Vùng đất Cà Mau thân thương, nơi hễ ai một lần đến cũng sẽ xao xuyến bởi cảnh sắc thiên nhiên và sức sống tươi mới vươn lên của vùng đất xanh bạt ngàn rừng đước, rừng tràm. Hơn hết, níu chân du khách chính là cái dễ thương của người Cà Mau, với sự mộc mạc, chân chất, thân thiện và vô cùng mến khách, quý nhau ở cái tình, cái nghĩa… Bởi thế, mục tiêu hướng đến của ngành du lịch chính là xây dựng Cà Mau trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, chuyên nghiệp và hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
- Để Cà Mau trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch
- Phát triển du lịch sinh thái
- Liên quân Hoàng Hổ - Cánh Buồm – ICOGroup đoạt giải Nhất Hội thi ứng xử văn minh du lịch tỉnh Cà Mau
- Khu Du lịch Mũi Cà Mau nhận chứng nhận Điểm đến du lịch hấp dẫn
Phát biểu đầy tâm huyết tại Hội thi Ứng xử văn minh du lịch tỉnh Cà Mau năm 2024, vừa được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức ngày 28/11 vừa qua, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở, Trưởng ban Giám khảo, nhấn mạnh: “Mỗi người đều có thể trở thành đại sứ du lịch, tiên phong sẽ là những người làm công tác du lịch, lưu trú, lữ hành, thuyết minh điểm đến, hướng dẫn tham quan, kể cả người dân làm du lịch - những đại sứ xây dựng du lịch phát triển theo hướng xanh - sạch - đẹp; đảm bảo an ninh, an toàn, văn minh và thân thiện bằng những hành động thiết thực đúng với thương hiệu: Người Cà Mau dễ thương vô cùng”.
Ðó cũng chính là mục đích hướng đến của hội thi, nhằm tích cực nâng cao hình ảnh du lịch Cà Mau, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Hội thi thành công rực rỡ với sự tham gia của 13 đội thi đến từ các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch, các điểm đến trên địa bàn tỉnh.
Liên quân Hoàng Hổ - Cánh Buồm - ICOGroup là đội thi xuất sắc đoạt giải Nhất tại hội thi. Anh Trần Hoàng Lâm, Giám đốc Nhà hàng - Khách sạn Hoàng Hổ, đại diện đội, chia sẻ, ý tưởng đặt tên đội thi là “Hương sắc Cà Mau” xuất phát từ mong muốn giới thiệu vẻ đẹp tự nhiên, văn hoá và con người vùng đất Cà Mau đa dạng sắc màu với hệ sinh thái của rừng đước, rừng tràm. Ðây là thông điệp thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của đội trong việc quảng bá du lịch Cà Mau.
“Sự chuyên nghiệp, thân thiện và ứng xử văn hoá sẽ tạo dấu ấn đẹp trong lòng du khách”, anh Trần Hoàng Lâm khẳng định. (Anh Lâm trong vai đầu bếp ở phần thi năng khiếu cùng các thành viên đội thi).
“Chúng tôi muốn khẳng định rằng, sự chuyên nghiệp, thân thiện và ứng xử văn hoá không chỉ tạo thiện cảm mà còn giúp lan toả hình ảnh du lịch Cà Mau văn minh, đẳng cấp hơn”, anh Trần Hoàng Lâm tâm tình. Theo anh, thông qua hội thi đã giúp đội có thêm kinh nghiệm hoàn thiện hơn trong việc phục vụ khách hàng, từ cách chào đón, chăm sóc đến việc xử lý những tình huống phát sinh một cách khéo léo.
Anh cho rằng, đây cũng là cơ hội để áp dụng những tiêu chuẩn đó vào các hoạt động kinh doanh tại Nhà hàng - Khách sạn Hoàng Hổ. Hiện, Nhà hàng - Khách sạn Hoàng Hổ vẫn luôn chú trọng đào tạo nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, đảm bảo mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, đồng thời tích cực cải tiến chất lượng dịch vụ, cập nhật các xu hướng mới để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của du khách. “Trong tương lai, Hoàng Hổ sẽ tổ chức các sự kiện giao lưu văn hoá, quảng bá đặc sản địa phương và hướng dẫn du khách những nét đẹp về phong tục, tập quán vùng đất Cà Mau. Không riêng Hoàng Hổ, Cánh Buồm và ICOGroup cũng đặt mục tiêu trở thành một trong những hình mẫu về du lịch xanh và bền vững tại địa phương”, anh Trần Hoàng Lâm khẳng định.
