ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 18-10-24 11:58:21
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chuông vàng vọng cổ 2022 - Gọi tên người Cà Mau

Báo Cà Mau (CMO) Nếu như năm 2015, Nguyễn Thanh Toàn, quê Cà Mau, xuất sắc đoạt ngôi vị quán quân “Chuông vàng vọng cổ” (cuộc thi do Ðài Truyền hình TP Hồ Chí Minh tổ chức), thì nay thành tích ấy được lặp lại với người con của mảnh đất cực Nam khi Dương Thị Diễm (nghệ danh Ngọc Diễm) vừa đăng quang danh hiệu Chuông vàng trong cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” lần thứ 17 năm 2022. Chia vui cùng các nghệ sĩ trẻ, người Cà Mau có quyền tự hào về bề dày lịch sử văn hoá xứ sở đã sản sinh ra những tài năng nghệ thuật.

Là thí sinh được khán giả yêu thích nhất sau vòng Tuyển chọn 2 và được NSND Bạch Tuyết trao tấm vé cuối cùng vào top 9, Ngọc Diễm đã có hành trình lội ngược dòng ấn tượng trong đêm Chung kết xếp hạng. Thể hiện trích đoạn "Công chúa An Tư" và một bài ca cổ (bốc thăm), Ngọc Diễm được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao từ cách hát, luyến láy, nhịp nhàng đều được xử lý khéo léo, tròn đầy. Ngọc Diễm được vinh danh ngôi vị cao nhất, với số điểm 99,69.

Ngọc Diễm sinh ra và lớn lên ở huyện Cái Nước. Ba mẹ Diễm đều yêu thích nghệ thuật, mê nghe ca hát. Vậy nên ngay từ nhỏ, Ngọc Diễm đã được đắm chìm trong không gian của những câu hò, điệu lý, của những bài bản cải lương. Nghe, tập tành hát theo nghệ sĩ, giọng ca ngọt ngào của Diễm dần đóng vai trò chủ đạo trong phong trào văn nghệ ở trường. Năm học lớp 12, Diễm làm gan đăng ký tham gia Tiếng hát Phát thanh - Truyền hình giọng ca cải lương “Giải Bông tràm” (Cà Mau) và đoạt giải Khuyến khích.

Từ ấy, niềm đam mê được đứng trên sân khấu, được hát cho khán giả nghe ngày càng cháy bỏng. Diễm mơ ước một ngày nào đó mình có thể được học hát một cách bài bản, có thể trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Thế nhưng, Ngọc Diễm thuận theo ý ba mẹ thi đại học, trở thành cô sinh viên Khoa Ngôn ngữ học, Trường Ðại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh năm 2012. Thời gian này, Diễm tranh thủ ban đêm vượt đường xa, tham gia các lớp dạy hát, biểu diễn ngắn hạn, được bạn bè, thầy cô dẫn dắt, Diễm đến với các không gian ngập tràn giai điệu, tự học bằng chính trải nghiệm của mình.

Ngọc Diễm sở hữu ngoại hình sáng và giọng ca ngọt ngào.  (Ảnh nhân vật cung cấp)

Sau khi hoàn thành chương trình đại học năm 2016, Ngọc Diễm hoạt động nghệ thuật tự do và thử sức cọ xát để làm đầy thêm hành trang đến với sân khấu chuyên nghiệp. Năm 2017, Diễm tham gia "Ðường đến Danh ca vọng cổ" (HTV7), nhưng không được các huấn luyện viên chọn vào vòng trong. Ngọc Diễm không bỏ cuộc mà tiếp tục trau dồi bản thân, đến với “Chuông vàng vọng cổ” năm 2021 và lọt vào nhóm 9 thí sinh tài năng nhất mùa thi. Tuy nhiên, việc lúng túng trong phần vào vọng cổ khi thể hiện trích đoạn "Tâm sự Ngọc Hân" khiến Diễm phải dừng chân từ đêm Chung kết 1 ở mùa thi này.

