(CMO) Bữa nọ nghe mấy người quen ở Phường 1, TP Cà Mau, khoe: “Ngộ thiệt nghen! Phường 1 bây giờ nhà nào có hỉ sự thì được trên uỷ ban gởi thư chúc mừng, còn nhà nào có tang chế thì được phường lo luôn việc chứng tử trao tận nhà kèm theo thư chia buồn. Hồi đó giờ mới thấy luôn”.
Đúng là hồi đó giờ, ít có nơi nào chính quyền cơ sở lại làm những chuyện “lạ” như vầy. Lạ mà rất hay. Chỉ những cử chỉ nhỏ thôi, những việc làm đơn giản thôi, người ta thấy văn minh hẳn. Xây dựng đô thị văn minh hô hào như thế nào không biết, nhưng cứ làm như Phường 1 là rất ổn, rất văn minh.
Tiên phong trong cách nghĩ, cách làm
Cải cách hành chính, đổi mới cách phục vụ Nhân dân là điểm sáng nổi bật của Phường 1, TP Cà Mau. |
Người dân thuộc 3 nhóm đối tượng chính sách, nghèo - cận nghèo và bảo trợ xã hội vui mừng đến nhận tiền hỗ trợ tại UBND Phường 1. |
Với tâm trạng khá tò mò, chúng tôi đến Phường 1, Phó chủ tịch UBND Bùi Thanh Tấn cười tươi nói: “Mấy chuyện này chúng tôi làm từ năm 2017”. Ngạc nhiên chưa? Vậy là chúng tôi đã quá lạc hậu tình hình. Ông Tấn cho biết: “Lãnh đạo của phường hiện tại đều rất trẻ, thế nên cách nghĩ, cách làm cũng có một số điểm đột phá. Quyết tâm của phường là xây dựng được bộ máy chính quyền thật sự vì Nhân dân phục vụ. Mỗi cán bộ phải ý thức cao độ về trách nhiệm, nghĩa vụ công bộc của mình”. Đổi mới phải bắt đầu từ nhận thức, suy nghĩ và ngay sau đó là những hành động cụ thể, từ việc nhỏ nhất.
Ông Tấn kể cho chúng tôi nghe về chuyện “tập nói, tập cười” cho cán bộ, đặc biệt là với cán bộ tiếp dân. Lâu nay, người dân tới với chính quyền phường thường kèm theo những cảm giác khá căng thẳng. Chẳng vậy mà khi có vấn đề gì là người ta lại hay lôi cái câu trêu ghẹo nghe thô thô mà cũng đầy ám ảnh: “Mời dìa phường”. Trong mường tượng chung, “ông” cán bộ phường thường có bộ mặt rất “ngầu”, hơi (hoặc là luôn luôn) gắt gỏng. Bữa nào “ông” cán bộ vui còn đỡ, bữa nào mà bực bội, khó chịu chuyện gì thì... thôi rồi. Để lôi cái “ông” cán bộ phường tuột khỏi định kiến ấy không hề dễ dàng. UBND Phường 1 mở hẳn một phong trào phát động thi đua để cán bộ tập cười với dân, tập nói chuyện thân thiện với dân, tập đến tận nơi với người dân để sẻ chia, hỗ trợ.
Năm 2017, Phường 1 làm một cuộc “cách mạng” thật sự trong sự ngỡ ngàng vui mừng của người dân. Gia đình nào làm thủ tục đăng ký kết hôn; làm giấy khai sinh cho con (con đầu lòng và con thứ 2) sẽ được uỷ ban gởi giấy tờ đến tận nhà (công an khu vực đảm nhận việc này), kèm theo đó là một thư chúc mừng. Với những gia đình có tang chế, trưởng khóm sẽ nắm bắt, báo cáo và tiến hành làm giấy chứng tử để uỷ ban trao tận nhà, kèm theo đó là thư chia buồn với tang quyến. Đến năm 2018, uỷ ban đã liên thông các thủ tục có liên quan cho người qua đời như xoá khẩu, mai táng phí...
Ở Phường 1, nhà nào cũng được tặng một móc khoá an ninh với tên tuổi, số điện thoại của Bí thư Đảng uỷ; Chủ tịch UBND và Trưởng Công an phường. Ông Tấn khẳng định: “Bà con có vấn đề gì đều có thể phản ánh trực tiếp, kịp thời. Lãnh đạo của phường luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ người dân”. Phường 1 cũng đã lắp đặt camera an ninh ở tất cả các trục đường chính. Từ một địa bàn vùng ven, Phường 1 vươn lên thành một điểm sáng của hình mẫu chính quyền cơ sở đô thị văn minh, phục vụ. 2 năm liền, Phường 1 đứng đầu thành phố về cải cách hành chính (trong tổng số 17 xã, phường). Giải quyết thủ tục hành chính của phường đã ở mức dịch vụ trực tuyến, nhận và trả kết quả theo yêu cầu. Điều đáng nói, đây là phường hiếm hoi được các đơn vị bạn tìm đến để học hỏi kinh nghiệm, cách làm.
