Để góp phần nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Cà Mau, thời gian tới, trước hết phải đổi mới quản lý giáo dục: thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước về giáo dục; thực hiện phân cấp quản lý mạnh đối với các địa phương, các cơ sở giáo dục, nhất là đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học;
Để góp phần nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Cà Mau, thời gian tới, trước hết phải đổi mới quản lý giáo dục: thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước về giáo dục; thực hiện phân cấp quản lý mạnh đối với các địa phương, các cơ sở giáo dục, nhất là đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở các cấp về nội dung đào tạo, tài chính, nhân sự; đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục nhằm huy động ngày càng tăng, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của nhà nước và xã hội để nâng cao chất lượng, tăng quy mô giáo dục.
Mặt khác, phải thực sự quan tâm việc xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Trong đó, cần có chính sách khuyến khích thực sự đối với đội ngũ nhà giáo thông qua chế độ đãi ngộ xứng đáng; tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đa dạng nhằm nâng cao chuẩn trình độ đào tạo cho đội ngũ nhà giáo. Ðến năm 2020, tỉnh Cà Mau phấn đấu có 50% giáo viên mầm non, 80% giáo viên tiểu học đạt trình độ từ cao đẳng trở lên; có 80% giáo viên THCS và 100% giáo viên THPT đạt trình độ đại học trở lên; có 20% giáo viên các trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và 60% giảng viên cao đẳng đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có 10% là tiến sĩ.
Giáo dục hiện đại là tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh từ nhỏ. (Trong ảnh: Một buổi thi đình tại Trường Tiểu học Hùng Vương, TP Cà Mau). Ảnh: VÀNG ANH |
Ðể đảm bảo đến năm 2020 có đủ giáo viên thực hiện giáo dục toàn diện, dạy học các môn học tích hợp, dạy học phân hoá, dạy học 2 buổi/ngày ở phổ thông; tỷ lệ giáo viên/lớp, học sinh/giáo viên, sinh viên/giảng viên, cần tiếp tục tăng cường công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo cho các cơ sở giáo dục, tham mưu với Bộ GD&ÐT và UBND tỉnh để có chính sách miễn giảm học phí, cấp học bổng đặc biệt để thu hút học sinh giỏi vào học trường sư phạm. Ðổi mới toàn diện hệ thống đào tạo sư phạm từ mô hình đào tạo tới nội dung, phương pháp đào tạo nhằm đào tạo đội ngũ giáo viên vững vàng về kiến thức khoa học cơ bản và kỹ năng sư phạm. Tiếp tục tổ chức đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non và phổ thông, đánh giá theo chuẩn nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung cấp chuyên nghiệp và giảng viên cao đẳng theo quy định của Bộ GD&ÐT.
Thường xuyên rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng lực lượng cán bộ quản lý tận tâm, thạo việc, có năng lực điều hành; triển khai, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục; tham mưu HÐND, UBND tỉnh và các địa phương trong tỉnh có chế độ đãi ngộ xứng đáng, thậm chí là đặc thù đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt cán bộ quản lý giỏi.
Chủ động bảo đảm nhu cầu giáo viên và cán bộ quản lý cho mỗi cơ sở giáo dục trong tỉnh theo yêu cầu triển khai chương trình mới. Cụ thể, đối với giáo viên tiểu học, tính toán lại để chỉ đào tạo trình độ cao đẳng; chỉ đào tạo trình độ trung cấp theo địa chỉ ở những huyện còn thiếu nhiều giáo viên; tập trung chuẩn hoá và nâng chuẩn đào tạo cho giáo viên hiện có, chú ý bổ sung giáo viên nhạc, hoạ và các môn học đặc thù một cách hợp lý để đa dạng hoá việc học và hoạt động của học sinh trong quá trình tiến tới học 2 buổi/ngày; khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở các địa phương, địa bàn trong tỉnh.
Có chính sách thu hút, ưu đãi giáo viên, nhất là đối với giáo viên tình nguyện ngoài tỉnh đến công tác tại vùng sâu, vùng xa như tăng lương, nhà ở, phương tiện, đời sống...; cử tuyển giáo viên theo địa chỉ để tạo nguồn giáo viên cho các loại trường và những địa phương, địa bàn còn thiếu giáo viên.
Thực hiện nghiêm túc chương trình bồi dưỡng thường xuyên theo các chu kỳ của Bộ GD&ÐT; thực hiện chương trình đào tạo nâng chuẩn và trên chuẩn ở cấp THPT, đảm bảo cân đối giữa quy hoạch đào tạo và sử dụng theo yêu cầu nâng cao chất lượng; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phải đáp ứng yêu cầu sử dụng.
Tiếp tục mở rộng quy mô; đa dạng hoá các ngành nghề đào tạo, các hình thức đào tạo, các hệ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp; đẩy mạnh công tác truyền thông; thực hiện các giải pháp phân luồng để tăng tỷ lệ học sinh sau trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề.
Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, chú trọng thực hiện quy hoạch và phát triển nhân lực trong các cơ sở giáo dục trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng; triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020; rà soát và đổi mới chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo, đánh giá kết quả học tập của học sinh gắn với chuẩn năng lực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động giáo dục của các trường trung cấp chuyên nghiệp và trường cao đẳng mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.
Ðào tạo theo quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đã được Trung ương và UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt; đẩy mạnh hợp tác với đơn vị sử dụng nhân lực trong từng địa bàn, từng doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả đào tạo.
Hy vọng rằng, thời gian tới đây sẽ có nhiều chuyển biến tích cực đối với công tác xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, hướng đến việc góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Cà Mau./.
Quang Viễn