ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 23-9-24 23:29:22
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chuyển đổi số bứt phá từ tư duy - Bài 1: Nền tảng công nghệ

Báo Cà Mau (CMO) LTS: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại công nghiệp 4.0 đang phát triển rất nhanh. Cụm từ “chuyển đổi số” gần đây được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, là quá trình ứng dụng những công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động trên các lĩnh vực. Ngành giáo dục - đào tạo Cà Mau đã và đang bắt nhịp cùng xu thế này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có những thuận lợi và thách thức đan xen. Từ số báo này, báo Cà Mau sẽ khởi đăng loạt bài viết Chuyển đổi số - Bứt phá từ tư duy của Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Giáo dục - Ðào tạo (GD-ÐT) Cà Mau. Bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về quá trình thực hiện chuyển đổi số ở các đơn vị, trường học trong tỉnh.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu giúp giáo dục Cà Mau có cơ hội tiếp cận nhanh để phát triển. Ngành giáo dục tiên phong làm tốt chuyển đổi số sẽ giúp giáo viên, học sinh, sinh viên tiếp cận tri thức, kỹ năng trên nền tảng công nghệ, chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên, mặc dù trước mắt có nhiều khó khăn, thách thức. Niềm tin vào giáo dục chia sẻ, suy nghĩ thấu đáo, tư duy bứt phá, thái độ sẵn sàng, chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều kết quả.

Học sinh Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau) tiếp cận công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả học tập. Ảnh: BĂNG THANH

Kết quả đầu tư tạo tiền ðề chuyển đổi số

Những năm gần đây, ngành giáo dục và đào tạo Cà Mau xác định ứng dụng công nghệ thông tin là 1 trong 9 nhiệm vụ trọng tâm để hướng đến mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hiện nay, 100% trường học trong tỉnh từ mầm non đến các cấp học phổ thông đều được kết nối Internet và có mạng nội bộ phục vụ yêu cầu quản lý, hoạt động dạy và học. Tuy chưa được trang bị đủ theo yêu cầu công việc, nhưng các trường học đều có được máy vi tính để bàn, máy chiếu, tivi, bảng tương tác để phục vụ việc dạy học. Nhiều trường được đầu tư phòng máy vi tính tích hợp các môn học theo hướng một phòng học có thể dạy được nhiều môn, nhiều chức năng được tích hợp, liên thông, đồng bộ, tiêu chuẩn phòng học thông minh.

Theo quy định của Bộ GD-ÐT, môn Tin học tiêu chuẩn ở cấp tiểu học là 24 học sinh/máy vi tính, cấp trung học cơ sở (thcs) là 16 học sinh/máy vi tính, cấp trung học phổ thông (thPT) là 12 học sinh/máy vi tính. Thống kê toàn tỉnh hiện nay, cấp tiểu học có 2.203 máy tính/64.454 học sinh, đạt 82,03% (thiếu 483 bộ); cấp THCS có 1.738 máy/70.025 học sinh, đạt 39,71% (thiếu 2.639 bộ); cấp THPT có 2.038 máy/33.117 học sinh, đạt 73,85% (thiếu 721 bộ). Riêng đối với giáo dục mầm non tuy chưa có quy định nhưng đầu tư còn rất thấp, có 221 máy/912 phòng học, tỷ lệ 24,23% (thiếu 691 bộ).

Ðiều đáng mừng là trong 2 năm gần đây, ngành giáo dục được đầu tư hệ thống phòng họp trực tuyến với 45 điểm cầu từ Sở GD-ÐT, 9 phòng giáo dục cho đến các trường THPT. Nhiều huyện đã đầu tư phòng họp trực tuyến đến các trường THCS, tiểu học và mầm non. Với hệ thống này không chỉ giảm việc hội họp tập trung để phòng, chống dịch Covid-19, mà còn rất tiện lợi trong việc tập huấn chuyên môn theo chương trình giáo dục phổ thông mới, vừa tiết kiệm được thời gian đi lại, vừa mở rộng được quy mô, số lượng mỗi cuộc tập huấn, tiết kiệm được khoản kinh phí lớn để đầu tư cho việc khác.

