(CMO) Đầu năm đến nay, tình hình thiên tai, lốc xoáy, sạt lở đã gây thiệt hại lớn trên địa bàn Cà Mau. Đã có hàng trăm căn nhà bị sập và tốc mái, thậm chí dẫn đến chết người với những thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.
Biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến khó lường, thời gian qua, Cà Mau đã chịu ảnh hưởng của nhiều đợt áp thấp nhiệt đới, gió lốc, bên cạnh đó sạt lở ven sông, ven biển ngày một nghiêm trọng hơn. Đứng trước thực trạng thời tiết trong năm không còn diễn ra theo tính quy luật, đòi hỏi sự chủ động trong công tác phòng, chống không chỉ của ngành chức năng mà cả người dân, nhất là dân cư khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng như địa bàn ven biển, ven sông...
Thiệt hại lớn
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 5 người chết, 4 thuyền viên bị thương, 27 thuyền viên mất tích. Có 13 phương tiện bị hư hỏng và 31 phương tiện bị chìm, làm sập 3 đáy hàng khơi. Thiên tai đã gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân với 1.279 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 237 căn bị sập, 902 căn bị tốc mái và 140 trường hợp thiệt hại do sạt lở. Tổng thiệt hại từ đầu năm đến nay ước tính trên 32 tỷ đồng.
Khu vực ven biển chịu ảnh hưởng nặng của thiên tai, sạt lở. (Ảnh chụp tại cửa Bồ Đề, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn). |
Công tác phòng chống thiên tai được các cấp, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm và triển khai quyết liệt thời gian qua. Với phương châm “4 tại chỗ” từng đơn vị, từng địa phương chủ động đối phó với mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Xây dựng các phương án phòng chống lụt bão, xây dựng, bố trí xắp xếp lại dân cư. Nhiều lực lượng được bố trí sẵn sàng việc sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng cửa sông, của biển, vùng thường xuyên có nguy cơ sạt lở cao.
Đề cao vai trò lực lượng tại chỗ
Ngọc Hiển là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, trong năm gió lốc, sạt lở đã gây nhiều thiệt hại cho địa phương này. Các xã trên địa bàn huyện từ đầu năm đã thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống lụt bão để chủ động đối phó khi có thiên tai xảy ra. Viên An là xã giáp biển, có bờ biển dài hơn 12 km, dân cư sống chủ yếu theo tuyến sông rạch, làm nghề nuôi thuỷ sản, do đó, nếu có thiên tai xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.
Ông Diệp Thanh Điền, Chủ tịch UBND xã Viên An, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão xã, cho biết: “Bão, áp thấp nhiệt đới thường xảy ra vào cuối năm, thời điểm này trùng vào thời kỳ gió mùa đông bắc hoạt động khá mạnh, kết hợp 2 hiện tượng này sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt, trước khi bão vào đất liền thường có gió lốc gây thiệt hại về tài sản và sản xuất của nhân dân”.
Địa phương này thời gian qua đã tăng cường triển khai công tác phòng chống lụt bão. Ngoài việc kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão, các phương tiện, trang thiết bị cần thiết cũng được chuẩn bị trong điều kiện sẵn sàng như: xe lớn, phao, tàu lớn... Tuy nhiên, cái khó của địa phương là số lượng các phương tiện vẫn còn ít so với nhu cầu, không có tàu chuyên dùng cũng như lực lượng chuyên môn khá mỏng.
Ông Diệp Thanh Điền cho biết: “Thực tế về mặt trang thiết bị cần thiết vẫn còn khó khăn, những địa phương cũng cố gắng khắc phục. Xã đã lên kế hoạch bố trí các điểm sơ tán khi có thiên tai, đồng thời chủ động tăng cường sự kết hợp giữa công an, quân sự, biên phòng đảm bảo tuần tra, canh gác, bảo vệ cơ quan Nhà nước, nhà của Nhân dân và khu dân cư sơ tán. Bên cạnh đó là tuyên truyền, giáo dục nhận thức trong dân phải chuẩn bị sẵn sàng cho từng thành viên trong gia đình các loại lương thực, thực phẩm cần thiết khi sơ tán, cần có kế hoạch trữ sẵn lương thực, thực phẩm, nước sạch và vật dụng thiết yếu”./.
Đặng Duẩn