(CMO) Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, những tháng đầu năm lốc xoáy đã làm sập 36 căn nhà; sạt lở hơn 1.540 m đất, làm ảnh hưởng đến 331,6 ha nuôi trồng thuỷ sản. Thiên tai trên biển đã làm chìm 21 phương tiện, 12 người chết, 12 người rơi xuống biển mất tích, 6 người bị thương, tổng thiệt hại ước tính hơn 22 tỷ đồng.
Thời điểm này đang cao điểm của mùa mưa bão, chính vì vậy công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Các phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó thiên tai, đặc biệt là phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão xảy ra trên địa bàn được các địa phương xây dựng cụ thể, chặt chẽ nhằm sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai xảy ra.
Thiệt hại lớn do thiên tai
Mùa mưa bão hằng năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều phải chịu những thiệt hại lớn do lốc xoáy, sụp lở đất… ảnh hưởng đến nhà cửa, tài sản của người dân. Trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nhất là các huyện Đầm Dơi, Năm Căn… Người dân sống ở các khu vực ven sông trên địa bàn các xã nơi đây đều luôn trong tâm thế ứng phó bởi sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Đoạn sạt lở tại ấp Thuận Long, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi. |
Ông Trần Minh Quân, ấp Thuận Long, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, đang đóng ván lót sàn nhà, nói: “Tôi sống ở đây hơn 10 năm, năm nào cũng xảy ra tình trạng sạt lở nên riết rồi cũng quen. Chỉ 3 năm nay tôi phải 2 lần sửa lại nhà do sụp lún”.
Trên địa bàn huyện Đầm Dơi từ đầu năm đến nay đã xảy ra 39 vụ thiên tai (9 vụ lốc xoáy, 30 vụ sạt lở đất ven sông với chiều dài 757 m), làm sập hoàn toàn 21 căn nhà và 1 cửa hàng xăng dầu, hư hỏng 102 căn nhà, 1 văn phòng và 8 đoạn giao thông nông thôn, đổ ngã 6 trụ điện… ước thiệt hại trên 4 tỷ 764 triệu đồng. Còn tại huyện Năm Căn, qua 7 tháng, đã ghi nhận 23 điểm sạt lở đất, làm thiệt hại và ảnh hưởng đến 46 căn nhà và nhiều công trình khác; hư hỏng 182 m lộ nông thôn; ảnh hưởng khoảng 326 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản, ước thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, cho biết: “Những điểm nguy cơ sạt lở cao nằm rải rác trên địa bàn các xã: Tam Giang Đông, Lâm Hải, Hàng Vịnh, Hiệp Tùng, Tam Giang và thị trấn Năm Căn… Hiện nay đã vào mùa mưa, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của huyện cũng như các địa phương đã chủ động triển khai các kế hoạch, phương án phòng chống, ứng phó với thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra”.
Chủ động ứng phó
Ông Nguyễn Đức Trung thông tin, từ đầu năm đến nay đã xuất hiện nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là có những đợt áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Mặc dù không đổ bộ trực tiếp vào đất liền tỉnh Cà Mau cũng như huyện Năm Căn nhưng cũng ảnh hưởng lớn đến địa phương. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, huyện và các xã nên đã hạn chế thiệt hại về tài sản và bảo vệ an toàn tính mạng của người dân.
"Thời tiết diễn biến phức tạp nên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã chỉ đạo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thường xuyên kết hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai. Đặc biệt là tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân cũng như chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, trang thiết bị cứu hộ,… khi có sự cố xảy ra", ông Trung cho biết thêm.
Cùng với huyện Năm Căn, hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tích cực, chủ động tăng cường công tác phòng, chống thiên tai đồng bộ ở tất cả các cấp từ tỉnh, huyện, xã đến địa bàn các ấp và người dân.
Ông Trần Hoàng Lạc, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN và phương án thành lập Ban Chỉ huy PCTT xuyên suốt từ xã đến ấp, khóm; thành lập các tiểu ban giúp việc và đội phản ứng nhanh sẵn sàng phục vụ khi có thời tiết xấu. Kết hợp với Đồn biên phòng đóng trên địa bàn kiểm tra các trang thiết bị cần thiết đối với các phương tiện khai thác, giữ liên lạc thường xuyên, thông suốt khi khai thác ngoài biển. Có phương án neo đậu tàu thuyền cả trong và ngoài huyện đến nơi trú ẩn an toàn khi có bão”.
Khi kiểm tra thực tế tại huyện Đầm Dơi và Cái Nước, Đại tá Trương Ngọc Danh, Phó giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Đoàn kiểm tra Khu vực 4 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, nhận xét: “Việc triển khai công tác PCTT&TKCN của các địa phương đã thể hiện được nhiều mặt tích cực trong việc chủ động lập kế hoạch, phương án ứng phó. Tuy nhiên, vấn đề mà địa phương cần quan tâm nữa là, cần củng cố và phát huy vai trò của chính quyền ấp, khóm, cũng như sự chủ động của người dân. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần quan tâm đến những nơi bố trí, di dời dân cần hợp lý, đảm bảo tính kiên cố”.
Đại tá Trương Ngọc Danh cũng nhấn mạnh: "Công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai ở các địa phương cần theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”; đặc biệt là công tác huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, khi có thiên tai xảy ra phải được lập kế hoạch sao cho cơ động thực hiện nhanh chóng, hiệu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra"./.
Đặng Duẩn