Với tên đội “Hương sắc Cà Mau”, liên quân Hoàng Hổ - Cánh Buồm - ICOGroup đã mang tới Hội thi những trải nghiệm và hành trình mới lạ cho du khách xuyên suốt các phần thi.
Khác biệt với các điểm du lịch khác, các công trình, di tích Bảo tàng tỉnh Cà Mau đang quản lý không chỉ là nơi lưu giữ giá trị lịch sử - văn hoá mà còn là cầu nối sống động giữa quá khứ và hiện tại. Do đó, đến với hội thi, đội thi Bảo tàng tỉnh xây dựng tiểu phẩm "Ðoá sen hồng giữa lòng thành phố" dựa trên câu chuyện thực tế để lan toả những thông điệp về ứng xử văn minh, tôn trọng tại các địa điểm tôn nghiêm, cũng như thể hiện tình yêu dành cho Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, một công trình văn hoá vô cùng ý nghĩa đối với tỉnh Cà Mau.
“Mục tiêu lớn nhất của đội thi là lan toả tình yêu lịch sử, văn hoá và niềm tự hào về quê hương Cà Mau đến mọi du khách. Tôi và những thành viên của bộ phận thuyết minh luôn xác định rằng, văn minh ứng xử và khả năng truyền tải giá trị sâu sắc là những yếu tố cốt lõi để tạo ấn tượng đẹp trong lòng khách tham quan. Các thuyết minh viên, bên cạnh việc tập trung hướng dẫn, phục vụ khách tham quan, còn khéo léo hướng dẫn khách tham quan giữ gìn vệ sinh, tuân thủ nội quy và tạo môi trường tham quan thân thiện, hài hoà”, chị Lê Cẩm Nhung, đại diện đội, chia sẻ.
Chị Lê Cẩm Nhung khéo léo xử ly tình huống do Ban Giám khảo đặt ra tại vòng thi chung kết (Đội thi Bảo tàng tỉnh đoạt giải Nhì)
Chị Nhung cho biết thêm, thời gian tới, Bảo tàng tỉnh sẽ tập trung vào việc tổ chức các buổi trải nghiệm văn hoá và trải nghiệm di sản với nội dung phong phú, đa dạng hơn. Theo đó, bộ phận thuyết minh phải đồng thời xây dựng các nội dung thuyết minh hấp dẫn, sinh động; chú trọng việc nâng cao ý thức ứng xử văn minh trong quá trình tham quan để du khách nhận thức được vai trò và trách nhiệm trong việc giữ gìn sự tôn nghiêm của các di tích, công trình văn hoá. Ðồng thời, việc ứng dụng mạng xã hội vào công tác tuyên truyền sẽ được triển khai, giúp du khách dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu các điểm tham quan văn hoá - lịch sử, hiểu rõ giá trị của nơi đến để có cách ứng xử phù hợp. Các bảng hướng dẫn về quy định ứng xử văn minh cũng sẽ được phát triển để giúp du khách tự nhận thức và có hành vi đúng đắn.
Tuy không phải người bản xứ nhưng dành nhiều tâm huyết phát triển du lịch trên quê hương thứ hai - Cà Mau, với khát vọng xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, hào sảng và mến khách, anh Nguyễn Ðức Trung, Giám đốc Nhà hàng Khách sạn Ozon (xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn), tấm tắc: “Ðây là lần đầu tiên Cà Mau tổ chức hội thi này và rất thành công, lan toả hiệu ứng tốt, không chỉ đối với những người làm du lịch mà còn đến mọi người dân trong tỉnh. Tôi tin rằng, người Cà Mau sẽ luôn dễ thương vô cùng, nơi địa đầu cực Nam của Tổ quốc sẽ luôn là điểm đến hấp dẫn với những nét sinh hoạt rất đỗi đời thường của những con người dung dị, hiền hoà, mến khách”.
Hội thi thành công rực rỡ với sự tham dự của 13 đội thi đến từ các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch, các điểm đến trên địa bàn tỉnh.
Với mục tiêu đến năm 2030 Cà Mau đón khoảng 2,8 triệu lượt khách, trong đó có 110 ngàn lượt khách quốc tế, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 7.200 tỷ đồng, việc nâng cao thương hiệu điểm đến không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan quản lý mà còn là ý thức của người dân khi làm du lịch, dịch vụ và cả ở vai trò khách du lịch. Chỉ khi mỗi người dân thực sự là một đại sứ du lịch thì khi ấy hình ảnh của mỗi địa phương, hình ảnh của đất nước mới thực sự đẹp trong mắt bạn bè năm châu./.
Băng Thanh