Hiện nay, Sở GD-ÐT đã triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến trong toàn ngành và kết nối hệ thống dịch vụ công của tỉnh. 100% thủ tục hành chính đều được cung cấp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và thực hiện hoàn tất việc tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia với Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để thực hiện thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trong giải quyết thủ tục hành chính. Riêng về hồ sơ và toàn bộ sổ nghiệp vụ được số hoá từ năm 2018 đến nay, theo thống kê, số hoá ở cấp mầm non có 11 loại, tiểu học 14 loại, THCS có 19 loại và cấp THPT có 19 loại. Cả 4 cấp học chuyển đổi số, tất cả hồ sơ, sổ nghiệp vụ kết quả thực hiện đạt bình quân 69,64%.

Toàn ngành đã triển khai hệ thống quản lý văn bản điện tử iOffice, thực hiện kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử đến 100% đơn vị, trường học và các phòng giáo dục theo trục liên thông văn bản của Sở GD-ÐT. Việc cung cấp, sử dụng hộp thư điện tử công vụ đối với đơn vị, trường học và cán bộ lãnh đạo quản lý là bắt buộc, đối với giáo viên được khuyến khích nên việc sử dụng trở thành phổ biến. Hiện nay, 100% văn bản đi của Sở GD-ÐT được ký số và tiến tới sử dụng thẻ sim PKI có tích hợp chữ ký số cho lãnh đạo ngành để thực hiện ký số trên thiết bị di động.

Ðối với công tác quản lý, toàn ngành đã triển khai số hoá, thiết lập cơ sở dữ liệu dùng chung từ Sở GD-ÐT đến phòng giáo dục và cơ sở giáo dục. Các phần mềm VnEdu của VNPT, SMAS của Viettel có đến 90,37% trường học lựa chọn. Phần mềm ứng dụng đối với công tác kiểm định chất lượng giáo dục đang thí điểm 63 trường học, giảm đáng kể quy trình, thủ tục văn bản và thời gian kiểm định. Việc thu phí, học phí nhiều trường đang triển khai thí điểm hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó các khoản thu tại các cơ sở giáo dục được quản lý trên môi trường điện tử.

Ðối với hoạt động chuyên môn, hiện nay 100% đơn vị, trường học có phần mềm quản lý trường học, sổ nghiệp vụ, hồ sơ, học bạ, sổ điểm, sổ liên lạc điện tử. Giáo viên các cấp học đều có thể chia sẻ kho học liệu của ngành, đã có hàng ngàn bài giảng điện tử E-learning để tham khảo, phát triển bài giảng. Hiện Sở GD-ÐT đã đưa vào sử dụng ngân hàng đề thi cấp THPT, đang xây dựng ngân hàng đề cấp THCS phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Phần mềm tuyển sinh đầu cấp được triển khai đến các đơn vị, trường học từ năm học 2020-2021. Phần mềm Trí Việt E-learning triển khai cho 153 trường phổ thông, bước đầu phát huy tác dụng.

Công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đảm bảo 100% triển khai bằng hình thức trực tuyến. Công tác bồi dưỡng ngắn hạn, bồi dưỡng chuyên đề thường xuyên cũng áp dụng bằng hình thức này. Các cơ sở dữ liệu được triển khai đồng bộ, liên thông nên việc thống kê, đánh giá chất lượng các hoạt động vừa nhanh gọn, tiết kiệm, thực chất và có độ chính xác cao.

Năm 2020, ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19, toàn ngành giáo dục đã triển khai dạy học trên truyền hình và dạy học trên nền tảng trực tuyến (LMS), mạng xã hội học tập được sử dụng và phát huy hiệu quả ở các cấp học. Một năm học mà học sinh phổ thông trong tỉnh có 8 lần gián đoạn đến trường, tổng số có đến 78 ngày phải nghỉ học, nhưng với phương châm “dừng đến trường, nhưng không dừng học”, toàn ngành rất nỗ lực để có thể dạy học, hướng dẫn học sinh ôn bài, rèn luyện tại nhà. Có khoảng 70% học sinh ở trung tâm thành phố và thị trấn trong tỉnh được nhà trường, thầy cô giáo tổ chức dạy học trực tuyến. Tuy mới chỉ là kết quả bước đầu, nhưng cho thấy từ trong gian khó, đã mở ra hướng phát triển mới đối với ngành giáo dục, cơ hội đó đặt trên nền tảng công nghệ số, làm cơ sở để chuyển đổi số đối với ngành trong thời gian tới.