Ðến với “Chuông vàng vọng cổ” năm nay, Ngọc Diễm vẫn chưa thực sự được đào tạo bài bản qua các trường lớp, nhưng quá trình học từ những trải nghiệm thực tế cùng tình yêu nghệ thuật sân khấu cải lương đã trở thành sức mạnh để Diễm không ngừng nỗ lực, trưởng thành qua từng đêm thi và toả sáng với đam mê.

Ngọc Diễm tâm tình: “Em luôn biết bản thân còn nhiều điều phải học hỏi. Qua mỗi ngày, mỗi tuần thi, em rút ra thêm được nhiều điều mới mẻ. Con đường em đi là con đường phải học cả đời, em sẽ luôn nỗ lực để bản thân ngày một vững vàng hơn".

Trải qua mỗi vòng thi tại “Chuông vàng vọng cổ”, mỗi thí sinh sẽ phải đối mặt với thử thách có độ khó ngày một cao. Dưới áp lực của thời gian, sức khoẻ, Ngọc Diễm cũng như các thí sinh khác đều nỗ lực hết mình. Diễm chia sẻ: “Áp lực độ khó của bài thi trích đoạn khiến em căng thẳng lắm. Thời điểm lên sân khấu, em tự nhủ phải hát hết mình vì chính ước mơ của bản thân, vì em muốn tri ân khán giả yêu thương em. Ðó cũng là cách để em bày tỏ lòng biết ơn của mình đến huấn luyện viên, ban giám khảo và tất cả những người yêu mến, ủng hộ em".

Nghệ sĩ Ngọc Diễm trong đêm đăng quang quán quân Chuông vàng vọng cổ 2022. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ngọc Diễm sở hữu ngoại hình sáng, chất giọng vang, cột hơi tốt, bản lĩnh sân khấu vững vàng và dám thử thách bản thân. Với bệ đỡ là thành tích tốt tại "Chuông vàng vọng cổ" năm 2022 - một cuộc thi chất lượng và uy tín đã góp phần không nhỏ trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương, chắc chắn cô gái mê hát của mảnh đất Cà Mau sẽ ngày một tiến xa hơn trên con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.

Không chỉ mong được đứng trên sân khấu cất tiếng hát bay xa, Ngọc Diễm còn khát khao góp phần đưa nghệ thuật cải lương đến gần hơn với khán giả. Từ 2 năm trước, Ngọc Diễm đã đi cùng xu hướng, mở ra kênh YouTube cá nhân để đưa các sản phẩm tân cổ của mình đến gần hơn với khán giả, nhất là những người trẻ. Quá trình sáng tạo nội dung trên YouTube giúp cô có cơ hội gặp gỡ, làm việc chung và học hỏi với nhiều nghệ sĩ, trong đó có những cái tên đã thành danh từ cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” như: Chuông vàng vọng cổ Nhật Nguyên, Chuông vàng vọng cổ Bùi Trung Ðẳng, Chuông vàng vọng cổ Nguyễn Văn Khởi...

 

Mộng Thường

 

Nghệ nhân Ưu tú Thanh Hồng: Cung đờn nâng giấc mơ đời

Mảnh đất Cà Mau có không ít thầy đờn cổ nhạc giỏi với ngón đờn trác tuyệt, nhưng nếu nói tới tiếng đờn Vi-ô-lông thì khách mộ điệu sẽ nhớ ngay đến Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Thanh Hồng - nghệ nhân hiếm hoi “chuyên” về nhạc cụ này và vang danh ở cả hai lĩnh vực: quần chúng lẫn chuyên nghiệp.

Thêm góc nhìn về đồng bằng sông Cửu Long

Liên hoan Ảnh nghệ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) lần thứ 39 năm 2024 vừa được tổ chức khai mạc triển lãm vào ngày 30/9 tại tỉnh Vĩnh Long, đây là hoạt động do Hội Văn học - Nghệ thuật các tỉnh trong khu vực luân phiên đảm nhiệm, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam bảo trợ về mặt chuyên môn. Ban Tổ chức đã nhận được 1.851 tác phẩm, trong đó có 971 ảnh màu và 880 ảnh đen trắng, của 252 tác giả trong khu vực gửi tham gia.

