Hiện nay, thế hệ trẻ người Khmer đã có ý thức hơn việc bảo tồn văn hoá nghệ thuật đặc sắc của dân tộc mình. Khi dự các lễ, Tết như: Ok Om Bok, Chôl Chnăm Thmây..., các bạn trẻ được xem, được chứng kiến nhiều hoạt động thể thao và nghệ thuật như: thi thả đèn nước, thi ẩm thực, liên hoan nghệ thuật sân khấu dù kê... Với chiếc điện thoại thông minh trên tay, họ đã quay lại những tiết mục, hay chụp những hình ảnh thú vị... để dựng clip, slide và đăng tải lên các tài khoản mạng xã hội của mình như: Facebook, TikTok, Instagram...
Khi cô giáo thị phạm các điệu múa, các bạn trẻ thích thú quay lại và dựng clip đăng tải lên group Zalo, Facebook của trường, lớp nhằm lan toả sự thích thú với nghệ thuật dân tộc mình.
Theo bạn Thạch Sóc Chia, 17 tuổi, xã Thới Bình, huyện Thới Bình, văn hoá và nghệ thuật Khmer rất đặc sắc không kém bất kỳ dân tộc nào, thế nên bạn muốn lan toả giá trị này của đồng bào mình đến với cộng đồng. "Khi dự các lễ hội lớn diễn ra ở chùa hay các điểm salatel, tôi quay clip các phần biểu diễn hay và lạ, sau đó cắt dựng lại cho gọn gàng và hấp dẫn, đăng lên kênh TikTok hay YouTube của mình. Lúc đầu tôi nghĩ không quá nhiều người xem, nhưng không ngờ, mỗi clip đưa lên cũng thu hút vài ngàn đến vài chục ngàn người xem. Có người còn bình luận, hỏi điệu múa này là gì? Lễ hội diễn ra ở đâu?... Và họ bày tỏ mong muốn được xem trực tiếp vì thấy đẹp, thấy độc đáo”, Thạch Sóc Chia hào hứng chia sẻ.
Ðam mê văn hoá truyền thống, bạn Nguyễn Thị Ánh Thư, 17 tuổi, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, cùng nhiều bạn trẻ chung tay lan toả văn hoá nghệ thuật của dân tộc mình. Ánh Thư cho biết: "Nhiều bạn trẻ biết hát tiếng Khmer sẽ lên YouTube, lên Google tìm nhạc Khmer để học hát. Còn các bạn thích múa sẽ tìm những bài múa truyền thống, tự học các động tác. Ðầu năm lớp 11, em có tham gia múa ở buổi lễ khai giảng, nhờ các bạn ở dưới quay lại và đăng clip lên trang cá nhân. Nhiều người vào bình luận khen múa đẹp và muốn học múa Khmer với chúng em".
Các bạn trẻ Khmer rất thích tìm hiểu và xem các clip về các bài múa, các lễ hội của dân tộc mình qua mạng xã hội của người thân, bạn bè...
Việc sử dụng công nghệ và mạng xã hội để đăng clip, chia sẻ hình ảnh trong các lễ hội của người trẻ Khmer đã thể hiện rõ niềm tự hào và tình yêu sâu sắc với những nét đẹp văn hoá của dân tộc mình. "Ở trường, em cũng rất chú trọng việc chung tay lan toả văn hoá nghệ thuật Khmer thông qua công nghệ số. Chúng em có Câu lạc bộ Tiếng Khmer, chúng em học tập ngôn ngữ, các điệu múa, lời ca... Song song đó, cũng sử dụng công nghệ hiện đại làm công cụ hỗ trợ. Chẳng hạn, khi chúng em thuyết trình bằng tiếng Khmer, hát một bài Khmer tự học... sẽ được các bạn khác hỗ trợ quay lại và chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội", bạn Lê Hữu Khánh Vy, 17 tuổi, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, chia sẻ.
Bạn Khánh Vy cho biết thêm, không chỉ có những người trẻ như bạn, mà các cô chú, anh chị ở nơi bạn sinh sống cũng rành rẽ nhiều phần mềm dựng clip, chỉnh ảnh, chủ động quay và đăng các clip về lễ hội của người Khmer để giới thiệu với mọi người.
Nghệ sĩ Ðoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau góp phần bảo tồn loại hình văn hoá nghệ thuật đặc sắc của đồng bào Khmer.
Có thể nói, với ý thức bảo tồn và sự thông thạo công nghệ, các bạn trẻ đã chung tay quảng bá và giới thiệu văn hoá nghệ thuật của dân tộc mình theo cách thiết thực và hiện đại nhất. Ðiều này rất đáng trân trọng./.
Lam Khánh