Thời gian qua, nhiều đoàn viên, thanh niên mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, khởi sự thành công ngay tại quê hương.
- Thực hiện 710 công trình, phần việc thanh niên tình nguyện
- Ðồng hành cùng thanh niên lập nghiệp
- Dấu ấn thanh niên Cà Mau
- “Thanh niên Cà Mau đoàn kết - bản lĩnh - đổi mới - phát triển”
Là người ham học hỏi và có ý chí làm giàu, sau khi được tham quan học hỏi các mô hình phát triển kinh tế của Huyện đoàn Ðầm Dơi, nhận thấy giá trị kinh tế cao của sò huyết và điều kiện tự nhiên về nguồn nước, lượng phù sa ở địa phương rất thích hợp cho quá trình sinh trưởng và phát triển của sò huyết mà chi phí thấp, anh Nguyễn Tuấn Dủ, Bí thư Xã đoàn Thanh Tùng (huyện Ðầm Dơi) đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi sò huyết và cho thu nhập ổn định.
Từ thành công của bản thân, với vai trò là Bí thư Xã đoàn, anh Dủ đã chia sẻ kinh nghiệm nuôi, cung cấp con giống. Ðến nay, mô hình nuôi sò huyết đang được nhân rộng ra các ấp, trong đoàn viên, thanh niên cũng như nhiều hộ dân ở địa phương.
Anh Nguyễn Tuấn Dủ, Bí thư Đoàn xã Thanh Tùng chia sẻ kinh nghiệm ươm so giống cho các bạn đoàn viên thanh niên ở địa phương.
“Ðã 10 năm nay, tôi áp dụng mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm. Lúc đầu tôi chỉ nuôi một phần diện tích đất của gia đình, sau thời gian nuôi đạt hiệu quả, tôi quyết định mở rộng hết 3 ha. Con giống tốt, nguồn nước trong vuông tôm có nhiều phù sa nên sò lớn nhanh, thịt dày và ngọt, nuôi từ 6-9 tháng đạt từ 70-100 con/kg, bán được. Mỗi vụ thu nhập vài trăm triệu đồng. Ðiển hình như vào năm 2021, tôi thu hoạch trên 4 tấn sò, trừ chi phí còn lãi trên 500 triệu đồng”, anh Dủ phấn khởi cho hay.
Từ mô hình nuôi sò huyết đã giúp anh Nguyễn Tuấn Dủ có thu nhập ổn định và khởi nghiệp thành công.
Anh Dủ chia sẻ thêm, để nuôi sò huyết thành công, người nuôi cần quan tâm nguồn con giống. Nếu mua được sò giống tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng thì khả năng nuôi thành công rất cao và ngược lại, con giống kém chất lượng thì tỷ lệ thành công thấp. Nhờ vào kinh nghiệm này, anh Dủ không chỉ thành công trong nhiều vụ nuôi mà còn ương và cung cấp sò giống chất lượng cho các hộ dân trong vùng có nhu cầu.
Tại huyện Trần Văn Thời, anh Lê Minh Nhựt, Bí thư Chi đoàn ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải là một trong những điển hình thanh niên khởi nghiệp thành công với mô hình trồng ổi.
Anh Nhựt cho hay: “Ổi là giống cây ngắn ngày, vốn bỏ ra ít, ít sâu bệnh và ít tốn công chăm sóc. Chỉ khi ổi ra trái thì tốn công bọc trái; trong khâu chăm sóc chỉ cần tưới nước đầy đủ, thường xuyên cắt tỉa cành. Ðặc biệt, vườn ổi nhà tôi chủ yếu là lấy công làm lời, tận dụng rơm rạ sau mùa cắt lúa để bón gốc, không sử dụng phân thuốc hoá học mà chỉ bón phân hữu cơ nên trái giòn và ngọt, được người tiêu dùng tin tưởng nên đầu ra rất dễ bán. Hiện nay, với khoảng 80 gốc ổi, giá bán ổn định từ 10-12 ngàn đồng/kg, tôi thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng".
Với khoảng 80 gốc ổi, mô hình của anh Lê Minh Nhựt cho thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng.
Theo anh Nhựt, mô hình này thích hợp cho người ít vốn, ít đất sản xuất vì có thể tận dụng đất trống quanh nhà, bờ liếp, vườn để trồng. Khi cây ổi lớn có thể chiết nhánh nhân giống mà không cần tốn thêm tiền mua cây giống.
Không chỉ thế, anh Nhựt còn tích cực, năng động tìm tòi những mô hình khởi nghiệp thành công để học hỏi và áp dụng. Hiện anh Nhựt đang thử nghiệm mô hình nuôi cá trong lưới mành, cá đang phát triển tốt.
Chị Nguyễn Hồng Niêm, Bí thư Xã đoàn Khánh Hải, nhận xét: “Mô hình trồng ổi và nuôi cá của anh Lê Minh Nhựt là một trong những mô hình khởi nghiệp hiệu quả trong các mô hình kinh tế tập thể của Xã đoàn. Thời gian tới, Xã đoàn sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng để các bạn đoàn viên, thanh niên có thể học hỏi cũng như có kinh nghiệm để phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập”./.
Quỳnh Anh - Hoàng Vũ