Phù sa thao thức, gửi lại thương nhớ dòng sông

Tình cờ đọc được tập thơ Ðánh thức Sông Hồng, của tác giả Huỳnh Thuý Kiều, do Nhà xuất bản Văn học vừa ra mắt. Trong cái chiều Cà Mau mưa nặng hạt, nghe trong gió còn vọng tiếng buồn hậu cơn bão số 3, những vần thơ của Huỳnh Thuý Kiều như đưa người đọc vào hành trình cảm xúc tinh tế, đầy trăn trở về tình yêu quê hương, con người và cả những suy tư sâu lắng về dòng chảy thời gian.

Đoàn Nghệ thuật Khmer: Nhiều tiết mục đặc sắc phục vụ lễ Sene Dolta

Nhằm phục vụ tốt lễ Sene Dolta, những ngày qua, Ðoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau không ngừng tập luyện, xây dựng nhiều chương trình, tiết mục văn nghệ đặc sắc. Các tiết mục phục vụ lễ Sene Dolta năm nay được đoàn dàn dựng theo hướng hiện đại, kết hợp với yếu tố truyền thống. Qua đó, không chỉ phát huy được bản sắc văn hoá dân tộc mà còn chứa đựng nhiều sự mới lạ, độc đáo với người xem.

Ðộc đáo múa bóng rỗi

Múa bóng, hát rỗi (hay còn gọi là múa bóng rỗi) là bộ môn nghệ thuật diễn xướng, ra đời cách nay hàng trăm năm ở vùng đất Nam Bộ. Bộ môn này thường được tổ chức vào các dịp lễ hội cúng đình, miếu, cúng Bà Chúa Xứ, Bà Thuỷ Long, Bà Thiên Hậu...

Khai mạc Triển lãm mỹ thuật khu vực VIII ĐBSCL lần thứ 29

Sáng 27/9, tại tỉnh Kiên Giang tổ chức khai mạc Triển lãm mỹ thuật khu vực VIII ĐBSCL lần thứ 29. Đây là sự kiện được tổ chức luân phiên tại các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Nghề thủ công truyền thống

Nghề thủ công truyền thống của người Việt rất phong phú, phát triển và truyền lại qua nhiều thế hệ, được các đời con, cháu giữ gìn, đúc kết kinh nghiệm, tạo nên các sản phẩm thủ công độc đáo, tinh xảo, mang đậm nét đặc trưng vùng miền. Nghề thủ công không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế mà còn chứa đựng nhiều phong tục tập quán, nét văn hoá truyền thống làng quê Việt Nam. Các sản phẩm thủ công truyền thống gắn bó với đời sống, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của con người.

Một lần đến Cà Mau

Chương trình Cà Mau Art Tour 2024 với chủ đề “Cà Mau - Hành trình xanh sống động” quy tụ 20 hoạ sĩ và 6 nhạc sĩ đến từ 3 miền đất nước. Các văn nghệ sĩ đã lưu lại trong lòng những xúc cảm và tình yêu đối với những điểm du lịch, phong cảnh, văn hoá và con người Cà Mau.

Yêu màu áo lính

Từ nhỏ đã mê hình ảnh đẹp về quê hương, Nguyễn Lê Tiến hay cắt những tấm ảnh chụp phong cảnh của các nghệ sĩ nhiếp ảnh từ lịch treo tường để dành ngắm nghía. Năm học lớp 10, khi được ba mẹ tặng chiếc điện thoại Samsung Galaxy S3, hành trình chụp ảnh của anh bắt đầu. Cứ tan học, anh lại lang thang loanh quanh trong huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An kiên trì chụp nhiều ảnh sông nước, làng quê... lấy đó làm niềm vui trong cuộc sống, thư giãn.

Sức sống văn nghệ quần chúng

Văn nghệ quần chúng (VNQC) là các hoạt động văn học, nghệ thuật mang tính chất quần chúng, cộng đồng, với mục đích phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá ở địa phương, theo chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thời gian qua, phong trào VNQC ở huyện Ðầm Dơi hoạt động sôi nổi và hiệu quả, thuộc tốp mạnh nhất của tỉnh Cà Mau.