(CMO) “Cần là có tiền mặt” - đó là hình thức mượn tạm tiền mặt nhanh chóng qua kênh ngân hàng, chỉ bằng một lần quẹt thẻ; Còn gọi là vay tín chấp, không cần phải đến trực tiếp quầy giao dịch ngân hàng để thực hiện những thủ tục với nhiều loại giấy tờ, chứng minh phức tạp, giúp chủ thẻ luôn chủ động kế hoạch tài chính trước những phát sinh trong cuộc sống.
Đáp ứng mọi lúc, mọi nơi
Chị Nguyễn Trần Hồng T, chuyên kinh doanh hàng hoá, mỹ phẩm ở thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, coi thẻ tín dụng như “cứu tinh” trong những lần thiếu tiền mua hàng. Chị sử dụng thẻ tín dụng Ngân hàng Phương Đông (OCB) Cà Mau. “Việc đột xuất thiếu hụt vốn mua hàng hoá là tình trạng thường xuyên xảy ra, giờ thì tôi không còn lo lắng kế hoạch kinh doanh sẽ bị lỡ dở nữa. Nếu trước đây thì tôi phải rút sạch tiền, đi mượn đầu này đầu nọ để giải quyết những kiện hàng đột xuất. Nhưng giờ thẻ tín dụng chính là nguồn vay hiệu quả mà tôi có thể tìm đến”, chị T cho biết.
Thẻ tín dụng giải quyết được khó khăn tạm thời cho khách hàng mỗi khi cần tiền mặt nhanh chóng. (Ảnh chụp tại OCB Cà Mau). |
Anh Trần Văn Thanh (Phường 5, TP Cà Mau) hiện dùng thẻ MasterCard của OCB Cà Mau cho phép chủ thẻ chi tiêu trước và thanh toán sau, với thời hạn miễn lãi lên đến 55 ngày. Anh Thanh cho biết, anh dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt trong những trường hợp cần tiền gấp, lãi suất từ 22%/năm. Bên cạnh đó, anh còn tận dụng ưu đãi từ thẻ cho các giao dịch thanh toán như giảm giá 50% với chương trình OCB Discount tại hơn 100 điểm ưu đãi và mức rút tiền mặt tối đa lên đến 80% hạn mức thẻ tín dụng.
Hiện nay, các ngân hàng đồng loạt mở rộng hình thức vay qua thẻ tín dụng, khi khách hàng thực hiện đủ thủ tục làm thẻ, ngân hàng sẽ cấp cho khách hàng chiếc thẻ và một hạn mức tín dụng nhất định. Chiếc thẻ “thần thánh” này có thể dùng để mua sắm, chi trả cho các loại hàng hoá, dịch vụ. Song song đó còn có thể kết hợp với thẻ ghi nợ ngân hàng. Khác với thẻ thấu chi là việc ngân hàng cấp cho khách hàng một hạn mức để có thể chi tiêu vượt mức số tiền có trong thẻ ghi nợ. Tức là khi tài khoản trong thẻ ghi nợ là 0 đồng, chủ thẻ vẫn có thể rút được tiền hoặc thanh toán hoá đơn được. Nhưng số tiền mà chủ thẻ chi tiêu phát sinh sẽ được tính là phần thấu chi.
Thông thường vay thấu chi dành cho trường hợp cần tiền gấp để chi tiêu khi chưa có lương báo về tài khoản. Còn vay thẻ tín dụng khác ở chỗ là một dạng vay tiêu dùng lâu dài, có tính gắn bó nhiều hơn. Hai hình thức này sẽ là “cứu tinh” cho từng trường hợp của khách hàng. Vì thế, nếu biết cách kết hợp sử dụng cả hai hình thức này và thanh toán đúng hạn, điểm tín dụng của bạn sẽ được lên đều đều.
Giảm áp lực tài chính cho chủ thẻ
Nắm bắt nhu cầu chi tiêu của đại bộ phận khách hàng, nhiều ngân hàng có động thái mở rộng điều kiện liên quan đến tính năng này của thẻ. BIDV gần đây hỗ trợ chương trình đăng ký rút tiền mặt qua thẻ, sau đó chuyển đổi thành khoản vay trả góp kỳ hạn ngắn, giảm áp lực tài chính hàng tháng cho chủ thẻ. Sacombank Visa, LienVietPostBank MasterCard… cũng hỗ trợ rút tiền mặt lên đến 50% thẻ tín dụng, giải ngân trong ngày, hỗ trợ nhu cầu tài chính khẩn cấp và nhiều ưu đãi với 0% lãi suất.
Đặc biệt, Ngân hàng Quốc tế (VIB) chi nhánh Cà Mau hỗ trợ với hạn mức rút tiền lên đến 100% kèm ưu đãi miễn lãi trong 3 tháng đầu tiên và khách hàng được miễn phí thường niên trọn đời. Ngoài việc mua sắm trong nước, chủ thẻ còn có thể thanh toán các dịch vụ khác trên toàn cầu và quản lý chi tiêu chính xác, rõ ràng.
Ở OCB Cà Mau, khách hàng được tham gia nhiều chương trình ưu đãi khi thanh toán ở những địa điểm liên kết của ngân hàng và chương trình ưu đãi thẻ dành cho các lĩnh vực như: Ẩm thực, mua sắm, sức khoẻ, du lịch, giáo dục… Chị Lê Thị Thuỳ Trang, Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông Việt Nam (OCB) chi nhánh Cà Mau, cho hay, dịch vụ cho vay tạm qua thẻ tín dụng đang được khách hàng tin dùng và lựa chọn. Dù không phải là tính năng chính của thẻ tín dụng, việc rút tiền mặt vẫn hỗ trợ phần nào các vấn đề tài chính của khách hàng. Khi triển khai dịch vụ này, không những giúp ngân hàng mở rộng đối tượng khách hàng, phân tán rủi ro, mà còn cải thiện lợi nhuận. Ngân hàng không ngừng nghiên cứu và liên tục đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới phù hợp trên tiến trình thực hiện chiến lược đặt khách hàng làm trọng tâm./.
Việt Mỹ