Khi điều kiện giao thông phát triển, mặt bằng dân trí và điều kiện kinh tế - xã hội ở mức cao hơn, việc xoá dần các điểm lẻ trong giáo dục phổ thông ở Cà Mau là điều tự nhiên.
Khi điều kiện giao thông phát triển, mặt bằng dân trí và điều kiện kinh tế - xã hội ở mức cao hơn, việc xoá dần các điểm lẻ trong giáo dục phổ thông ở Cà Mau là điều tự nhiên. Ông Lê Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT, cho biết: “Chỉ đạo trực tiếp của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân là phải ổn định hệ thống trường lớp theo hướng xoá và gom các điểm lẻ về điểm chính, để từ đó đầu tư tập trung, nâng chất toàn diện giáo dục”.
Ðặc thù ở Cà Mau, điểm lẻ phần lớn tập trung ở bậc tiểu học với số lượng rất lớn. Ngoài những nơi thực sự bức xúc, nhiều điểm lẻ đã không còn tồn tại. Căn cứ vào điều kiện thực tế, Cà Mau đã mạnh dạn chuyển công năng của các điểm lẻ này thành trường mầm non.
Ông Liêm nhận định: “Cách làm này có thể tranh thủ được cơ sở vật chất sẵn có, tiết kiệm kinh phí đầu tư xây mới. Quan trọng hơn, những nơi này làm rất tốt công tác vận động, thu hút các cháu ở lứa tuổi mầm non”.
Tiên phong chuyển đổi
Thới Bình là đơn vị tiên phong trong việc chuyển công năng các điểm lẻ bậc tiểu học thành trường mầm non. Các địa phương khác cũng đã xây dựng được đề án cụ thể và sẽ triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tận dụng cơ sở vật chất từ Trường Tiểu học Thới Hoà, Trường Mầm non Vàng Anh, xã Thới Bình, huyện Thới Bình đã dần ổn định và nâng cao chất lượng giáo dục. |
Lợi ích của việc làm này được ông Liêm phân tích thêm: “Ðiểm lẻ tiểu học thì dần dần phải xoá, nhưng còn cơ sở vật chất ở đó thì tính sao? Bỏ thì rất phí. Vì thế, đặt trường mầm non ở nơi này, các cháu vùng sâu, vùng xa đi học dễ dàng hơn, tỷ lệ huy động vì thế cũng sẽ cao hơn”.
Thới Bình có lợi thế về giao thông, đây cũng là điều kiện để ngành giáo dục dần xoá - gom các điểm lẻ bậc tiểu học. Thới Bình không chỉ tiên phong mà cho thấy hiệu quả bất ngờ khi biết vận dụng điều kiện thực tế để hoạch định phát triển giáo dục.
Ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Trưởng Phòng GD&ÐT huyện Thới Bình, đánh giá: “Nếu không dùng cơ sở vật chất của tiểu học thì kinh phí đầu tư cho bậc học mầm non sẽ rất lớn và chưa chắc ổn định như hiện nay”.
Tính đến thời điểm hiện tại, 54 phòng học của tiểu học đã chuyển cho mầm non sử dụng, chưa kể 29 phòng mầm non đang học gởi các điểm tiểu học. Trong số 18 trường mầm non của Thới Bình, có 6 trường mầm non thành lập từ việc lấy cơ sở vật chất điểm lẻ của tiểu học.
Ông Sang thổ lộ: “Trước năm 2010, toàn huyện chỉ có 10 trường mầm non, mà nhu cầu thực tế lên đến 18 trường, khi đó cả ngành không biết tính toán sao. Từ việc xoá - ghép điểm lẻ tiểu học, ý tưởng hình thành các trường mầm non từ những điểm lẻ cũng hình thành".
Từ ý tưởng đến thực tế, ngành giáo dục Thới Bình đối mặt với không ít khó khăn. Bà Huỳnh Ánh Tuyết, Chuyên viên phụ trách bậc học mầm non của Phòng GD&ÐT Thới Bình, tâm sự: “Chỉ khoảng 10 năm trước thôi, bậc học mầm non gần như không có gì. Cán bộ, giáo viên ở bậc học này đôi lúc thấy nản lắm”.
Rồi với sự quan tâm đúng mức, sự đầu tư lớn hơn, bậc học mầm non cũng chuyển mình mạnh mẽ. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư có hạn, trong khi đó nhu cầu thực tế quá lớn, như lời bà Tuyết: “Mình sợ đầu tư chỗ này, chỗ kia sẽ thiệt thòi, khó mà đồng đều”.
