Xây dựng “Văn hoá giao thông (VHGT) với bình yên sông nước” là tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường thuỷ nội địa (TNĐ). Trong đó, cơ bản là công tác tuyên truyền nhằm tạo thói quen ứng xử có văn hoá, tự giác chấp hành quy định pháp luật khi tham gia giao thông.
Xây dựng “Văn hoá giao thông (VHGT) với bình yên sông nước” là tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường thuỷ nội địa (TNĐ). Trong đó, cơ bản là công tác tuyên truyền nhằm tạo thói quen ứng xử có văn hoá, tự giác chấp hành quy định pháp luật khi tham gia giao thông.
Hiện nay, đường thuỷ không còn là tuyến giao thông “huyết mạch” bởi hệ thống giao thông đường bộ đã kết nối đến tận các vùng nông thôn sâu. Song, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có đến 57 tuyến đường thuỷ với tổng chiều dài trên 1.100 km, dọc theo đó là hoạt động của hàng trăm bến khách ngang sông (BKNS), bến TNÐ… mà trong đó có không ít bến tự phát, không đủ điều kiện hoạt động theo quy định, nhất là việc đặt chướng ngại vật khai thác thuỷ sản trên sông, lấn chiếm luồng tuyến giao thông.
Kiểm tra việc đăng ký “Phương tiện an toàn”. |
Từ thực tế đó, để tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động giao thông đường thuỷ, từng bước sắp xếp trật tự ATGT thì xây dựng phong trào “VHGT với bình yên sông nước” theo phát động của Uỷ ban ATGT quốc gia được xem là giải pháp tích cực. Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng “VHGT với bình yên sông nước”, từ năm 2011, các địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền và có 4/9 huyện đăng ký mô hình an toàn, đến nay, các mô hình này đang phát huy hiệu quả.
Cái Nước là 1 trong 4 đơn vị đăng ký mô hình “Tuyến sông ATGT”. Cuối năm 2014, Ban ATGT huyện đã công nhận tuyến sông Rạch Rập - Ðầm Cùng (đoạn thuộc huyện Cái Nước), có chiều dài 7 km là tuyến đạt chuẩn “VHGT đường thuỷ”. “Ðẩy mạnh cuộc vận động, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các thủ tục về công tác kiểm định, đăng ký phương tiện TNÐ. Bên cạnh đó là tăng cường công tác tuyên truyền đến tận các khóm, ấp, trường học, BKNS… lồng ghép VHGT với bình xét gia đình văn hoá, ấp văn hoá… Ðồng thời, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát. Vì vậy, không chỉ đảm bảo ổn định mô hình đã xây dựng mà tình hình giao thông đường thuỷ ở Cái Nước có chuyển biến tích cực hơn”, ông Huỳnh Quốc Hùng, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cái Nước, cho biết.
Theo Trung tá Huỳnh Quốc Biến, Phó trưởng Phòng Cảnh sát đường thuỷ: Do đặc thù kinh rạch chằng chịt nên tình trạng tái chiếm luồng tuyến giao thông để đặt công cụ khai thác thuỷ sản trên sông vẫn còn xảy ra trên các tuyến sông nhánh. Các địa phương có đẩy mạnh xây dựng phong trào “VHGT với bình yên sông nước”, nhưng nhìn chung hầu hết chưa thực hiện đúng các tiêu chí theo quy định của Uỷ ban ATGT quốc gia. Tuy nhiên, gần 5 năm phát động phong trào, các địa phương đã tập trung vào một số nội dung tuyên truyền vận động các tầng lớp Nhân dân, lực lượng chức năng, tổ chức xã hội… xây dựng nếp sống VHGT, tạo thói quen ứng xử có văn hoá, tự giác chấp hành quy định pháp luật về trật tự ATGT đường TNÐ, đã tạo chuyển biến mạnh về nhận thức người tham gia giao thông, tai nạn giao thông được kiềm giảm so với trước.
Với mô hình bến khách an toàn, Ðầm Dơi cơ bản hoàn thành một số nội dung tiêu chí đặt ra như: bến đáp ứng điều kiện hoạt động, phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện chấp hành tốt quy định pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa, khu vực bến được đảm bảo an ninh trật tự, không xảy ra tai nạn giao thông trong khu vực bến… Ông Nguyễn Việt Bắc, Phó Trưởng Ban Ðiều hành bến tàu, xe huyện Ðầm Dơi, cho biết: Hiện tại, bến tiếp tục hoàn thiện biển báo ở hai đầu bến, phổ biến tiêu chí VHGT khu vực bến. Ðồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để được công nhận đạt chuẩn bến khách an toàn và sẽ nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn huyện.
Theo ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, qua đợt kiểm tra đánh giá thực tế, sau 5 năm xây dựng phong trào “VHGT với bình yên sông nước” ở một số địa phương, nhận thấy một số mô hình chưa đạt hết các tiêu chí, nhưng nhiều địa phương rất nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động xây dựng phong trào. Từ đó, tình trạng đặt chướng ngại vật trên các tuyến sông chính đã giảm hẳn, luồng tuyến giao thông thông thoáng hơn, các BKNS cơ bản đáp ứng đầy đủ các quy định về hoạt động bến bãi. Kết quả này giúp các địa phương thuận lợi hơn trong việc đẩy mạnh cuộc vận động thực hiện “VHGT với bình yên sông nước” trong thời gian tới./.
Bài và ảnh: Mỹ Pha