(CMO) Tháng 6, Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 với chủ đề “Chung tay bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em” nhằm kêu gọi sự chung tay góp sức của toàn xã hội tham gia bảo vệ, chăm sóc; san sẻ trách nhiệm và tình yêu thương đối với trẻ em bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, giúp các em vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Theo số liệu thống kê, những tháng đầu năm 2020 toàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ trẻ em bị xâm hại (giảm 14 vụ, 14 trẻ em so với cùng kỳ năm 2019). Số lượng tuy có giảm nhưng những vụ việc trẻ em bị xâm hại, nhất là xâm hại tình dục, không chỉ để lại hậu quả nặng nề với bản thân người bị hại mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình và xã hội. Đây là hồi chuông báo động sự suy đồi đạo đức, nhân cách và sự lệch lạc trong nhận thức, lối sống của những kẻ gây ra tội ác này.
Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em là thể hiện trách nhiệm và tình yêu thương với trẻ. (Trong ảnh: CLB Nụ cười hồng phối hợp với các nhà hảo tâm tổ chức vui chơi, tặng quà cho trẻ em Khu tái định cư Lung Ranh, xã Khánh Hội, huyện U Minh). Ảnh: HOÀNG DIỆU |
Do đó, việc chọn chủ đề “Chung tay bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em” năm 2020 nhằm nâng cao nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, gia đình và toàn xã hội tiếp tục hành động, dành sự quan tâm thiết thực, chia sẻ, tạo điều kiện cho trẻ em được hưởng những gì tốt đẹp nhất. Trưởng phòng Bảo trợ và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau Bùi Lệ Oanh cho biết, để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu vì trẻ em, tạo tiền đề cho việc thực hiện trong những năm tiếp theo, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và tổ chức chính trị, xã hội cần tăng cường tuyên truyền Luật Trẻ em, Nghị định 56/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Các cơ sở giáo dục cần thực hiện tốt việc dạy và học theo tinh thần Nghị định số 80/2017 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Về phía gia đình, cần gần gũi, quan tâm, để ý và chia sẻ với con trẻ. Bên cạnh việc chăm sóc, phụ huynh cần trang bị cho con những kỹ năng cần thiết để trẻ tự bảo vệ mình. Nếu phát hiện trẻ em bị xâm hại phải tố giác đến các cơ quan chức năng, không thương lượng, thoả hiệp, bao che cho đối tượng. Đặc biệt là các cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp cần mạnh tay, xử lý nghiêm minh những hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em.
Ngay trong tháng hành động vì trẻ em, ngành lao động phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng cho gia đình, nhà trường, trẻ em về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Đối với các cơ quan, nhà tạm lánh và địa chỉ tin cậy có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, vụ việc và hỗ trợ, can thiệp đối với các em bị bạo lực, xâm hại. Đặc biệt, tổ chức khoá học kỹ năng cho trẻ em đảm bảo an toàn, như trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, an toàn khi tham gia giao thông, kỹ năng cứu hộ và sơ cứu trẻ em bị tai nạn, thương tích để trẻ em có kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh. Bên cạnh đó, các lớp năng khiếu, âm nhạc, thể dục nhịp điệu… sẽ được tổ chức nhằm thu hút sự tham gia của trẻ em trong thời gian nghỉ hè, ưu tiên miễn các loại phí khi trẻ em tham gia khoá học này.
Quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em và tạo môi trường sống tốt, lành mạnh cho trẻ là nhiệm vụ chiến lược trọng tâm để phát triển đất nước bền vững, lâu dài. Trẻ em có được an toàn, được bảo vệ an toàn hay không? Câu hỏi này phải được các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đoàn thể, các tổ chức xã hội quan tâm đúng mức cũng như thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định của pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em./.
Thanh Phương