Chính những điểm lẻ tiểu học đã giúp giảm bớt kinh phí xây mới, thay vào đó, ngành giáo dục Thới Bình dùng vốn để nâng cấp, sửa chữa, chuyển công năng, bổ sung trang thiết bị.
Ông Sang cho biết thêm: “Các điểm lẻ tiểu học phần đầu tư lâu, phần cũng hạn chế về quy mô, do đó bậc học mầm non chủ yếu là sử dụng phần khung, các hạng mục còn lại phải chuyển công năng, đầu tư nâng cấp thêm. Nhưng có điều chắc chắn là tiết kiệm được rất nhiều kinh phí, tận dụng được vị trí thuận lợi của các điểm lẻ để thu hút học sinh”.
Với cách làm này, trong năm học mới, số trẻ huy động của bậc mầm non của huyện tăng hơn 700 em so với năm trước ở tất cả các độ tuổi. Bà Huỳnh Ánh Tuyết phấn khởi: “Giờ trường mầm non mở ra tới tận xóm, ấp. Nhận thức người dân cũng thay đổi, ai cũng muốn con mình được học ngay từ những lớp mầm, chồi”.
Tuỳ vào điều kiện thực tế
Với 18 trường mầm non, Thới Bình chỉ có khoảng 7 trường đủ chuẩn theo quy định, các trường còn lại chủ yếu đảm bảo nhu cầu giáo dục thực tế. Vấn đề này được bà Tuyết chia sẻ: “Cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về cơ sở vật chất để các trường mầm non thực sự phát triển”.
Yêu cầu này là chính đáng, nhưng đối với những trường mầm non ở nông thôn thì gặp vô vàn khó khăn. Tại Trường Mầm non Vàng Anh, xã Thới Bình, bà Quách Thị Ngọc Như, Hiệu trưởng nhà trường, bộc bạch: “Nhìn chung hoạt động của trường cũng tạm ổn, nhưng chưa thực hiện được bán trú như nơi khác”. Trường Vàng Anh thành lập trên cơ sở vật chất của Tiểu học Thới Hoà, quy mô 5 phòng học và 1 điểm lẻ ở Trại Chú.
Bằng tinh thần vượt khó, sự đồng thuận của xã hội, ngôi trường Mầm non Vàng Anh ngày càng khang trang, chất lượng giáo dục từng bước nâng lên. Vấn đề ở chỗ, Tiểu học Thới Hoà có quy mô nhỏ, nên cơ sở vật chất của Vàng Anh cũng còn “thiếu trước, hụt sau”.
Bà Ngọc Như mong mỏi trường được hỗ trợ để có kinh phí xây thêm phòng học, phòng thiết bị, nhà kho và phòng chức năng. "Có như vậy thì trong tương lai mới đảm bảo chất lượng giáo dục”, bà Như cho biết.
Trường Mầm non Hoa Phượng, xã Tân Phú tiếp nhận cơ sở vật chất của Tiểu học Tân Phú với 8 phòng từ năm 2009. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hiền thông tin: “Hiện tại trường có 21 lớp với 565 học sinh, các hoạt động giáo dục đều đảm bảo”.
Cũng như Trường Vàng Anh, Hoa Phượng phải đầu tư sân bãi, nâng cấp, chuyển công năng cơ sở vật chất… mất đến 2 năm để ổn định. Theo lời bà Nguyễn Thị Hiền, cách làm này có ưu điểm, nhưng cũng phải tính toán thật kỹ càng, bám sát vào điều kiện thực tế. Bởi nếu các điểm trường tiểu học xây dựng lâu, cơ sở vật chất không đảm bảo thì việc tiếp nhận và chuyển công năng của mầm non là rất khó khăn. Chưa kể, còn phải tính đến những mục tiêu cao hơn như thực hiện bán trú, đạt chuẩn quốc gia.
Ông Sang cũng cho rằng: “Cần lắng nghe ý kiến của nhiều phía, quá trình làm cần kiên trì, huy động được nhiều nguồn lực”.
Ông Lê Thanh Liêm khẳng định: “Mọi cách làm phải vận dụng, linh động, trên tinh thần hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, cũng không vì tiết kiệm chuyện nhỏ mà ảnh hưởng đến những mục tiêu lớn, dài hơi”./.
Bài và ảnh: Phạm Nguyên