Học sinh Trường THPT Phan Ngọc Hiển, huyện Năm Căn tích cực ôn luyện, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Năm học 2014-2015, chỉ có kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia thay thế 2 kỳ thi cũ là tốt nghiệp THPT và thi vào đại học, cao đẳng, thời điểm thi sẽ lùi lại khoảng 1 tháng, địa điểm thi sẽ tổ chức theo cụm do Bộ GD-ÐT quy định.
Theo đó, học sinh sẽ thi 4 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn. Riêng với Cà Mau, học sinh có quyền lựa chọn môn thay thế Tiếng Anh do quy chế Bộ cho phép. Thang điểm thi tốt nghiệp sẽ là 20 thay vì 10, kết quả tốt nghiệp sẽ bao gồm kết quả học tập của học sinh và điểm các bài thi. Kết quả tốt nghiệp sẽ không xếp loại, mỗi học sinh được cấp 4 giấy chứng nhận để đăng ký các nguyện vọng vào cao đẳng, đại học. Ðiểm thi sẽ là căn cứ quan trọng để học sinh đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng, tuỳ theo quy chế xét tuyển của từng trường.
Những điều cần đặc biệt lưu ý
Giờ ôn luyện của các em học sinh khối 12, Trường THPT Khánh An, huyện U Minh. |
Năm nay là năm thứ 4 Trường THPT Khánh An (huyện U Minh) có học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT. Với biên độ dao động sĩ số trên dưới 400 em, học sinh lớp 12 khoảng 120 em, những năm qua số học sinh trượt tốt nghiệp trung bình mỗi năm khoảng 3 em. Học sinh của trường ngoài địa bàn Khánh An còn gồm nhiều địa phương lân cận như xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình); xã Nguyễn Phích (huyện U Minh), một số xã thuộc huyện Trần Văn Thời.
Thầy Phạm Tiến Trình, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Kỳ thi sắp tới có nhiều thay đổi, nhà trường đang dồn sức để học sinh nắm vững thông tin, tâm lý vững vàng, vượt qua kỳ thi một cách tốt nhất. Thầy cô và học sinh đang chờ những thông tin chính xác, cụ thể nhất để triển khai công tác ôn luyện, tổ chức các kỳ thi để các em làm quen”.
Công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT của trường đã được triển khai từ rất sớm. Theo lời thầy Trình, do có nhiều thay đổi, mỗi thông tin cung cấp cho học sinh cần tính chính thống, dễ hiểu, cụ thể, không dồn dập, mơ hồ khiến tâm lý các em hoang mang. Công tác tổ chức thăm dò, đăng ký môn thi của học sinh được tiến hành, kết quả đa phần các em lựa chọn khối Khoa học tự nhiên, các môn Khoa học xã hội như Sử, Ðịa lý chỉ có một số ít học sinh đăng ký.
Cách làm bài tự luận, trắc nghiệm, quy chế thi cử cũng đã được nhà trường áp dụng vào bài kiểm tra, thi cuối kỳ. Trong khả năng, nhà trường cố gắng ra đề theo định hướng, cấu trúc mà Bộ đã hướng dẫn. Trường THPT Khánh An đã tổ chức ôn luyện cho học sinh khối 12 từ đầu tháng 11/2014. Tuy nhiên, ông Trình nhấn mạnh: “Do còn nhiều thông tin chưa chính xác, học sinh cần quan tâm nắm bắt kịp thời, qua kênh chính thống, tin cậy, không tìm hiểu tràn lan dẫn đến tình trạng rối thông tin, nhận thức sai lệch”.
Băn khoăn nhưng không nên quá lo lắng
Trước mỗi kỳ thi, đặc biệt là với kỳ thi có những thay đổi lớn như thi tốt nghiệp THPT năm học 2014-2015, tâm lý lo lắng chính là một trong những yếu tố tạo nên sức ì, đôi khi gây ra những phản ứng tiêu cực, mang lại kết quả không mong muốn. Ðiều cần nhất đối với các nhà trường, giáo viên và học sinh chính là ổn định được tâm lý, bình tĩnh xử lý thông tin và nắm được các thông tin cốt lõi, tập trung đầu tư ôn luyện kỹ năng, kiến thức. Cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên Ðịa lý, Trường THPT Khánh An, chia sẻ: “Ðề án mới có những điểm tích cực, nếu kết cấu đề tốt sẽ phân loại được học sinh, vừa đảm bảo kết quả chung”. Tuy nhiên, cô Nga cũng băn khoăn: “Chúng tôi vừa ôn luyện tốt nghiệp, vừa lồng ghép các nội dung ôn thi cao đẳng, đại học, các em học sinh khả năng yếu rất khó theo kịp”.
Một khía cạnh khác, dù đã có những thông tin chung, song kết cấu đề, xu hướng ra đề của Bộ vẫn chưa cụ thể, theo lời cô Nga, “giáo viên cũng đang loay hoay chưa biết dạy cách nào cho hiệu quả nhất”. Hiện tại, cô Nga cùng các đồng nghiệp vẫn vừa bám vào chương trình ôn luyện cũ, vừa “nghe ngóng” thông tin mới để truyền đạt thông tin và kiến thức cho học sinh.
Em Lê Mỹ Thanh, lớp 12C, Trường THPT Khánh An, chia sẻ: “Dù có học lực giỏi nhưng em thấy lo lắm. Ba mẹ ở nhà cũng hỏi thăm suốt”. Mỹ Thanh vừa mua thêm sách để ôn tập, vừa theo học phụ đạo ở trường, cập nhật thông tin từ thầy, cô. Thanh bộc bạch: “Không biết thi vậy ra đề có khó hay không, em lựa chọn thi Văn, Sử, Ðịa và Toán, hy vọng sẽ đủ điều kiện để vào Ðại học An ninh”. Cùng chung với tâm trạng đó, em Trần Ngọc Huyền, lớp 12C1, bộc bạch: “Em tìm hiểu thông tin nhiều lắm, có cả trên mạng, nhưng tới giờ chưa biết thi cử ở đâu, đề ra như thế nào, rồi cơ hội vào đại học ra sao”.
Dự kiến, đầu tháng 7/2015, kỳ thi sẽ được tổ chức. Lộ trình và thông tin của Bộ sẽ đảm bảo các điều kiện tốt nhất, đảm bảo đánh giá đúng năng lực của học sinh; các trường đại học, cao đẳng cũng có quy chế tuyển sinh riêng, đáp ứng tốt nhất nguyện vọng học tập của học sinh. Do đó, các em học sinh nên tận dụng thời gian quý báu còn lại để thu nạp thêm kiến thức; đảm bảo sức khoẻ, tâm lý, kiến thức vững vàng, có kỹ năng thi cử là những yếu tố cần thiết nhất để các em vượt qua kỳ thi sắp tới./.
Bài và ảnh: Phạm Nguyên