(CMO) “Thẻ vàng đã gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước ta và đồng thời gây ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân; đặc biệt ảnh hưởng đến uy tín của ngành thủy sản Việt Nam và hình ảnh quốc gia trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập sâu rộng trong khu vực và quốc tế. Do đó, không thể để tình trạng này kéo dài. Chúng ta phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, có như thế mới sớm gỡ cảnh báo của EC”, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, tại Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), sáng ngày 20/9.
Đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cà Mau.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, tham luận tại hội nghị.
Bộ NN&PTNT cho biết, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, phía EC đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam. Đến nay, tổng số tàu cá của Việt Nam khoảng 91.700 chiếc. Trong đó, số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu đạt 96,5%. Ban Chỉ đạo Quốc gia đã tổ chức triển khai nhiều giải pháp thực hiện theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển.
Tính đến tháng 9/2022, công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá đạt 95,27%. Cà Mau cùng với các tỉnh: Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng… là các địa phương thực hiện có kết quả cao công tác này.
Thời gian qua, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; đặc biệt là tại các khu vực vùng biển trọng điểm. Nhiều địa phương đã tổ chức thực hiện về chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản theo quy định, cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Công tác xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác IUU tiếp tục được tăng cường; một số tỉnh đã tăng cường xử phạt như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận…
Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt là tại các khu vực vùng biển trọng điểm rất hiệu quả. Ảnh: Tàu tuần tra của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 hoạt động xuyên suốt trên vùng biển Tây Nam.
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng chỉ rõ, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việc rà soát, đăng ký, đăng kiểm tàu cá, việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá, kiểm soát sản lượng khai thác, truy xuất nguồn gốc tại nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác triển khai Hệ thống giám sát tàu cá để giám sát hoạt động của tàu cá trên biển, xử lý các hành vi khai thác IUU còn nhiều bất cập,…
Mặt khác, việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, đặc biệt là tại các cảng cá còn nhiều hạn chế, so với sản lượng hải sản khai thác 3,67 triệu tấn năm 2021 thì cả nước mới kiểm soát được khoảng 15-18%. Trong khi đó, theo quy hoạch, Việt Nam xây dựng 125 cảng cá với công suất đảm bảo bốc dỡ 1,92 triệu tấn, tuy nhiên đến nay mới bố trí được 18,5% tổng nhu cầu nguồn vốn. Mặc dù đã đầu tư cho 83/125 cảng nhưng các tiêu chí, hạng mục được đầu tư chưa đảm bảo. Hiện mới công bố mở 76 cảng và chỉ định 53 cảng cá đủ điều kiện xác nhận thủy sản và 61 cảng cho tàu cá vùng khơi cập cảng.
Việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, đặc biệt là tại các cảng cá còn nhiều hạn chế. (Ảnh: Cảng cá Rạch Gốc)
Tham luận tại hội nghị, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho hay, hiện nay tỉnh Cà Mau có 3.952 tàu cá với tổng công suất 615.357 KW, tỷ lệ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên đang hoạt động được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá theo quy định đạt 100%. Mặc dù tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, tuy nhiên tình trạng vi phạm vẫn còn xảy ra. Từ đầu năm 2022 đến nay có 6 tàu cá/45 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ; 1 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài do Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện, bắt giữ và bàn giao cho UBND tỉnh xử lý, nguyên nhân chủ yếu do lợi ích kinh tế.
Dịp này, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau kiến nghị: “Đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các văn bản pháp quy. Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển vùng giáp ranh tăng cường các đợt công tác cao điểm tuần tra, kiểm soát; thúc đẩy đàm phán, đối thoại nhằm sớm phân định đối với các vùng biển chồng lấn, vùng nước lịch sử với các nước có liên quan. Kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu và chứng cứ xác minh vụ việc tàu cá Cà Mau bị nước ngoài bắt giữ, xử lý để tỉnh có cơ sở xử lý”.
Với đội tàu hơn 3.900 chiếc, Cà Mau đã hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các tàu cá thuộc diện bắt buộc theo quy định, đây là nỗ lực rất lớn của địa phương có ngư trường khai thác trọng điểm của quốc gia.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị, người đứng đầu các Bộ, ban, ngành Trung ương có liên quan và 28 tỉnh, thành phố ven biển phải tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp chống khai thác IUU. Các địa phương phải triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình, đề án về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ và các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương lập danh sách, khoanh vùng đối tượng, nắm chắc địa bàn để theo dõi, quản lý chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá có biểu hiện nghi vấn tổ chức đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản theo quy định. Tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển./.
Phong Phú