(CMO) Ðánh giá đây là một trong những lĩnh vực vẫn còn thất thu thuế, thời gian qua ngành thuế luôn đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh lĩnh vực thương mại điện tử (TMÐT), bán hàng Online, kịp thời đưa vào diện thu thuế, chống thất thu ngân sách cũng như đảm bảo công bằng, minh bạch trong hoạt động kinh doanh.
Thực hiện Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 23/8/2018 của UBND tỉnh về việc triển khai các giải pháp quản lý, khai thác nguồn thu và chống thất thu trên địa bàn tỉnh Cà Mau (Kế hoạch 97), Cục Thuế đã chỉ đạo các phòng và chi cục thuế khu vực phân tích, đánh giá tình hình thuận lợi, khó khăn và đề ra giải pháp thực hiện, trong đó, đặc biệt lưu ý chống thất thu trên lĩnh vực TMÐT.
Xác định đây là lĩnh vực khó, Cục Thuế đã chủ động phối hợp với nhiều sở, ngành để trao đổi, nắm bắt thông tin. Trong đó, phối hợp với Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước, Sở Công thương, Sở TT&TT... trao đổi về công tác quản lý của mỗi ngành, trao đổi về các nội dung yêu cầu cung cấp, phương thức cung cấp thông tin... Cục Thuế còn chỉ đạo các chi cục thuế khu vực phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan rà soát hộ, cá nhân trên địa bàn quản lý có hoạt động kinh doanh TMÐT, bán hàng online; chỉ đạo rà soát cá nhân có hoạt động TMÐT trên sàn giao dịch của tổ chức kinh doanh TMÐT theo danh sách của Tổng cục Thuế tổng hợp.
Qua kết quả rà soát trên địa bàn cho thấy, số lượng hộ, cá nhân có hoạt động TMÐT, bán hàng qua mạng khá nhiều nhưng số tiền giao dịch không lớn, không đến mức chịu thuế, hầu hết kết hợp với mua bán theo phương thức truyền thống. |
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành thuế, công tác thu thập thông tin trên lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Bé, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết: “Hoạt động TMÐT và bán hàng online đa số không đăng ký kinh doanh; địa chỉ kinh doanh không đúng thực tế; thông tin định danh đăng ký trên sàn TMÐT khác với thực tế. Nhiều cá nhân chưa đến làm việc theo giấy mời. Nhiều trường hợp chưa xác định được địa chỉ tạm trú; hộ, cá nhân không còn hoạt động… dẫn đến công tác rà soát chậm, kéo dài. Bên cạnh đó, hoạt động bán hàng online có đặc điểm ảo, khó kiểm chứng thông tin nhận dạng, người bán dễ dàng xoá bỏ, thay đổi thông tin… từ đó, khó xác định chính xác người nộp thuế, doanh thu tính thuế”.
Ngoài ra, hoạt động giao nhận hàng hoá đóng gói có quy định về giao nhận của cơ quan chuyên ngành, do đó cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc kiểm tra hàng hoá tại các kho hàng hoặc phương tiện vận chuyển hàng hoá của đơn vị chuyển phát hàng hoá khi chưa có cơ sở xác định hàng hoá gian lận, trốn thuế.
Qua kết quả rà soát đối với cá nhân có hoạt động TMÐT trên sàn giao dịch của tổ chức kinh doanh TMÐT theo danh sách của Tổng cục Thuế, các giao dịch có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên/năm có 45 cá nhân. Trong đó, còn hoạt động 28 trường hợp, có 5 trường hợp đã kê khai thuế với số tiền thuế là 17,2 triệu đồng, còn 23 trường hợp đang kê khai. Không hoạt động, chưa liên hệ được 17 trường hợp; chi cục đang tiếp tục phối hợp với cơ quan công an xác định nơi ở hiện tại của các trường hợp không còn hoạt động, các trường hợp chưa liên hệ được tiếp tục mời làm rõ.
Còn đối với trường hợp có doanh số giao dịch dưới 100 triệu đồng/năm, ngành thuế đang tiếp tục liên hệ ngân hàng cung cấp sao kê để xác định ngoài doanh số giao dịch theo danh sách của Tổng cục Thuế có các giao dịch khác không.
Ông Nguyễn Văn Bé đánh giá: “Qua kết quả rà soát trên địa bàn cho thấy, số lượng hộ, cá nhân có hoạt động TMÐT, bán hàng qua mạng khá nhiều nhưng số tiền giao dịch không lớn, không đến mức chịu thuế, hầu hết kết hợp với mua bán theo phương thức truyền thống. Qua kiểm tra cũng cho thấy, việc nắm bắt thông tin còn nhiều khó khăn, do công tác phối hợp giữa Cục Thuế và các ngành có liên quan trong công tác chống thất thu thuế hoạt động TMÐT còn nhiều hạn chế. Bởi một số nội dung phối hợp cung cấp thông tin vướng với quy định bảo mật của các ngành và do chưa có quy chế phối hợp cụ thể”.
Trước những khó khăn đó, để tăng cường chống thất thu trên lĩnh vực này, ngành thuế đã và đang tiếp tục đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, triển khai đề án chống thất thu hoạt động kinh doanh TMÐT, thành lập ban chỉ đạo, tổ triển khai. Phối hợp với Sở Công thương, Sở TT&TT, Cục Công nghệ thông tin của Tổng cục Thuế đề nghị hỗ trợ cung cấp danh sách các website, tài khoản của tổ chức, cá nhân có hoạt động TMÐT trên mạng.
Ðồng thời, phối hợp Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán. Phối hợp với Bưu điện tỉnh, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Chi nhánh Cà Mau, các doanh nghiệp bưu chính, các công ty chuyển phát... cung cấp thông tin vận chuyển hàng hoá. Phối hợp với cơ quan công an xã, phường, thị trấn để xác định đầy đủ thông tin về nhân thân, nơi cư trú... của cá nhân có hoạt động kinh doanh TMÐT. Chuyển hồ sơ cho cơ quan công an đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh TMÐT có dấu hiệu trốn thuế.
Ðối với bán hàng online, bên cạnh việc tuyên truyền cho mọi người được biết hoạt động bán hàng trực tuyến phải kê khai, nộp thuế, ngành thuế sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, tập trung chọn những đối tượng có doanh thu cao để làm thí điểm, rút kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Văn Bé cho hay: “Ngành thuế sẽ chỉ đạo các lĩnh vực chống thất thu theo Kế hoạch 97 phải tổ chức triển khai đầy đủ, có hiệu quả. Tiếp tục củng cố, duy trì, đẩy mạnh các lĩnh vực đã thực hiện tốt. Tổ chức triển khai thực hiện ngay các lĩnh vực đã qua chưa thực hiện, thực hiện không hiệu quả, như lĩnh vực xây dựng cơ bản nhà ở tư nhân; lĩnh vực hộ kinh doanh; lĩnh vực giá chuyển nhượng bất động sản; lĩnh vực thương mại điện tử... Dự kiến số tiền thuế tăng thêm trong quý IV là gần 12 tỷ đồng, luỹ kế cả năm là 37,4 tỷ đồng”./.
Hồng Nhung