Năm học mới 2016-2017, ngành giáo dục sẽ tăng cường kỷ cương, nền nếp trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ðối với giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Năm học mới 2016-2017, ngành giáo dục sẽ tăng cường kỷ cương, nền nếp trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ðối với giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, ở bậc học mầm non sẽ đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, ưu tiên các nguồn lực hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Ðồng thời, tiếp tục quan tâm phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập ở những nơi có điều kiện.
Lấy học sinh làm trung tâm, năm học mới, ngành tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh. |
Ðể nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông năm học mới, Bộ GD&ÐT tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, rèn luyện năng lực tự học của học sinh dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng. Ðiều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải, tăng cường giáo dục kỹ năng sống phù hợp mục tiêu giáo dục; củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục.
Ðúc rút bài học kinh nghiệm trong năm học 2015-2016, tại hội nghị trực tuyến do Bộ GD&ÐT chủ trì với 63 tỉnh, thành trên cả nước vừa qua, Bộ GD&ÐT đề ra 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản của ngành giáo dục trong năm học mới với quyết tâm thực hiện để giải phóng nguồn lực, cởi những nút thắt cho ngành và giảm bớt bức xúc trong dư luận.
Theo đó, bước vào năm học mới, Bộ GD&ÐT sẽ tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trong toàn quốc; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Trong 9 nhiệm vụ trên, ngành giáo dục chú trọng nhất việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Làm tốt được nhiệm vụ này rất khó nhưng không thể không làm, bởi đây là gốc rễ của ngành”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Với 5 giải pháp được đưa ra, theo Bộ trưởng Bộ GD&ÐT, giải pháp được kỳ vọng mang lại sự đột phá là cải cách thủ tục hành chính, kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, không phù hợp. Ðồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, đẩy nhanh quá trình triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử (e-office) kết nối với tất cả các Sở GD&ÐT và các cơ sở đào tạo trực thuộc, hướng đến hoàn thiện Cổng thông tin điện tử Bộ GD&ÐT.
Giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết, cùng với cả nước, ngành GD&ÐT Cà Mau đang vững bước trên con đường đổi mới, chú trọng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực... Năm học 2016-2017, ngành tập trung đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
"Với chức năng của mình, Sở GD&ÐT sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, làm tốt vai trò tham mưu và phối hợp với các sở, ngành, xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực cho từng ngành của địa phương phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ khả năng tiếp nhận 30% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và đại học đạt khoảng 70%; tỷ lệ sinh viên tất cả các hệ đào tạo là 350-400/10.000 dân", ông Nguyễn Minh Luân khẳng định./.
Bài và ảnh: Băng Thanh