Vì Nhân dân phục vụ
Hôm chúng tôi đến, Phường 1 đang rốt ráo công tác phát tiền hỗ trợ các đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 theo chủ trương của Chính phủ. Ông Tấn thông tin: “Tiền về tới là chúng tôi chỉ đạo phát ngay. Làm sao để tiền đến tay người dân sớm nhất, đúng người, đúng quy định”. Cán bộ phát tiền Phạm Thị Phương Thoảng chia sẻ: “Đối tượng nhận tới mấy trăm người. Chúng tôi phải phát đến 8 giờ tối hôm qua, hôm nay cố gắng sẽ cấp phát hết”. Chưa kịp ăn sáng, nhưng chị Thoảng nói: “Bà con mong tiền hỗ trợ lắm, tới uỷ ban sớm đợi, mình tranh thủ phát để mọi người về còn đi làm”.
Ông Nguyễn Văn Út đi xe ôm tới phường nhận tiền hỗ trợ, cầm 1,5 triệu đồng trên tay mà ông cười như mếu: “Đỡ khổ rồi, hổm rày tui trông tiền hỗ trợ mà không ngủ được luôn. Nhà khổ quá, giờ cũng đang thất nghiệp”. Bà Huỳnh Thị Sang lọ mọ đưa giấy tờ cho cán bộ để nhận tiền, khi cán bộ nhắc bà thiếu giấy chứng minh Nhân dân, bà lo lắng: “Trời đất ơi! Vậy là tui bỏ quên ở nhà rồi”. Rất nhanh chóng, một cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo của Phường 1 tới xác nhận: “Hộ cô này đúng là ở Khóm 5, thuộc đối tượng hỗ trợ”. Cô Sang cầm tiền trên tay mà rơi nước mắt: “Tôi bệnh tật, đi lại khó khăn, sáng phải đi xe ôm lên đây, nếu không có cán bộ giúp thì phải chạy lòng vòng chắc mệt xỉu”.
Vợ chồng ông Huỳnh Minh Thành và Nguyễn Thị Nhiên dìu nhau lên phường nhận tiền hỗ trợ. Ông chạy xe ôm, bà bán vé số. Cả hai bệnh tật, riêng bà Nhiên gần như bị liệt. Cuộc sống thuê trọ, “làm ngày nào xào ngày đó” vì dịch Covid-19 càng trở nên bí bách. Ông Thành bộc bạch: “Hồi giãn cách xã hội, vợ chồng tôi đâu có mần ra đồng nào, húp mì tôm cầm cự. Cũng may là ở khóm, ở phường, rồi bà con xung quanh thương tình cưu mang, nếu không thì khổ lắm”. Dân nghèo thành thị gặp cơn đại dịch thì khổ nào tả xiết. Giây phút ấy, chúng tôi mới thấm thía giá trị của thành ngữ “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ, cuộc sống của những cảnh đời khốn khó sẽ về đâu...
Trong câu chuyện, ông Tấn cho biết thêm, đại dịch Covid-19 đã khiến đời sống của khoảng 2.000 đối tượng thuộc địa bàn phường gặp khó khăn. Phường 1 đã vận động hơn 4 tấn gạo, 1.000 thùng mì và nhu yếu phẩm để hỗ trợ, chia sẻ với người dân. Phường 1 đã thực hiện đúng phương châm của đất nước, không một ai bị bỏ lại phía sau. Được phát tiền hỗ trợ đã vui, và cái cách mà cán bộ trao tiền tận tay, ân cần thăm hỏi, tươi cười động viên người dân đã biểu hiện những chân giá trị tốt đẹp nhất của một chính quyền vì dân phục vụ.
Ghé thăm Phường 1, chúng tôi cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực, đổi mới của nơi này. Mới không cần phải to tát, đó chỉ là những điều giản dị mà phường nào, xã nào, cán bộ nào cũng có thể thực hiện được. Bài học kinh nghiệm ở đây khi nói ra có thể nhiều người sẽ cười nhưng là sự thật: Cán bộ biết chào hỏi, biết cười, biết cảm ơn, biết xin lỗi, biết nói năng lịch thiệp. Thông thạo hết từng ấy thứ, cán bộ sẽ học được cách để phụng sự Nhân dân. Chuyện đẹp ở Phường 1 đúng là điều mà người dân đang cần và mong ngóng nở rộ khắp nơi nơi.../.
Phạm Quốc Rin