Cơ hội và khó khăn, thách thức

Ngành giáo dục sớm nhận thức được vai trò to lớn của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đối với việc đổi mới và phát triển giáo dục. Hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư đáp ứng yêu cầu quản lý và các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Ngày nay, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, quản lý, các hoạt động dạy học trở nên phổ biến, với nhiều giải pháp đa dạng, tiết kiệm đáng kể công sức, chi phí để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của tỉnh. Phần lớn giáo viên, cán bộ quản lý có được kỹ năng tin học cơ bản, đảm bảo vận hành các ứng dụng vào quản lý và hoạt động dạy học. Ða số học sinh, nhất là học sinh phổ thông trung học tiếp cận nhanh, sáng tạo các phần mềm ứng dụng học tập. Phụ huynh học sinh có sự quan tâm, đầu tư tốt hơn phương tiện học hành của con em mình. Các doanh nghiệp rất năng động, tâm huyết tham gia, hỗ trợ, đồng hành cùng với ngành giáo dục để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển giáo dục số.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhận thức về vai trò của công nghệ thông tin trong giáo dục chưa cao, ngại đổi mới, lúng túng trong thực hiện, chưa có kế hoạch cụ thể. Nhân lực về công nghệ thông tin trong ngành còn thiếu và yếu. Trong khi đó, hạ tầng công nghệ thông tin vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu (như máy tính, tivi, bảng tương tác, phần mềm quản lý, dạy học, dịch vụ Internet…), vừa không đồng bộ, vừa thiếu tính liên thông nên hiệu quả sử dụng ở một số trường chưa cao. Ðời sống kinh tế gia đình, nhận thức và sự quan tâm của nhiều phụ huynh học sinh còn hạn chế, nhất là một số nơi ở nông thôn.

 Nguồn vốn để thực hiện kế hoạch chuyển đổi số chưa đảm bảo, dễ dẫn đến đầu tư manh mún, thiếu đồng bộ, ảnh hưởng chất lượng, hiệu quả thực hiện. Tư duy đóng kín dữ liệu trong từng đơn vị, trường học cần phải được xoá bỏ với tinh thần dữ liệu phải được công khai, minh bạch, chia sẻ sử dụng chung và cho phép xã hội khai thác, đảm bảo tính pháp lý, tôn trọng quyền riêng tư để phát triển.

Nhưng có lẽ, thách thức lớn nhất để ngành giáo dục Cà Mau tiến tới thực hiện chuyển đổi số là vấn đề nhận thức, thái độ đón nhận và làm chủ công nghệ. Chuyển đổi số chỉ có thể thành công một khi việc ứng dụng công nghệ trở thành việc thường xuyên, hàng ngày của những người có trách nhiệm trong ngành. Cho nên, điều đầu tiên không phải là vấn đề chiến lược và càng không phải là vấn đề kinh phí mà phải bắt đầu từ nhận thức. Tư duy đổi mới giáo dục, dám làm giáo dục theo cách mới sẽ là yếu tố quyết định./.

 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân - Giám đốc Sở GD-ÐT Cà Mau

Bài 2: MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ CÁC ÐIỀU KIỆN ÐẢM BẢO

Liên kết hữu ích
Mua Đồ̀ng hồ Rolex iphone 15 pro max iphone 15 pro max Két Sắt Đức Phươnghỗ trợ lắp đặt viettel tp hcm nhanh chóngDịch vụ thuê GPU uy tín

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.

Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng chất lượng dạy học

Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trường học là hết sức cần thiết và là xu thế tất yếu, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Trường THPT Thái Thanh Hoà, huyện Ðầm Dơi, đã có nhiều cố gắng trong ứng dụng CNTT vào việc dạy học, công tác quản trị nhà trường.

Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT

Năm học 2023-2024, tỉnh Cà Mau có 99,31% học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Nhằm phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT năm học 2024-2025, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các trường học trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh, để đảm bảo tất cả HSSV, bất kể điều kiện kinh tế hay hoàn cảnh gia đình, đều có cơ hội nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết.

Ðảm bảo chất lượng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Chia sẻ về nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học 2024-2025, ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), cho biết, toàn ngành sẽ tập trung quán triệt phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong mọi hoạt động giáo dục: "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, làm chủ thể - thầy cô giáo làm động lực - nhà trường làm bệ đỡ - gia đình làm điểm tựa - xã hội làm nền tảng".