềm VN-Fishbase và Hệ thống giám sát tàu cá trên địa bàn đến nay đạt 100%; 100% tàu cá xuất, nhập bến được các Trạm kiểm soát Biên phòng và Văn phòng IUU đặt tại 2 cảng cá chỉ định (Sông Đốc và Rạch Gốc) được kiểm soát chặt chẽ; theo dõi, giám sát 24/7 tại Hệ thống giám sát tàu cá; thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản theo quy định; không có hồ sơ sai sót phải xác minh, giải trình…
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đến tìm hiểu hoạt động của Văn phòng IUU tỉnh được đặt tại Cảng cá Sông Đốc và trao quà cho đơn vị.
Với quyết tâm rất cao và luôn chủ động trong thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, Cà Mau tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, kiểm soát tàu cá.
Nổi bật, tỉnh ứng dụng phần mềm quản lý liên thông kiểm soát tàu cá, liên thông tất cả cảng cá, Văn phòng IUU và Trạm kiểm soát Biên phòng trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để các lực lượng chức năng kiểm soát tàu cá, thống kê, báo cáo.
Cùng với đó, địa phương cũng đi đầu trong ứng dụng Bảng dữ liệu Excel Online trên nền tảng Google Sheets để các địa phương báo cáo, lưu trữ thông tin các tàu cá hết hạn đăng ký, đăng kiểm, tàu cá mất tín hiệu kết nối từ 10 ngày trở lên, tàu cá nằm bờ,...
Qua đó, tạo được cơ sở dữ liệu để Ban Chỉ đạo IUU tỉnh, huyện kiểm tra, chỉ đạo khắc phục kịp thời các hạn chế trong công tác IUU.
Tuy nhiên, tỉnh cũng thừa nhận, hiện 2 phần mềm này đang trong giai đoạn hoàn thiện, còn thiếu nhiều tính năng. Cụ thể là việc cảnh báo tàu cá trùng hải trình, tàu cá đứng yên trong thời gian dài, tích hợp nhật ký khai thác, khu vực cấm khai thác trong hệ thống giám sát tàu cá chưa hoàn thiện.
Tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ hoàn thiện phần mềm, từ đó nhân rộng việc áp dụng tại các tỉnh.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm và tìm hiểu hoạt động của Trạm Biên phòng Sông Đốc, nhất là trong công tác kiểm soát chống khai thác IUU.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm Hải đội Biên phòng 2 (Bộ đội Biên phòng Cà Mau).
“Công tác xác minh, chứng minh để xử lý, xử phạt tàu cá khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài gặp nhiều khó khăn, do không có văn bản hoặc bản án chính thức từ nước bắt giữ. Kiến nghị Bộ Ngoại giao đề nghị cơ quan chức năng của các nước có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, chứng cứ để làm cơ sở cho lực lượng chức năng củng cố hồ sơ, xử lý vi phạm theo quy định”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nêu và kiến nghị, đồng thời cho biết trang thiết bị, phương tiện tại địa phương còn nhiều hạn chế đã ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật trên biển.
Về hạ tầng, Cà Mau kiến nghị hỗ trợ kinh phí khoảng 749 tỷ đồng để đầu tư cảng cá phía bờ Nam Sông Đốc, vì thực tế cảng bờ Bắc Sông Đốc không còn khả năng mở rộng và đang có dấu hiệu quá tải.
Tỉnh cũng kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến hỗ trợ kinh phí và thủ tục trong thực hiện các bước đầu tư các dự án ứng phó biến đổi khí hậu đang gây tác động ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn, mà cụ thể là các công trình đê, kè hộ đê…
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm hỏi đời sống, tình hình khai thác hải sản của bà con ngư dân Sông Đốc và tặng quà cho bà con nhân chuyến về làm việc tại địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang mong muốn bà con ngư dân nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm các quy định trong khai thác, góp phần nâng cao uy tín, tăng giá trị cạnh tranh của sản phẩm thuỷ sản Việt Nam, nâng cao thu nhập và đời sống của chính bà con.
Đối với các cấp chính quyền, cần tăng cường hơn nữa trong kiểm soát, thực thi nghiêm minh các quy định của pháp luật trong khai thác hải sản, nhất là đối với những nội dung được EU khuyến cáo theo IUU.
Phó Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương rất quan tâm và đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt các giải pháp trong khai thác hải sản theo IUU và thật sự từng bước có chuyển biến tích cực”.
“Đã làm tốt, cần làm tốt hơn nữa, để nền khai thác hải sản của Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng thật sự phát triển ổn định, bền vững, hội nhập tình hình chung của thế giới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.
Trần Nguyên - Chí Diện